Đừng bỏ lỡ 'giai đoạn vàng' để can thiệp cho trẻ bị rối loạn phát triển

Đừng bỏ lỡ 'giai đoạn vàng' để can thiệp cho trẻ bị rối loạn phát triển
7 giờ trướcBài gốc
Ngày càng nhiều trẻ mắc
Thấy con trai 4 tuổi chậm nói, anh T.H.M (32 tuổi, ở phường An Nhơn) đưa con đến Bệnh viện Bình Định khám, theo chương trình “Khám cùng chuyên gia tâm lý nhi” với sự tham gia của bác sĩ CKII Thái Thị Thanh Thủy-nguyên trưởng Khoa Tâm lý, Bệnh viện Nhi Đồng II (TP. Hồ Chí Minh) cuối tháng 6-2025.
Bác sĩ CKII Thái Thị Thanh Thủy đánh giá về các biểu hiện bệnh ở một trẻ có biểu hiện tăng động, giảm chú ý. Ảnh: M.H
Anh M. cho biết con trai chủ yếu được ông bà chăm sóc vì cha mẹ bận rộn công việc. Gia đình thường xuyên cho trẻ xem tivi và điện thoại trong lúc ăn, chơi hay khi quấy khóc. Năm lên 3 tuổi, con trai anh chỉ nói vài từ đơn, thường im lặng kéo dài. Tình trạng kéo dài đến năm bé 4 tuổi, khả năng diễn đạt vẫn kém với các từ ngữ khó hiểu, nói không rõ ràng và thường sót âm.
Qua kiểm tra, khám chuyên sâu, bác sĩ cho biết con trai anh M. bị rối loạn ngôn ngữ diễn đạt, cần theo dõi thêm để loại trừ các tình trạng khác như rối loạn phổ tự kỷ, chậm phát triển tâm thần hay tăng động giảm chú ý. Bé được hướng dẫn trị liệu ngôn ngữ, kết hợp can thiệp tâm lý.
Tương tự, bé T.B.N (gần 3 tuổi, ở phường Pleiku) được đưa đến Bệnh viện Bình Định để khám rối loạn ngôn ngữ. Nhanh nhẹn và nói được các từ đơn, nhưng khả năng ngôn ngữ của bé gần như không phát triển thêm được. Chị Lâm Hoàng Ngọc, mẹ bé N., chia sẻ: Trước đây, muốn khám bệnh này cho con tôi phải đặt lịch trước với bác sĩ giỏi, rồi vào tận TP Hồ Chí Minh, vất vả lắm. Nay được khám ngay tại tỉnh, tôi rất yên tâm và vui mừng khi con mình được hỗ trợ điều trị kịp thời.
Bác sĩ CKII Thái Thị Thanh Thủy (người ngồi, bìa phải) hướng dẫn, tư vấn chuyên sâu cho một trường cha mẹ trẻ cùng phối hợp trị liệu ngôn ngữ trẻ chậm nói. Ảnh: M.H
Đây là hai trong nhiều trường hợp mà Bệnh viện Bình Định tiếp nhận gần đây khi thực hiện chương trình “Khám cùng chuyên gia tâm lý nhi” với sự hợp tác từ bác sĩ CKII Thái Thị Thanh Thủy ngay tại bệnh viện từ cuối tháng 5-2025 đến nay.
Theo bác sĩ Thủy, trong đợt khám cuối tháng 5.2025, gần 100 trẻ có biểu hiện rối loạn phát triển như chậm nói, rối loạn giao tiếp, tăng động giảm chú ý, tự kỷ…; trong đó hơn 50 trẻ đã được tư vấn chuyên sâu để phối hợp cùng cha mẹ trẻ thực hiện các trị liệu nguôn ngữ, can thiệp kịp thời. Đợt khám cuối tháng 6 cũng có tương ứng số lượt trẻ khám, đánh giá và được tư vấn chuyên sâu để can thiệp. Nhiều trẻ ở độ tuổi từ 24 - 36 tháng tuổi, có biểu hiện chậm nói, vốn từ rất ít, nói không rõ ràng. Trẻ từ 3 - 7 tuổi có dấu hiệu kém tập trung, giảm chú ý, tăng động…
Can thiệp sớm, tránh bỏ lỡ “giai đoạn vàng”
Bác sĩ Thủy cho hay, trẻ ở nhà, phụ huynh ít tương tác với con và có xu hướng cho trẻ xem ti vi, điện thoại nhiều để tránh bị làm phiền khi làm việc, hoặc để trẻ ngồi im lặng, không quấy khóc. Các thiết bị điện tử là một trong những nguyên nhân có thể liên quan đến nguy cơ chậm nói và ít giao tiếp ở trẻ. Trẻ dưới 2 tuổi, não bộ chưa hoàn thiện, nhưng thiết bị điện tử lại mang tới một lượng thông tin lớn, não trẻ sẽ không xử lý kịp dẫn đến tình trạng rối loạn thông tin. Ngoài ra, việc trẻ xem nhiều ngôn ngữ khác nhau trên thiết bị điện tử có thể dẫn đến tình trạng rối loạn ngôn ngữ, chậm nói. Điều này lại làm hại trẻ trong sự phát triển.
“Việc can thiệp sớm cho trẻ giúp đạt các mốc phát triển ngôn ngữ và kỹ năng giao tiếp, đồng thời giảm bớt các vấn đề liên quan đến cảm xúc và nhận thức, xã hội. Các phương pháp can thiệp có thể bao gồm trị liệu ngôn ngữ, chương trình hỗ trợ giáo dục, các hoạt động khuyến khích trẻ giao tiếp. Liệu pháp này có thể được thực hiện bởi các điều trị lâm sàng và trị liệu ngôn ngữ càng sớm càng tốt”-Bác sĩ Thủy nói.
Đến thời điểm hiện nay, Bệnh viện Bình Định là đơn vị đi sớm về việc triển khai phòng khám Ngôn ngữ trị liệu trẻ em, với đội ngũ bác sĩ nhi khoa của đơn vị và hợp tác cùng chuyên gia đến từ Bệnh viện Nhi đồng II (TP Hồ Chí Minh).
Bác sĩ tại phòng khám Ngôn ngữ trị liệu trẻ em (Bệnh viện Bình Định) thực hiện khảo sát sự tập trung ở trẻ. Ảnh: M.H
Bác sĩ CKII Phan Nam Hùng, Giám đốc chuyên môn Bệnh viện Bình Định, cho hay bệnh viện đã triển khai nhiều kỹ thuật mới liên quan đến các lĩnh vực tim mạch, can thiệp tim mạch, các bệnh lý sản khoa, ngoại khoa… Đặc biệt, từ năm 2025 bệnh viện chú trọng mở rộng các đơn nguyên khám, can thiệp chú trọng về các bệnh lý nhi khoa liên quan đến rối loạn tâm lý, rối loạn ngôn ngữ…
Điều này giúp ích rất nhiều trong việc hướng dẫn gia đình trẻ can thiệp thay đổi lối sống cho trẻ nhỏ, cũng như phối hợp can thiệp điều trị phù hợp, kịp thời trong “giai đoạn vàng” phát triển của trẻ. Đến nay, đã thu hút nhiều bệnh nhi trong và ngoài tỉnh.
MAI HOÀNG
Nguồn Gia Lai : https://baogialai.com.vn/dung-bo-lo-giai-doan-vang-de-can-thiep-cho-tre-bi-roi-loan-phat-trien-post560406.html