Đừng chủ quan khi trẻ bị sặc thức ăn

Đừng chủ quan khi trẻ bị sặc thức ăn
2 giờ trướcBài gốc
Bác sĩ kiểm tra tình trạng bệnh nhi. Ảnh: BVCC
Bệnh nhi L.M.K (21 tháng tuổi, thường trú tại thị xã Quảng Yên) nhập viện trong tình trạng ho sặc sụa, có đờm và thở khò khè. Gia đình cho biết trẻ có tiền sử sặc thức ăn và đã xuất hiện triệu chứng ho, sổ mũi khoảng 2 ngày trước khi nhập viện. Mặc dù đã được điều trị bằng thuốc tại nhà, tình trạng không cải thiện và trẻ còn nôn ra thức ăn, khó thở sau khi ăn.
Qua thăm khám và các xét nghiệm cận lâm sàng, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị viêm phế quản phổi và phát hiện dị vật trong đường thở. Đồng thời, trẻ được chỉ định nội soi khí phế quản, thành công gắp ra nhiều mảnh thức ăn bị hóc trong đường thở của trẻ.
Đáng chú ý, dị vật nằm sâu trong khí phế quản và có kích thước lớn, gây chèn ép đường thở và có nguy cơ dẫn đến suy hô hấp. Điều này đòi hỏi các bác sĩ phải thực hiện thủ thuật một cách nhanh chóng và hết sức thận trọng. Sau can thiệp, tình trạng của bệnh nhi đã ổn định đáng kể: tỉnh táo, thở đều, môi và chi hồng hào, SpO2 đạt 100%, và trẻ có thể tự chơi đùa.
Từ ca bệnh này, các bác sĩ khoa Hô hấp - Tim Mạch - Tiêu Hóa - Thần kinh của Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Quảng Ninh khuyến các bậc phụ huynh: dị vật đường thở là tình trạng cực kỳ nguy hiểm, có thể gây viêm phế quản phổi, suy hô hấp và thậm chí đe dọa tính mạng nếu không được xử trí kịp thời. Trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ, rất dễ bị sặc hoặc hóc thức ăn do thói quen vừa ăn vừa chơi, cười, khóc hoặc khi bị kích động. Phụ huynh cần thường xuyên quan sát và nhắc nhở trẻ khi ăn uống. Trong trường hợp nghi ngờ trẻ bị hóc dị vật, sau khi xử trí ban đầu, cần nhanh chóng đưa trẻ đến cơ sở y tế uy tín. Tuyệt đối không tự ý điều trị bằng thuốc khi chưa có chỉ định của bác sĩ.
Bảo Long
Nguồn PL&XH : https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/dung-chu-quan-khi-tre-bi-sac-thuc-an-395574.html