Đứng dậy sau bão lũ: Tái thiết trường, lớp

Đứng dậy sau bão lũ: Tái thiết trường, lớp
4 giờ trướcBài gốc
Cán bộ, giáo viên Trường Mầm non Đồng Thịnh (huyện Định Hóa, Thái Nguyên) phối hợp với phụ huynh dọn dẹp khuôn viên nhà trường. Ảnh: Phương Thảo
Bên cạnh đó, nhiều trường ngâm trong nước lâu ngày hoặc đóng chân trên vùng đất yếu… nên nguy cơ sạt lở có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Tái thiết trường lớp giữa trăm nghìn nỗi lo, thầy trò vùng khó rất cần sự chung tay hỗ trợ cả vật chất lẫn tinh thần.
Dồn lực khắc phục hậu quả
Tại Hải Phòng, thông tin từ Phòng GD&ĐT huyện Cát Hải, trên địa bàn huyện có nhiều trường học bị ảnh hưởng, thiệt hại do bão số 3 gây ra. Đến nay, một số trường đã đón học sinh đi học trở lại, nhưng còn trường tiếp tục sửa chữa, khắc phục nên chưa thể đón học sinh.
Các trường chịu thiệt hại nặng có thể kể tới: Mầm non Sơn Ca, Tiểu học Nguyễn Văn Trỗi, Trường Mầm non, Tiểu học và THCS Hiền Hào, Trường Mầm non, Tiểu học và THCS Xuân Đám. Sau bão, chính quyền địa phương đã rốt ráo vào cuộc kiểm tra, thống kê cơ sở vật chất bị ảnh hưởng để lên phương án khắc phục. Tuy nhiên, nhiều trường thiệt hại lớn nên cần có thời gian hoàn thiện.
Cô Trần Thị Minh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Sơn Ca cho hay, nhà trường bị tốc mái toàn bộ dãy phòng học, khu hiệu bộ, ước tính 1.200m2 mái tôn. Trường có 6 phòng học, thiết bị đồ dùng trong lớp bị hư hỏng nặng do mái nhà các hộ dân lân cận đập vào. Khu vực ngoài trời, nhiều hạng mục hư hại, sân khấu của trường bị sập hoàn toàn.
Ngay khi bão tan, Chủ tịch UBND huyện Cát Hải và các cơ quan chức năng của huyện đã xuống chỉ đạo, kiểm tra và quyết định sửa chữa ngay để Trường Mầm non Sơn Ca kịp thời đón trẻ. Tuy nhiên thiết bị, đồ dùng dạy học không thể tái sử dụng và chưa có nguồn để mua sắm. Trường đã làm tờ trình báo cáo phòng GD&ĐT, chính quyền địa phương về vấn đề này.
Trường Mầm non Sơn Ca có 350 trẻ, trong đó 1 lớp lẻ với hơn chục bé. Sau bão, lớp học hư hỏng nên nhà trường quyết định đón trẻ ra điểm trường trung tâm. Theo dự kiến, công việc sửa chữa của trường sẽ hoàn thành trước 22/9; từ 23/9, trẻ sẽ đi học bình thường.
Sau bão, Trường Mầm non, Tiểu học và THCS Hiền Hào (huyện Cát Hải) bị bay toàn bộ mái nhà dãy phòng học tầng 2, đồ dùng, đồ chơi ngoài trời hỏng nặng. Với sự quan tâm của lãnh đạo huyện, cơ sở vật chất nhà trường được khắc phục ngay. Ngày 18/9, trường đã đón trẻ đi học.
Tuy vậy, ban giám hiệu, giáo viên nhà trường vẫn mong muốn sớm được bổ sung đồ chơi ngoài trời khu mầm non. Một số cửa phòng học bị hỏng cần sửa chữa để đảm bảo an toàn cho cô trò. “Những mong muốn của nhà trường cũng là của phụ huynh để trường sớm hoàn thiện cơ sở vật chất, học sinh được học tập trong điều kiện đảm bảo, đầy đủ hơn”, cô Hiệu trưởng Trần Thị Thanh Tuyết cho hay.
Trường Mầm non Sơn Ca (huyện Cát Hải, Hải Phòng) ảnh hưởng lớn do bão. Ảnh: Nguyễn Dịu
Theo thống kê của Sở GD&ĐT Hải Phòng, cơ sở vật chất các trường học trên địa bàn thành phố bị ảnh hưởng nặng nề bởi cơn bão số 3 với 2.687 phòng học bị ảnh hưởng (tốc mái, bung cửa...), chiếm tỷ lệ 19,4% phòng học của thành phố. Trong đó 1.670 phòng có thể sửa chữa, khắc phục ngay; còn 1.017 phòng phải tiến hành sửa chữa lớn.
Số phòng học bộ môn bị ảnh hưởng là 369 (chiếm tỷ lệ 20,1%), trong đó 273 phòng có thể sửa chữa, khắc phục ngay, 96 phòng phải tiến hành sửa chữa lớn. 732 công trình phụ trợ không thể sử dụng (nhà xe, phòng y tế, khu vệ sinh), chiếm tỷ lệ 10,8%, trong đó nhà xe: 328 công trình, phòng y tế: 37, 367 khu vệ sinh.
Hải Phòng có 220 phòng hỗ trợ học tập (phòng máy tính, phòng đa năng...) bị hư hỏng, chiếm tỷ lệ 12,65%. 65 phòng sinh hoạt (nhà bếp, nhà ăn) không thể sử dụng. 3.042 cây xanh thuộc khuôn viên các trường học bị đổ gãy.
Những ngày qua, cơn bão số 3 cũng gây thiệt hại nặng nề cho các trường học ở Hà Nội. Toàn thành phố có gần 60 trường ngập nước; gần 3.100 mét tường bị đổ; gần 400 mái nhà, phòng học bị lật; gần 800 cửa chính, cửa sổ, gần 190 nhà xe, gần 1.900 biển bảng bị hỏng.
Trước diễn biến thời tiết phức tạp và có thể còn kéo dài, các trường học đặc biệt quan tâm rà soát cơ sở vật chất để kịp thời ngăn chặn nguy cơ gây tai nạn thương tích cho học sinh. Cô Nguyễn Thu Hường - Hiệu trưởng Trường Mầm non Yên Mỹ (huyện Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ, chỉ vài ngày ngắn ngủi sau khai giảng, vừa đối mặt với cơn bão số 3 dữ dội lại ngay lập tức gặp đợt mưa lũ kéo dài là thử thách không nhỏ với cán bộ, giáo viên nhà trường.
Trường Mầm non Yên Thịnh (huyện Chợ Đồn, Bắc Kạn) bị sạt taluy đằng sau nhà hai tầng phòng học, nhà bếp khu trường chính. Ảnh: Phương Thảo
Khi nước sông Hồng dâng cao cũng là lúc Trường Mầm non Yên Mỹ bắt đầu ngập. Chỉ qua 1 đêm, sân trường ngập trong nước từ 40 - 50cm. Ngày 11/9, mực nước dâng cao nhất đến hơn 1m. Trong phòng học, nước dâng cao trên 40cm.
Với phương châm “nước rút đến đâu, vệ sinh đến đó”, từ chiều 12/9, cán bộ giáo viên nhiều trường mầm non trong huyện đến hỗ trợ nhà trường dọn dẹp, khắc phục hậu quả sau mưa lũ. Bên cạnh đó, người thân của các cô cũng chung tay với nhà trường dọn dẹp, vệ sinh môi trường.
Cô Hường cho biết, để đảm bảo an toàn, sức khỏe cho học sinh khi đến trường, công tác vệ sinh, khử khuẩn đã được làm kỹ càng. Sau lũ sẽ tiềm ẩn nhiều nguy cơ của dịch bệnh, đặc biệt với trẻ mầm non nên tranh thủ những ngày nắng, nhà trường mở cửa hết phòng học để hút ẩm, hong khô đồ đạc, khử trùng bằng vôi, Cloramin B.
Nằm ở vùng trũng, Trường THCS Nam Phương Tiến A (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) thường xuyên đối mặt với bão lũ, ngập úng. Chia sẻ của thầy Hiệu trưởng Nguyễn Bá Thắng, dù trường mới được đầu tư xây dựng nhưng do ngâm nước lâu ngày, các bờ tường, móng nhà có nguy cơ hư hỏng. Nhà trường đã tìm cách gia cố công trình, đồng thời cảnh báo học sinh không lại gần chỗ nguy hiểm.
Mưa lũ cũng khiến nhiều trường học tại huyện Ứng Hòa (Hà Nội) đối diện khó khăn. Thông tin từ ông Nguyễn Đức Thắng - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Ứng Hòa, đến ngày 18/9, huyện có 87/90 trường hoạt động bình thường. Phòng yêu cầu các trường hằng ngày rà soát toàn bộ cơ sở vật chất, nhất là những trường đã xây dựng lâu năm, có nhiều cây xanh để kịp thời phát hiện nguy cơ mất an toàn như sập trần, hở điện, cây gãy, đổ...
Thầy cô Trường PTDTBT THCS Nậm Lúc, huyện Bắc Hà (Lào Cai) vệ sinh trường lớp. Ảnh: Thuận Thiên
Tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn
Những ngày qua, Trường Tiểu học & THCS số 1 Phúc Khánh (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) đã đón học sinh quay trở lại trường sau những ngày tạm nghỉ để phòng, chống mưa, lũ. Đặc biệt, 107 học sinh thôn Làng Nủ - nơi vừa trải qua trận lũ quét kinh hoàng được đưa về trường chính học tập và ở nội trú.
Thầy Phạm Đức Vinh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học & THCS số 1 Phúc Khánh cho biết, nhà trường có 1 điểm trường tại Làng Nủ, dành cho 29 học sinh lớp 1, lớp 2. Sau trận lũ quét, 3 học sinh điểm trường không may mắn qua khỏi.
Đến nay, thôn Làng Nủ vẫn chìm trong bùn đất, rác và xác động vật bị vùi lấp, nguy cơ ô nhiễm môi trường cao, ảnh hưởng đến sức khỏe học sinh. Mặt khác, sự nguy hiểm vẫn rình rập học sinh tại các điểm sạt lở trên cung đường đến trường nên ban giám hiệu quyết định đón 107 học sinh Làng Nủ đến học và ở bán trú tại điểm chính.
Để đảm bảo điều kiện ăn, ngủ cho học sinh thôn Làng Nủ, giáo viên nhà trường đã gấp rút cải tạo các phòng học ít sử dụng, phòng chức năng thành nơi ngủ. Một số phụ huynh được huy động để chăm sóc, quản lý học sinh lần đầu xa nhà. Cùng đó, nhà trường xin các tổ chức, cá nhân hỗ trợ vật chất để nuôi học sinh.
Trường Mầm non số 1 Phúc Khánh (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai) nằm ở trung tâm xã nên không bị thiệt hại nhiều sau cơn bão số 3. Trẻ học tại điểm chính đã đi học. Tuy nhiên, điểm trường Làng Nủ dù đứng vững sau đợt lũ nhưng chưa thể đón trẻ trở lại.
Chia sẻ của cô Phó Hiệu trưởng Vũ Thị Tuyết Mai, phía trên dãy nhà lớp học tại điểm trường Làng Nủ xuất hiện vết nứt và có nguy cơ sạt lở. Ban giám hiệu mong muốn sẽ được di chuyển đến địa điểm mới để đảm bảo an toàn cho trẻ và giáo viên.
Trường PTDTBT Tiểu học số 1 Thượng Hà, huyện Bảo Yên (Lào Cai) dọn dẹp sạt lở khu bếp ăn bán trú. Ảnh: Thuận Thiên
Tại huyện Bảo Yên, Trường PTDTBT Tiểu học số 1 Thượng Hà đến nay chưa thể cho học sinh quay trở lại trường. Mưa lũ đã làm đổ phòng chứa thiết bị học tập; hàng chục khối đất đá tràn vào khu vực bếp nấu ăn ở khu nhà bán trú; hơn 20m kè từ cổng trường bị sạt lở.
Theo cô Nguyễn Thị Hằng - Hiệu trưởng Trường PTDTBT Tiểu học số 1 Thượng Hà, sau nhiều ngày cật lực dọn dẹp, đến nay nhà trường chưa dọn xong khối lượng đất sạt lở đằng sau nhà ăn bán trú bởi phải làm thủ công, máy xúc không vào được. Dự kiến tuần sau, nhà trường mới có thể đón học sinh đi học trở lại.
Cùng đó, nhà của hơn 30 học sinh ở gần khu vực thủy điện vẫn bị ngập và thiệt hại nặng nề. Trong đó, nhà của 13 học sinh bị sập hoàn toàn, đồ dùng, sách vở bị nước cuốn trôi. Nhiều tuyến đường đến thôn bản khó khăn có nguy cơ sạt lở, mất an toàn.
“Chúng tôi tính đến phương án đưa học sinh về trường bởi các cung đường không biết sẽ sạt lở lúc nào. Phụ huynh thì bận khắc phục hậu quả mưa lũ. Khả năng mất an toàn của học sinh ở nhà sẽ cao hơn ở trường”, cô Hằng nói.
Trước đó, để đảm bảo an toàn, Sở GD&ĐT tỉnh Lào Cai chỉ đạo các phòng GD&ĐT tiếp tục chủ động tham mưu UBND huyện tổ chức rà soát toàn bộ cơ sở vật chất các nhà trường; kịp thời báo cáo UBND huyện, thị xã, thành phố những nơi có nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn để có phương án tốt nhất trước khi đón học sinh trở lại.
Cùng đó, huy động các lực lượng tổ chức dọn dẹp vệ sinh, tu sửa trường lớp, đặc biệt khử khuẩn vệ sinh khu nội trú, bán trú, bếp ăn ở các trường bị ngập nước... trên tinh thần đảm bảo an toàn trước khi đón học sinh trở lại học tập, sinh hoạt.
Giáo viên Trường Mầm non Yên Mỹ (huyện Thanh Trì, Hà Nội) dọn trường khi nước vừa rút. Ảnh: Việt Cường
Phương án dài hơi
Tại Bắc Kạn, ảnh hưởng của bão số 3 và mưa lũ, toàn tỉnh có 40 cơ sở giáo dục bị sạt lở taluy đất gần trường, nhà bán trú bị sụt lún, ngập úng tại các lớp học, sập trần nhựa, hỏng mái tôn, đổ cây, đứt đường dây điện, tốc mái...
Cụ thể, huyện Ba Bể (Bắc Kạn) có 8 cơ sở giáo dục bị ảnh hưởng nặng gồm: Điểm trường Bản Cám của Trường Mầm non Nam Mẫu ngập toàn bộ. Trường PTDTBT THCS Cao Thượng bị sụt, lún hiên nhà bán trú. Trường THCS thị trấn Chợ Rã sạt lở taluy cạnh nhà công vụ giáo viên và nhà đa năng, ước tính lượng đất phải chuyển đi khoảng 800m3....
Huyện Chợ Đồn (Bắc Kạn) có 9 cơ sở giáo dục bị ảnh hưởng: Trường PTDTNT Chợ Đồn, sạt lở hỏng khoảng 20m tường rào. Trường Tiểu học & THCS Lương Bằng, taluy sau sân trường bị sạt lở số lượng ít, đá lăn làm hỏng tường bao, bùn đất trôi xuống sân trường. Tại Trường Mầm non Yên Thịnh, khu trường chính sạt taluy đằng sau nhà hai tầng phòng học, nhà bếp...
Cô Trịnh Thị Điểm - Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Yên Thịnh (huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn) chia sẻ: Ngay sau khi nước rút, nhà trường đã huy động toàn bộ cán bộ, giáo viên, phối hợp với phụ huynh, Đoàn Thanh niên vận chuyển đất, dọn dẹp khuôn viên trường học. Đến ngày 17/9, dù khối lượng đất đá chưa di chuyển hết nhưng trường cố gắng khắc phục khó khăn để đón trẻ trở lại trường. Tạm thời, trường bố trí cho trẻ học ở chỗ khác để đảm bảo an toàn.
Tại Thái Nguyên, bão số 3 và mưa lũ cũng khiến 93 trường trên địa bàn tỉnh thiệt hại về cơ sở vật chất. Ngoài ra, các thiết bị, đồ dùng dạy, học cũng hư hỏng gồm: 80 bộ máy tính, 1 máy chiếu, 26 chiếc màn hình tivi, 2.295 quyển sách giáo khoa và 2.546 thiết bị dạy học khác.
Bão đi qua, Sở GD&ĐT Thái Nguyên đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp với cơ quan chức năng liên quan chủ động kiểm tra tình hình thiệt hại, huy động lực lượng, vật tư, phương tiện tại chỗ để khắc phục hậu quả. Đồng thời, tuyên truyền tiếp tục thực hiện các biện pháp gia cố, chằng chống tài sản, cơ sở vật chất khác... nhằm ứng phó với mưa, lũ sau bão và đảm bảo an toàn.
Cô Nguyễn Thị Hồng Thắm - Hiệu trưởng Trường Mầm non Đồng Thịnh (huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên) cho biết: Trận mưa lũ vừa qua đã khiến trường bị sạt lở điểm trường chính và 1 điểm lẻ cách trường chính 6km.
“Do địa hình đặc thù chia hai tầng, đằng sau trường là đồi, dẫn đến nguy cơ sạt lở lớn, mưa to lượng đất lớn đã tràn vào sân trường, bếp. Nhà trường mong chính quyền địa phương có phương án dài hơi xây bờ kè để phòng ngừa diễn biến bất thường của thời tiết và đảm bảo an toàn cho học sinh”, cô Hồng Thắm bày tỏ.
Thời gian mưa lâu, kéo dài làm đất ngấm nước và bị mềm yếu, nguy cơ gây sạt lở cao, do đó, các cơ sở giáo dục trên địa bàn cần chủ động rà soát, kiểm tra các công trình có nguy cơ mất an toàn để lên phương án sửa chữa, khắc phục. Cương quyết không đưa vào sử dụng các công trình không bảo đảm chất lượng, nguy cơ đổ, sập.
Nêu quan điểm chỉ đạo của ngành GD, ông Nguyễn Đức Thịnh - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Nguyên đồng thời nhấn mạnh: Các trường cần rà soát, lên kế hoạch và triển khai ngay việc sửa chữa cơ sở hạ tầng trường học, đặc biệt ưu tiên các hạng mục có nguy cơ ảnh hưởng đến sự an toàn của giáo viên và học sinh. Di dời học sinh, giáo viên, cơ sở vật chất và thiết bị dạy học khỏi các khu vực bị hư hại nặng hoặc chưa an toàn.
Ông Đỗ Văn Quang - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Cô Tô (Quảng Ninh) thông tin, cơn bão số 3 càn quét khiến các trường học trên địa bàn huyện thiệt hại nghiêm trọng (bay mái tôn chống nóng, gãy đổ cây xanh). Tuy nhiên, đến nay công tác khắc phục để đảm bảo an toàn cho học sinh trở lại trường học đã hoàn tất.
Tại huyện Tiên Yên, ngoài các trường học bị ảnh hưởng do bão, trên địa bàn huyện có 2 điểm trường lẻ bị nước lũ vào, nhưng không ảnh hưởng nghiêm trọng đến công trình do nước rút nhanh. Tỉnh và huyện đã tiến hành kiểm tra và đánh giá công trình không bị ảnh hưởng.
Ông Đinh Ngọc Sơn - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh cho biết, Sở thực hiện khảo sát nắm tình hình các trường trên địa bàn. Tính đến ngày 16/9, 100% các trường học trên địa bàn tỉnh đã đón học sinh trở lại, việc dạy và học diễn ra bình thường. Sở và các địa phương đang lập danh mục và triển khai sửa chữa các hạng mục như bay mái tôn, hỏng tường rào… đến cuối năm.
Nhóm PV
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/dung-day-sau-bao-lu-tai-thiet-truong-lop-post701590.html