Đừng để 'nhờn' luật vì không bị phạt

Đừng để 'nhờn' luật vì không bị phạt
4 giờ trướcBài gốc
Không thể phủ nhận, việc lực lượng CSGT tăng cường việc xử phạt xe máy đi vào cao tốc, vào đường cấm thời gian qua đã đem lại hiệu quả tích cực, góp phần ngăn ngừa, giảm thiểu tình trạng này. Việc CSGT dùng flycam, thiết bị ghi hình, phạt nguội xe ôm đón khách tại khu vực cầu Thăng Long, điểm nối với đường Vành đai 3 trên cao đã khiến các tài xế “tâm phục, khẩu phục”, vì bằng chứng vi phạm rõ ràng.
Tuy vậy, chỉ sau một thời gian cao điểm xử lý, tình trạng vi phạm tạm thời lắng xuống, thì đâu lại hoàn đó: không chỉ tình trạng xe ôm đón khách tại đầu cầu Thăng Long, mà việc xe máy đi vào đường Vành đai 2 trên cao, Vành đai 3, Đại lộ Thăng Long… tiếp tục tái diễn.
Thậm chí, tình trạng từng đoàn phương tiện mô tô, xe máy quay đầu bỏ chạy khi phát hiện có lực lượng chức năng chốt chặn diễn ra thường xuyên, gây bức xúc dư luận.
Mặc dù lực lượng chức năng khẳng định sẽ phạt nguội với các trường hợp phương tiện quay đầu, bỏ chạy, song một số ý kiến cho rằng rất khó phạt nguội với các trường hợp mô tô, xe máy quay đầu trên đường cao tốc, đường cấm. Bởi lâu nay, việc phạt nguội với các trường hợp mô tô, xe gắn máy vi phạm Luật Giao thông đã không thực hiện được vì tình trạng phương tiện không sang tên đổi chủ diễn ra phổ biến.
Bởi vậy, nhiều ý kiến cho rằng, để ngăn chặn hiệu quả tình trạng mô tô xe máy đi vào đường cấm, vào cao tốc, không thể chỉ trông chờ vào sức người, vào việc xử lý vi phạm trực tiếp.
Thay vào đó, cần đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ giám sát, tự động phát hiện các trường hợp mo to, xe gắn máy đi vào đường cấm, vào cao tốc để làm căn cứ xử phạt, để người tham gia giao thông cảm thấy, chỉ cần vi phạm là sẽ bị xử phạt.
Soi chiếu vào các cao tốc hiện nay, không khó để thấy, rất ít trường hợp mô tô, xe gắn máy đi vào cao tốc Hà Nội – Hải Phòng, và hầu hết các trường hợp vi phạm đều bị xử lý. Trong khi các cao tốc khác, hoặc đường cấm mô tô, xe gắn máy như: Đại lộ Thăng Long, Vành đai 3 trên cao,… tình trạng mô tô, xe gắn máy vi phạm vẫn diễn ra.
Do vậy, cần trang bị thêm hệ thống camera tại các điểm nóng về vi phạm giao thông, đặc biệt là tại các lối ra, vào của các tuyến đường cao tốc. Camera giám sát không chỉ có khả năng ghi lại hình ảnh vi phạm một cách chính xác, mà còn có thể kết hợp với các hệ thống khác để tự động xử lý vi phạm mà không cần đến sự can thiệp trực tiếp của con người.
Điều này giúp giảm tải công việc cho lực lượng cảnh sát giao thông và tăng cường tính minh bạch trong quá trình xử phạt.
Cùng với đó, cần đẩy nhanh việc định danh biển số mô tô, xe gắn máy để xử phạt chủ phương tiện khi phát hiện phương tiện vi phạm. Cùng với việc khuyến cáo người dân tự động cập nhật dữ liệu phương tiện, lực lượng CSGT đẩy nhanh đối chiếu, làm sạch dữ liệu phương tiện mô tô, xe gắn máy của người dân.
Khi kết hợp với hệ thống camera giám sát, cùng với định danh biển số, có thể xác định ngay lập tức các phương tiện vi phạm, từ đó gửi thông báo vi phạm đến chủ xe, người vi phạm một cách chính xác, hiệu quả.
Việc áp dụng công nghệ định danh biển số không chỉ giúp tăng cường hiệu quả của việc giám sát giao thông mà còn tạo ra sự răn đe mạnh mẽ đối với các hành vi vi phạm.
Ngoài ra, cần sớm đưa vào áp dụng việc sử dụng dữ liệu hình ảnh của người dân về tình trạng vi phạm. Bởi rất nhiều ô tô đã trang bị hệ thống camera hành trình. Chỉ cần huy động được những dữ liệu này cũng góp phần đáng kể trong việc phát hiện hành vi vi phạm.
Khi người tham gia giao thông nhận thấy, chỉ cần vi phạm là sẽ bị xử phạt, tự khắc ý thức của họ sẽ được nâng lên, tránh tình trạng “nhờn” luật, khi vi phạm mà không bị xử phạt.
Quách Đồng/VOV Giao thông
Nguồn VOV : https://vov.vn/xa-hoi/dung-de-nhon-luat-vi-khong-bi-phat-post1123339.vov