Đừng để vi phạm hành chính trở thành phạm pháp hình sự

Đừng để vi phạm hành chính trở thành phạm pháp hình sự
4 giờ trướcBài gốc
Trong 9 ngày nghỉ Tết Ất Tỵ 2025, lực lượng Cảnh sát Giao thông cả nước đã xử phạt hơn 17.000 trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, giảm hơn một nửa so với cùng kỳ năm 2024. Tuy nhiên, thực tế vẫn có tồn tại những trường hợp vi phạm nồng độ cồn chống đối lực lượng chức năng. Hành vi này cần phải bị xử lý nghiêm để cảnh tỉnh chung trong toàn xã hội.
Công an thành phố Quy Nhơn (tỉnh Bình Định) đã tạm giữ hình sự đối tượng Hồ Thị Tuyết Mai (sinh năm 1976, trú tại phường Hải Cảng, thành phố Quy Nhơn) để làm rõ hành vi chống người thi hành công vụ.
Trước đó, tối 4/2, Tổ tuần tra Cảnh sát Giao thông phát hiện một nam thanh niên điều khiển xe gắn máy chở quá số người quy định và yêu cầu dừng xe kiểm tra. Khi được yêu cầu đo nồng độ cồn thì thanh niên này cự cãi. Bà Mai là người ngồi sau xe, trong tình trạng say xỉn đã la hét, chửi bới xúc phạm lực lượng làm nhiệm vụ và có hành động dùng tay và mũ bảo hiểm đánh một chiến sĩ Cảnh sát Giao thông.
Cũng trong ngày 4/2, Công an thành phố Thái Bình (tỉnh Thái Bình) đã ra lệnh bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp đối với Đặng Ngọc Hưng (sinh năm 2001, trú phường Kỳ Bá, thành phố Thái Bình) để điều tra về hành vi chống người thi hành công vụ.
Trước đó, tối 3/2, Tổ công tác Công an tỉnh Thái Bình đang làm nhiệm vụ kiểm tra nồng độ cồn ra tín hiệu dừng xe nhưng Hưng không chấp hành hiệu lệnh, mà bất ngờ tăng tốc rồi lao xe vào một chiến sĩ Cảnh sát Giao thông và bỏ chạy, khiến chiến sĩ Cảnh sát Giao thông này bị thương phải đưa đi cấp cứu.
Những vụ việc xảy ra trong tuần qua cho thấy, vẫn có một bộ phận người tham gia giao thông nhờn luật, coi thường tính mạng của bản thân và những người khác.
Ông Nguyễn Công Hùng, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam cho rằng: “Khi đã có hơi men trong người rất dễ khiến người ta mất kiểm soát hành vi, dẫn tới việc chống người thi hành công vụ. Tôi cho rằng phải xử lý nghiêm khắc, xét xử công khai”.
Luật sư Hoàng Văn Hướng, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết: “Hành vi của các đối tượng có nồng độ cồn chống đối lực lượng Cảnh sát Giao thông là cực kỳ nguy hiểm. Và việc xử lý các hành vi này không chỉ dừng ở khởi tố về chống người thi hành công vụ mà tùy tính chất, mức độ còn bị khởi tố về tội giết người”.
Trong 9 ngày nghỉ Tết Nguyên đán vừa qua, tai nạn giao thông đã giảm sâu trên cả ba tiêu chí. Đây là kết quả tất yếu khi các lỗi vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện giao thông đã giảm sâu so với cùng kỳ Tết năm 2024. Rõ ràng, hành vi này đang dần bị loại bỏ bởi các chế tài phù hợp và sự vào cuộc mạnh mẽ, quyết liệt không có vùng cấm của lực lượng chức năng.
Dù cái giá phải trả từ các chế tài pháp luật với những hành vi vi phạm nồng độ cồn khi tham gia giao thông và chống người thi hành công vụ là rất nghiêm khắc. Nhưng cái giá đắt nhất khi hành vi này không được kịp thời phát hiện và ngăn chặn chính là tính mạng con người, bởi đã có quá nhiều vụ việc đau lòng do ma men ngồi sau tay lái gây ra.
Bá Đức
Nguồn Hà Nội TV : https://hanoionline.vn/video/dung-de-vi-pham-hanh-chinh-tro-thanh-pham-phap-hinh-su-302320.htm