Dùng nước chanh nhỏ mắt dễ gây mù lòa vĩnh viễn
Những ngày gần đây, trên mạng xã hội, rất nhiều tài khoản chia sẻ bài viết sử dụng nước chanh nguyên chất để trị bệnh. Đơn cử như tài khoản N.H. cho biết: “Mấy hôm nay, mắt mình có hiện tượng giảm tầm nhìn. Sáng ra mở mắt, tầm nhìn bằng 0, sau vài phút mới nhìn rõ lại được. Mình học theo các cô, chú, anh chị nhỏ mắt bằng chanh. Sau 10 ngày, mắt mình trở lại bình thường”.
Hay tài khoản T.M.V. cũng cho biết đã sử dụng nước chanh nguyên chất nhỏ vào mắt của trai nhỏ khi cháu bị mụn lẹo. “Sau 3 ngày làm, mụn lẹo hết sạch”.
Tất cả những bài đăng này được chia sẻ trong group có tên gọi “Chanh liều cao”, với 52.000 thành viên. Những bài đăng trong group này thu hút lượng tương tác lớn, phần lớn mọi người tán thành với cách tự trị bệnh bằng nước cốt chanh.
Bác sĩ Phí Thùy Linh, Trưởng đơn nguyên Mắt, Bệnh viện Đa khoa Phương Đông khẳng định, hiện chưa có bất kỳ tài liệu khoa học nào công nhận hiệu quả của việc nhỏ trực tiếp nước cốt chanh vào mắt, mũi, hay tai để điều trị bệnh.
“Do đó việc nhỏ chanh vào mắt là hành vi phản khoa học, tiềm ẩn nguy cơ mù lòa vĩnh viễn. Đã có những trường hợp bỏng giác mạc cấp tính chỉ sau một lần tiếp xúc với acid thực vật”, BS Linh chia sẻ.
Trào lưu dùng nước cốt chanh để làm thuốc nhỏ mắt
Bác sĩ Thùy Linh cho hay, việc tự ý nhỏ chanh để chữa các bệnh tai mũi họng ở trẻ có thể làm trầm trọng thêm tình trạng viêm nhiễm, tăng nguy cơ các biến chứng như viêm tai giữa, viêm phổi hoặc tổn thương vĩnh viễn đến thính giác.
Thực tế, cơ chế tự bảo vệ của niêm mạc mũi, tai luôn hoạt động hiệu quả nếu được giữ vệ sinh đúng cách. Khi các lớp bảo vệ này bị phá hủy bởi acid, vi khuẩn và virus dễ dàng xâm nhập sâu hơn, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, đẩy nhanh tiến triển của bệnh.
Trước trào lưu trên nguy hại trên, chuyên gia khuyến cáo tuyệt đối không tự ý áp dụng các phương pháp chữa bệnh chưa được chứng minh. Khi gặp các vấn đề về mắt, tai, mũi, người bệnh nên tìm đến cơ sở y tế để được tư vấn và điều trị đúng cách, thay vì đặt cược sức khỏe của bản thân và con trẻ vào những trào lưu nguy hiểm, thiếu căn cứ khoa học.
Cảnh báo dùng chanh để “đốt mỡ”
Ngoài việc dùng nước chanh nhỏ mắt, nhiều người còn có thói quen sử dụng nước chanh như một biện pháp giảm cân. Họ cho đó là cách “đốt mỡ” tự nhiên.
Theo bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng – Trung tâm oxy cao áp Việt Nga (Bộ Quốc phòng), thành phần dinh dưỡng nổi bật trong nước cốt chanh là vitamin C. Một quả chanh cung cấp 20–50 mg vitamin C, hỗ trợ miễn dịch, bảo vệ tế bào khỏi oxy hóa.
Chanh còn chứa axit citric, chiếm 5–6% nước cốt, hỗ trợ ngăn sỏi thận và hấp thu khoáng chất. Loại quả này còn chứa kali, flavonoid và polyphenol có vai trò điều hòa huyết áp và chống viêm. Chanh giúp giảm calo gián tiếp khi thay nước ngọt bằng nước chanh pha loãng.
Tuy nhiên, các lợi ích như "giải độc gan", "đốt mỡ" hay "kiềm hóa máu" chưa bao giờ được khoa học xác nhận. Việc dùng chanh liều cao, bác sĩ Hoàng cho rằng rủi ro cao hơn.
Các tác hại phổ biến như: Ăn mòn men răng - Axit citric hòa tan men răng, dẫn đến ê buốt, vàng răng và sâu răng. Nguy cơ cao khi uống nguyên chất, không dùng ống hút, hoặc uống trước khi đánh răng; Kích ứng đường tiêu hóa - Đặc biệt với người bị trào ngược dạ dày thực quản (GERD), viêm loét dạ dày. Uống khi bụng đói dễ gây ợ nóng, buồn nôn; Ảnh hưởng thận - Người bệnh thận cần hạn chế kali, có thể gặp vấn đề nếu uống quá nhiều. Một số nghiên cứu còn nghi ngờ về ảnh hưởng đến pH nước tiểu.
Ngoài ra, dùng chanh liều cao còn gây ra tình trạng loét miệng, tăng nhạy cảm ánh nắng (nếu dùng ngoài da), do tính axit và các hợp chất nhạy cảm ánh sáng
Trầm trọng hơn là tương tác với thuốc. Bởi Axit citric và limonene có thể ảnh hưởng đến chuyển hóa thuốc như warfarin (chống đông máu), statin (giảm mỡ máu), itraconazole (thuốc chống nấm),…
Bác sĩ Hoàng khuyến cáo nếu sử dụng chanh nên pha loãng khoảng 1/4–1/2 quả chanh với 240–300ml nước. Không uống khi bụng đói nếu có bệnh dạ dày; không uống quá 1–2 ly/ngày.
Những người nên tránh hoặc cẩn trọng dùng nước chanh như người bị trào ngược dạ dày, viêm loét dạ dày, bệnh thận mạn, đang dùng thuốc tương tác, mòn men răng, dị ứng họ cam quýt. Phụ nữ có thai và cho con bú nên dùng lượng hợp lý như trong thực phẩm thông thường, không nên uống liều “tập trung”.
Bác sĩ Hoàng nhấn mạnh cộng đồng hãy uống nước chanh một cách hiểu biết, lắng nghe cơ thể – nếu thấy ê buốt, đau dạ dày, cần dừng lại.
Nguyễn Hà/VOV.VN