Gần đây, dư luận cả nước đang xôn xao trước thông tin về việc người điều khiển phương tiện giao thông, dù đã dừng lại khi gặp đèn đỏ nhưng nếu xe dừng quá vạch kẻ đường thì vẫn bị xử phạt như hành vi vượt đèn đỏ. Mức phạt này có thể lên tới 20 triệu đồng đối với ô tô và 6 triệu đồng với xe máy theo quy định tại Nghị định 168/2024/NĐ-CP. Vậy bản chất của lỗi này là gì?
Theo đại tá Nguyễn Quang Nhật – Trưởng phòng Tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự, an toàn giao thông (Cục CSGT), Luật Trật tự, An toàn giao thông đường bộ 2024 quy định rất rõ: Khi gặp đèn vàng, người tham gia giao thông phải dừng trước vạch dừng; nếu đã đi qua vạch hoặc đang nằm trên vạch khi đèn vàng bật thì được phép tiếp tục đi. Khi đèn đỏ bật, mọi phương tiện phải dừng lại trước vạch, tuyệt đối không lăn bánh đè lên hay vượt qua vạch.
“Cần hiểu rằng, vạch dừng ở đây có giá trị tương đương một 'hàng rào' vô hình – vượt qua nó tức là bạn đã không tuân thủ hiệu lệnh đèn tín hiệu,” đại tá Nhật khẳng định.
Điều này đồng nghĩa với việc nếu người điều khiển phương tiện để xe chèn lên hoặc vượt qua vạch dừng khi đèn đã chuyển sang vàng hoặc đỏ, thì về pháp lý đã vi phạm quy định về hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông – lỗi có thể bị xử lý tương tự hành vi vượt đèn đỏ.
Theo Nghị định 168/2024 có hiệu lực từ 1/1/2025, mức xử phạt đối với hành vi “không chấp hành hiệu lệnh đèn tín hiệu giao thông” được áp dụng như sau:
- Đối với người điều khiển ô tô: Phạt từ 18 đến 20 triệu đồng, trừ 4 điểm trên giấy phép lái xe.
- Đối với người điều khiển xe máy: Phạt từ 4 đến 6 triệu đồng, trừ 2 điểm trên giấy phép lái xe.
Điều đáng nói là trước đây, nếu phương tiện chỉ dừng quá vạch một chút, CSGT có thể xử phạt lỗi “không tuân thủ vạch kẻ đường” – mức phạt chỉ từ 200.000 đến 600.000 đồng. Nhưng với quy định mới, lỗi dừng quá vạch nay được xác định là lỗi nghiêm trọng hơn – tương đương không chấp hành đèn tín hiệu, khiến nhiều người băn khoăn.
Một số người dân cho rằng mức phạt mới là “quá nặng tay”. Họ lập luận rằng việc lỡ chạm vạch khi dừng đèn đỏ đôi khi chỉ là lỗi kỹ thuật: phanh không kịp, ước lượng sai khoảng cách, hoặc tầm nhìn bị hạn chế trong thời tiết xấu, chứ không phải cố ý vượt đèn đỏ.
Trên mạng xã hội, thông tin này đã dấy lên nhiều tranh cãi. Nhiều tài xế cho rằng, nếu dừng xe quá vạch cũng bị phạt như vượt đèn đỏ, thì “thà vượt luôn còn hơn” – một tâm lý nguy hiểm dễ dẫn tới hành vi coi thường luật giao thông.
Tuy nhiên, không ít ý kiến phản bác cho rằng: dừng xe quá vạch vẫn là vi phạm và cần bị xử lý, bởi hành vi này gây cản trở người đi bộ, tạo sự hỗn loạn tại giao lộ – đặc biệt phổ biến với xe máy.
Trả lời cho các thắc mắc trên, đại diện Cục CSGT nhấn mạnh: quy định đã được ban hành rõ ràng, người tham gia giao thông có trách nhiệm điều chỉnh tốc độ, quan sát đèn tín hiệu từ xa để dừng đúng vị trí. Không thể viện dẫn các lý do chủ quan để biện minh cho hành vi vi phạm.
Thực tế cho thấy, sau khi Nghị định 168/2024 có hiệu lực, ý thức chấp hành luật giao thông của người dân đã có chuyển biến tích cực. Tuy nhiên, ở một số địa phương như TP.HCM, tình trạng vượt đèn đỏ và đi ngược chiều đang có dấu hiệu gia tăng trở lại, đặc biệt trong nhóm xe máy.
Cục CSGT khuyến cáo, người điều khiển phương tiện cần:
- Giảm tốc độ khi đến gần nút giao;
- Quan sát kỹ đèn tín hiệu, không cố tăng ga vượt đèn vàng;
Dừng đúng trước vạch kẻ đường để tránh bị xử phạt và đảm bảo an toàn cho người đi bộ.
Ngoài ra, các chuyên gia đề xuất có thể cân nhắc phân loại lỗi dừng quá vạch theo cấp độ: nhẹ (chưa lấn vào phần đường người đi bộ), trung bình (lấn vạch người đi bộ), và nặng (lấn vào làn xe chạy). Cách tiếp cận này giúp xử phạt công bằng hơn, đồng thời giữ được tính răn đe và giáo dục.
Mặc dù mức phạt dừng xe quá vạch có thể gây tranh cãi, song về mặt pháp lý, hành vi này rõ ràng đã được quy định trong luật như một vi phạm tín hiệu giao thông. Thay vì bức xúc, người tham gia giao thông nên chủ động điều chỉnh hành vi, quan sát kỹ và dừng đúng vị trí để vừa tránh bị phạt, vừa góp phần xây dựng văn hóa giao thông văn minh, an toàn hơn.
Duy Tuấn