Hưởng ứng sự kiện này, hầu khắp địa phương trong cả nước tổ chức đào ao nuôi cá nước ngọt, có biển hiệu ghi trang trọng dòng chữ “Ao cá Bác Hồ” gắn bên bờ ao, hồ. Và sau nhiều năm triển khai, cuộc vận động đã đem lại nhiều lợi ích như lời Bác dặn: “...Bác mong muốn các địa phương trong cả nước phát triển nghề nuôi cá để cải thiện và nâng cao đời sống kinh tế từng hộ nông dân, góp phần nâng cao đời sống của toàn xã hội” (Nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch-Hà Nội, Nhà xuất bản Thông tin và Truyền thông-2021).
Trong quần thể Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch có nhiều di tích ngoài trời như: vườn cây, đường xoài, những cây dừa trước nhà sàn, cây vú sữa miền Nam, cây bụt mọc, cây đa kiên trì... Trong đó, đặc biệt có Ao cá Bác Hồ-từ rất lâu đã trở thành hình ảnh quen thuộc, thân thương đi vào ký ức của du khách trong và ngoài nước mỗi khi có dịp về thăm Thủ đô Hà Nội và Khu di tích tại Phủ Chủ tịch.
Ao cá Bác Hồ trong Khu di tích vốn là một ao tù, nước đọng. Khi còn là khu vườn của Toàn quyền Đông Dương, các vật nuôi trong khu vực hay tới đây uống nước, bơi lội vào những ngày hè nắng nóng. Khi về ở và làm việc tại Phủ Chủ tịch, Bác đã nhắc anh chị em phục vụ cải tạo lại thành ao nuôi cá để góp phần cải thiện bữa ăn và làm cho môi trường trong khu vực thêm trong lành.
Sau khi cải tạo, xây dựng lại, ao có mặt thoáng rộng trên 3.300 m2, nơi sâu nhất khoảng 3 m. Trong ao có nhiều loại cá được Bác Hồ và anh chị em phục vụ nuôi như: trắm, chép, mè, rô phi... để có thể tận dụng nguồn thức ăn của các loại cá ở các tầng nước khác nhau.
"Ao cá Bác Hồ" nằm trong khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Internet
Cô hướng dẫn viên kiêm thuyết minh tên Hường nhỏ nhẹ kể về chuyện Bác Hồ cho cá ăn mỗi ngày bằng chất giọng xứ Nghệ. Tôi hỏi thăm cô ấy về chuyện Bác Hồ vỗ tay thì cá tụ về cầu ao để Bác cho chúng ăn; rồi có những lúc Bác đi công tác xa, nhiều ngày cá không nghe tiếng vỗ tay của Bác, chúng có lẽ rất buồn, mà tiếng vỗ tay của anh chị em phục vụ thì đàn cá chẳng hề quan tâm nghe theo.
Cô hướng dẫn viên cười “đính chính”: Hàng ngày, sau giờ làm việc buổi chiều, Bác ra cầu ao trước nhà sàn cho cá ăn. Thức ăn cho cá chủ yếu là cám gạo và cơm dư trộn lẫn, được anh chị em phục vụ phơi khô, đựng vào một chiếc hộp để bên cạnh cầu ao. Trước khi cho cá ăn, Bác vỗ tay gọi cá, lâu dần tiếng vỗ tay của Bác đã thành phản xạ có điều kiện, cho nên khi nghe tiếng vỗ tay (của Bác) đàn cá bơi về cầu ao đợi Bác cho ăn. Mỗi khi “có sự kiện” thu hoạch cá, Bác nhắc anh chị em phục vụ đem chia cho các bộ phận cùng cải thiện bữa cơm.
Cô hướng dẫn viên còn bổ sung nhiều điều mà tôi muốn tìm hiểu tư liệu để khi có dịp thì kể lại với mọi người: Sinh thời, Bác chăm đàn cá rất chu toàn. Từ khi có ao cá, dù bận đến thế nào, sau giờ làm việc, Bác cũng ra cầu ao gọi cá cho ăn. Đàn cá chỉ nổi lên kéo đến cầu ao mỗi khi nghe tiếng vỗ tay quen thuộc của Bác. Có lần, Bác đi công tác nước ngoài lâu ngày, những người phục vụ cho cá ăn theo cách Bác vẫn làm nhưng đàn cá có vẻ như không “vui” mà đói thì phải ăn thôi vậy (?).
Khi đi công tác về, Bác ra cầu ao gọi cá, lác đác rồi bầy cá cũng về nhưng mãi không thấy những con cá đầu đàn đâu cả. Bác hỏi đồng chí Vũ Kỳ (thư ký riêng của Bác) xem tại sao không thấy con cá gáy đỏ về ăn như mọi khi. Bác bảo: “Chú ạ, có mấy con cá quen mà Bác vỗ tay gọi mãi chẳng thấy nó về. Chắc chú nào bắt mất rồi!”.
Bác nói vậy nhưng thực ra Bác biết ao cá vẫn còn nguyên, chỉ có điều lâu ngày không được nghe tiếng vỗ tay của Bác nên cá đầu đàn không còn thói quen cũ. Qua đây, Bác nhắc với những người phục vụ: “Con người ta cũng vậy, để tạo thói quen tốt phải đòi hỏi sự kiên trì và khổ công rèn luyện. Thói quen xấu thì tiếp thu nhanh lắm!”.
Chuyện về Ao cá Bác Hồ trong Khu di tích tại Phủ Chủ tịch đã để lại trong lòng khách thập phương nhiều cảm xúc. Những ký ức về Bác với bao câu chuyện rất giản dị, nhẹ nhàng nhưng đầy tình yêu thương con người, thiên nhiên và cuộc sống.
“Được thăm Ao cá Bác Hồ/Chúng em mừng quá reo hò vỗ tay/Cá mè, cá chép, cá chày/Bỗng dưng rẽ nước bơi đầy mặt ao/Em nghe mấy bạn thì thào/Được gần bên Bác thảo nào cá ngoan”-những câu thơ của cố nhà giáo Nguyễn Ngọc Ký như nói thay tấm lòng yêu kính Bác Hồ của các cháu học sinh mọi miền khi về thăm Khu di tích, thăm Ao cá Bác Hồ ở Thủ đô.
Ngày nay, mặc dù phong trào “Ao cá Bác Hồ” đã gần như không còn duy trì ở các địa phương nữa, song ký ức một thời phong trào ấy vẫn nguyên vẹn trong tôi mỗi khi nghĩ về.
BÍCH HÀ