Ký ức của nữ Anh hùng vinh dự 5 lần được gặp Bác Hồ

Ký ức của nữ Anh hùng vinh dự 5 lần được gặp Bác Hồ
7 giờ trướcBài gốc
Xúc động 5 lần được gặp Bác
Trong ngày đầu tháng 5 lịch sử, phóng viên TTXVN và các đoàn viên, thanh niên huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) đã có dịp gặp, trò chuyện cùng Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Kim Huế trong ngôi nhà nhỏ của bà nằm sát trên Quốc lộ 12A. Dù tuổi đã cao, song bà vẫn minh mẫn, mỗi câu chuyện về những lần gặp Bác không chỉ là một kỷ niệm, mà còn là một bài học sống, hun đúc lòng yêu nước, ý chí vươn lên cho thế hệ trẻ hôm nay.
Bà Nguyễn Thị Kim Huế xúc động kể lại những lần vinh dự được gặp Bác Hồ. Lần đầu tiên, do có nhiều thành tích trong bảo vệ tuyến đường 12A huyền thoại, tháng 11/1966, bà được cử ra tỉnh Hưng Yên tập huấn tại trường Chính trị nghiệp vụ Thanh niên xung phong. Tại đây, sau khi kiểm tra môn bắn súng, với cả 3 lần đều đạt điểm xuất sắc, bà được trò chuyện với Bác Hồ và được Bác khen “Con gái Quảng Bình sản xuất giỏi, chiến đấu giỏi, làm gì cũng giỏi”.
Cuối năm 1966, bà Nguyễn Thị Kim Huế vinh dự có mặt trong đoàn Đại biểu của ngành Giao thông vận tải ra báo cáo thành tích với Bác Hồ. Thấy bà Huế là người phụ nữ trẻ nhất trong đoàn, Bác ân cần hỏi thăm về đơn vị, công việc, cuộc sống và chuyện gia đình. Bà trả lời Bác “Khi nào hết giặc Mỹ, cháu mới sinh con”. Bác đã động viên bà: “Cháu đánh giặc giỏi nhưng cũng phải làm tốt việc gia đình, phải sinh con vì sự nghiệp đánh giặc Mỹ còn dài”.
Lần thứ 3 bà Nguyễn Thị Kim Huế được gặp Bác là ngày 1/2/1967 trong Đại hội Anh hùng toàn quốc. Tại Đại hội, bà Huế vinh dự được trao tặng danh hiệu Anh hùng Lao động, đơn vị của bà (Đại đội 759) được tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân. Sau khi được Bác gắn danh hiệu Anh hùng lên ngực áo, bà Huế được Bác quàng khăn và tặng chiếc đồng hồ đeo tay. Bác cũng căn dặn “các cháu biết sản xuất, lao động rồi, làm ra của cải phải tiết kiệm, bảo vệ của cải”.
Lần gặp Bác thứ tư là lần xúc động nhất trong cuộc đời bà. Đó là vào dịp Đại hội Thanh niên xung phong toàn quốc lần thứ 4 (tháng 7/1967). Lúc đó, bà cùng chị Nguyễn Thị Mỹ (Tổng đội phó Tổng đội Thanh niên xung phong miền Nam) được vinh dự tặng hoa cho Bác và Chủ tịch đoàn.
Trong khoảnh khắc đó, bức ảnh bà Nguyễn Thị Kim Huế đại diện lực lượng Thanh niên xung phong tặng hoa Bác Hồ ra đời. Sau này, bức ảnh được Nhà in Tiến Bộ in thành hàng vạn bản phát hành trên toàn quốc. Hiện bức ảnh vẫn được bà Huế giữ gìn, treo cẩn thận ở nơi trang trọng nhất trong ngôi nhà.
Tấm ảnh Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Kim Huế được đại diện lực lượng Thanh niên xung phong tặng hoa Bác Hồ năm được giữ gìn và treo trang trọng trong nhà.
Lần thứ 5 gặp Bác của bà Nguyễn Thị Kim Huế là vào dịp kỷ niệm 50 năm Cách mạng Tháng Mười Nga. Trước khi sang thăm Liên Xô, bà Huế và các đại biểu đã được gặp Bác và nghe Bác dặn dò. Trong bữa ăn, khi một hạt cơm rơi vãi ra ngoài, Bác nhặt lên và dặn dò phải quý trọng công sức của người nông dân làm ra hạt gạo. Bên cạnh đó, Bác dặn khi ra nước ngoài phải thể hiện khí phách hiên ngang, không sợ sệt, quyết tâm đánh thắng giặc Mỹ xâm lược.
Nhớ lời Bác dặn, khi một nhà báo quốc tế hỏi, "dũng sĩ diệt Mỹ sao bé nhỏ thế? Việt Nam nhỏ bé, nghèo nàn sao thắng được Mỹ?". Bà Huế tự tin trả lời: "Tôi tuy nhỏ bé nhưng tinh thần không nhỏ, chúng tôi không sợ Mỹ, lớp này hy sinh có lớp khác lên thay". Câu trả lời của bà sau đó được Bác khen rất thông minh và đanh thép.
Truyền cảm hứng đến thế hệ trẻ
Những câu chuyện của Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Kim Huế không chỉ là kỷ niệm lịch sử mà còn là nguồn động viên mạnh mẽ, khơi dậy tinh thần yêu nước và trách nhiệm của thế hệ trẻ trong thời đại mới, không ngừng học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Chị Trần Thị Viễn, Phó Bí thư Đoàn xã Phù Cảnh (huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) cho biết, khi nghe những câu chuyện của Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Kim Huế kể về những kỷ niệm được gặp Bác Hồ, bà Huế và các đoàn viên thanh niên thật sự rất xúc động, tự hào khi hồi tưởng về những năm tháng kiên cường, bất khuất đánh Mỹ của lớp thế hệ cha ông.
“Qua mỗi câu chuyện bác Kim Huế kể, tôi cũng cảm nhận được tình cảm, sự ân cần của Bác Hồ, dù là lãnh tụ vĩ đại, song Bác lại quá giản dị, gần gũi với cán bộ chiến sỹ, nhân dân. Thế hệ trẻ được sống trong hòa bình, hạnh phúc như hôm nay, được ăn no, mặc đẹp nhưng cũng không quên những công lao của Bác và các Anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh để giành lấy độc lập, tự do cho Tổ quốc”, chị Trần Thị Viễn chia sẻ.
Anh Trần Xuân Nam, Phó Bí thư Huyện đoàn Quảng Trạch (Quảng Bình) bày tỏ, những câu chuyện bà Nguyễn Thị Kim Huế kể về những lần gặp Bác Hồ đã tạo cho thế hệ trẻ một động lực, ý chí để làm việc cũng như lao động sản xuất, quyết tâm xây dựng quê hương giàu đẹp hơn.
Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Kim Huế kể chia sẻ những bức ảnh vinh dự được chụp với Bác Hồ.
Tại huyện Quảng Trạch, các câu chuyện về những lần được gặp Bác của bà Nguyễn Thị Kim Huế được đưa vào các buổi học ngoại khóa, hoạt động “Giáo dục địa phương” để học sinh thấy được hình mẫu cụ thể của một người Anh hùng quê hương, từ đó hun đúc lòng tự hào dân tộc.
Bên cạnh đó, các buổi sinh hoạt của tổ chức Đoàn, Đội tại địa phương thường gắn với chủ đề “Noi gương người thật, việc thật”, trong đó Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Kim Huế là một tấm gương tiêu biểu. Các trường học cũng thường xuyên tổ chức các cuộc thi tìm hiểu, viết cảm nhận, thi kể chuyện về Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Kim Huế, xem đây như một nhân chứng lịch sử có sức lay động, truyền cảm hứng mãnh liệt đến thế hệ trẻ hôm nay.
Ông Nguyễn Đình Tuận, Trưởng ban Tuyên Giáo và Dân vận huyện Quảng Trạch cho biết, hằng năm, chính quyền địa phương đều thường xuyên tổ chức giao lưu với những nhân chứng sống. Đặc biệt, Huyện đoàn, Phòng Giáo dục và Đào tạo, Hội Cựu chiến binh… đã nhiều lần mời bà Nguyễn Thị Kim Huế giao lưu với học sinh, đoàn viên thanh niên để kể lại những lần gặp Bác Hồ và trải nghiệm chiến đấu; giúp các em học sinh dễ tiếp nhận giá trị lịch sử bằng cảm xúc chân thành.
Bài, ảnh, video: Tá Chuyên (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/xa-hoi/ky-uc-cua-nu-anh-hung-vinh-du-5-lan-duoc-gap-bac-ho-20250514124041923.htm