Dưới chân núi Mang Rí

Dưới chân núi Mang Rí
14 giờ trướcBài gốc
Kiên cường trong kháng chiến
Từ trung tâm xã Trà Tân, chúng tôi chạy xe máy ngược lên phía thượng nguồn chừng 3km, với đường núi quanh co là đến Khu tái định cư (TĐC) Cây Chò. Nơi đây có gần 30 nóc nhà được xây dựng trên một khu đất bằng phẳng nằm sát đường bê tông. Gần cạnh khu TĐC có cây chò trăm tuổi như chứng nhân thầm lặng qua bao biến thiên của thời gian, được bao thế hệ dân làng bảo vệ. Mùa này, cây chò nở hoa vàng rực rỡ, tỏa hương thơm ngát. Phía trên cây chò chừng 100m là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh Trạm xá T30.
Theo lời kể của những bậc cao niên trong làng, trong kháng chiến chống Mỹ, khu vực thôn Trà Ót, xã Trà Tân có nhiều hang động, núi cao, thuận lợi để quân và dân ta ẩn nấp, xây dựng căn cứ cách mạng. Trước những yêu cầu của lịch sử, đầu năm 1964, Trạm xá T30 được thành lập dưới hang đá Tà Nà, thuộc khu vực núi Ông Cáy, núi Mang Rí, thôn Trà Ót. Trạm xá thực hiện nhiệm vụ chăm sóc, phục vụ khám chữa bệnh cho đồng bào, cán bộ chiến sĩ khu tây Bình Sơn, tây Sơn Tịnh, nam Trà Bồng; đồng thời chuẩn bị nhân lực, vật lực, thiết bị y tế, thuốc men, phục vụ các trận đánh lớn của bộ đội địa phương, lực lượng vũ trang Quân khu 5 phối hợp chiến đấu tại chiến trường phía bắc của tỉnh.
Bia tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh tại Trạm xá T30, thôn Trà Ót, xã Trà Tân.
Trạm xá T30 còn là chiếc cầu nối quan trọng, góp phần xây dựng mối quan hệ giữa lực lượng vũ trang cách mạng và quần chúng nhân dân trong vùng. Biết được điều này nên địch đã dùng thủ đoạn khai thác thông tin về Trạm xá T30; thường xuyên vây ráp, đánh bom nhưng không tài nào phát hiện được sự tồn tại của đơn vị này tại khu vực Trà Tân. Thương binh Hồ Văn Đanh, ở thôn Trà Ót chia sẻ, hồi đó vùng này chiến tranh ác liệt lắm. Không chỉ ném bom càn quét, Mỹ còn dùng máy bay, rải chất độc hóa học phủ trên khắp các cánh rừng, đường mòn nhằm tiêu diệt các căn cứ đóng quân của ta. Thế nhưng, quân đội ta và nhân dân trong vùng vẫn kiên trì bám trụ, tăng gia sản xuất, tìm cách đánh giặc.
Vào tối 14/10/1964, trời đổ mưa to, lụt lớn, một trận lở đất đã cuốn trôi 5 cán bộ y tế của Trạm xá T30 cùng 30 chiến sĩ thương, bệnh binh đang điều trị tại đây. Đây là sự tổn thất, hy sinh mất mát to lớn của ngành y tế Quảng Ngãi trong thời gian này. Năm 2007, di tích Trạm xá T30 được UBND tỉnh công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Năm 2015, để ghi nhớ công ơn của các liệt sĩ đã hy sinh tại Trạm xá T30; đồng thời nhằm phát huy giá trị của di tích lịch sử và giáo dục truyền thống cách mạng cho cán bộ ngành y tế và nhân dân, UBND tỉnh bố trí kinh phí xây dựng và hoàn thành Bia tưởng niệm các liệt sĩ hy sinh tại Trạm xá T30.
Nhiều hộ dân sống ở khu vực núi cao, có nguy cơ sạt lở được đi dời về khu tái định cư Cây Chò, thôn Trà Ót.
Sau ngày giải phóng, non sông thu về một mối, người dân ở thôn Trà Ót xây dựng lại nhà cửa dọc các vùng núi thuộc khu vực núi Ông Cáy, núi Mang Rí và sống dựa vào rừng. Cuộc sống của người dân lúc bấy giờ hết sức khó khăn, song họ luôn tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, sự nỗ lực vươn lên của mỗi người dân sẽ biến vùng đất đầy bom đạn nở hoa, kết trái.
Chung tay xây dựng quê hương
Trong không khí của những ngày tháng Tư lịch sử, người dân ở thôn Trà Ót, xã Trà Tân hăng hái ra đồng chăm sóc lúa, lên rẫy khai thác keo, quế, chè. Cánh đồng lúa ở đầu thôn đang bước vào giai đoạn cuối, những bông lúa nặng trĩu hạt đung đưa trước gió. Hai bên vệ đường, những ngôi nhà mái ngói đỏ tươi được xây dựng ngày càng nhiều như minh chứng cho sự ấm no, đủ đầy của người dân nơi đây.
Đường về thôn Trà Ót, xã Trà Tân (Trà Bồng) đã được bê tông sạch sẽ, tạo điều kiện cho người dân đi lại, trẻ con đến trường.
Gần 30 hộ dân nằm ở khu vực có nguy cơ sạt lở núi cao thuộc tổ Nước Lát đã được chính quyền địa phương di dời về Khu TĐC Cây Chò để sinh sống hơn chục năm qua. Bên cạnh an cư, dân làng còn được Nhà nước quan tâm hỗ trợ cây, con giống, vay vốn chính sách, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Đường từ trung tâm xã đến khu TĐC khoảng 3km đã được bê tông, giúp việc đi lại của người dân được thuận lợi, trẻ con hân hoan đến trường.
Anh Hồ Văn Thảo (39 tuổi), ở thôn Trà Ót chia sẻ, trước đây nhà tôi ở tận trên núi cao, việc đi học của con cái gặp rất nhiều khó khăn. Từ ngày chuyển xuống khu TĐC, tôi yên tâm hẳn. Hiện 2 đứa con của tôi được theo học mẫu giáo ở điểm trường gần nhà nên không cần phải đưa đón như trước. Hơn nữa, mấy năm nay, Nhà nước đầu tư làm lại đường sá, giúp việc đi về nơi ở cũ để sản xuất của mọi người trong làng cũng đỡ vất vả hơn. Trước đây phải mất 1 buổi đi bộ, nhưng giờ chỉ cần chạy xe máy 40 phút là đến rồi. Nhờ đó, các sản phẩm mình làm ra như keo, quế, chè cũng được thương lái thu mua với giá cao hơn.
Học sinh mầm non ở điểm trường Cây Chò, thôn Trà Ót.
Toàn thôn Trà Ót có 174 hộ, với 749 nhân khẩu. Người dân trong thôn từ bao đời nay luôn sống đoàn kết, giúp đỡ nhau vươn lên trong cuộc sống. “Giờ dân trong làng không còn lo “mùa giáp hạt”, làm mùa nắng để dành mùa mưa, nhiều người đã có của ăn, của để. Người dân đã biết ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất lúa nước thay cho diện tích trồng lúa rẫy. Công tác chăm lo cho con cái học hành cũng được người dân ngày càng quan tâm. Nhiều học sinh trong làng đã đỗ đại học, cao đẳng; số còn lại cũng được gia đình cho đi học nghề hoặc sau khi tốt nghiệp THPT xin vào làm công nhân tại các KCN trong tỉnh”, ông Hồ Minh Sơn (86 tuổi), người có uy tín của thôn Trà Ót phấn khởi cho biết.
Theo Phó Chủ tịch UBND xã Trà Tân Hồ Văn Huynh, những năm qua, cùng với sự hỗ trợ từ Nhà nước, người dân thôn Trà Ót đã nỗ lực chăm lo làm ăn, phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Nhờ sự đồng lòng, chung sức hiến đất, đóng góp ngày công của dân làng mà đến nay, nhiều tuyến đường trong thôn đã được mở rộng, bê tông sạch sẽ, nhất là tuyến đường dài hơn 3km từ trung tâm xã đi đến khu TĐC Cây Chò. Bên cạnh đó, huyện đã đầu tư xây dựng tuyến đường kết nối giữa xã Hương Trà với Trà Tân hơn 11km, hiện còn khoảng 3km nữa là thông tuyến. Một khi tuyến đường này được hoàn thiện, đưa vào sử dụng sẽ tạo ra động lực phát triển kinh tế, xã hội cho Trà Tân.
Chúng tôi rời khỏi thôn Trà Ót khi nắng chiều ngã bóng. Người dân trong làng đang bắt đầu lùa đàn trâu, bò từ trên núi trở về nhà sau một ngày chăn thả. Trẻ con ở khu TĐC tập trung nơi đầu làng để vui chơi, nhảy múa. Trong không khí vui tươi, phấn khởi của ngày đại thắng 30/4/1975, người dân thôn Trà Ót đang thi đua lao động, sản xuất, chung tay xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, tươi đẹp.
Bài, ảnh: HỒNG HOA
Nguồn Quảng Ngãi : http://baoquangngai.vn/tin-noi-bat/202505/duoi-chan-nui-mang-ri-f0e0242/