Đường cao tốc Trung Quốc thua lỗ gần 850 tỉ USD trong 8 năm, vì sao?

Đường cao tốc Trung Quốc thua lỗ gần 850 tỉ USD trong 8 năm, vì sao?
2 giờ trướcBài gốc
Trung Quốc có hệ thống đường cao tốc đứng đầu thế giới (Ảnh: Sohu)
Theo số liệu thống kê của Công báo thống kê đường bộ Trung Quốc, từ năm 2015 đến năm 2023, tổng thua lỗ lũy kế của các tuyến đường cao tốc Trung Quốc trong 8 năm lên tới 6.000 tỉ NDT (848, 66 tỉ USD).
Đây là một con số đáng kinh ngạc và khiến người ta đặt ra câu hỏi rằng tại sao đường cao tốc nườm nượp xe cộ qua lại hàng ngày mà vẫn có mức thua lỗ lớn như vậy; phí đường cao tốc mà các chủ xe phải trả hàng ngày đã đi đâu?
Tác động tích cực của đường cao tốc
Không thể phủ nhận đường cao tốc đã mang lại sự thuận tiện rất lớn cho sự phát triển kinh tế Trung Quốc và đời sống của người dân. Kể từ khi xây dựng đường cao tốc quy mô lớn, đường cao tốc đóng vai trò quyết định trong việc nâng cao hiệu quả vận chuyển hàng hóa và rút ngắn thời gian đi lại của người dân.
Ví dụ, trước đây việc vận chuyển hàng hóa từ thành phố này sang thành phố khác có thể mất vài ngày. Giờ đây, với đường cao tốc, thời gian đã được rút ngắn xuống còn vài giờ. Điều này không chỉ cải thiện đáng kể hiệu quả logistic mà còn giúp tăng liên kết phát triển kinh tế giữa các khu vực.
Các tuyến cao tốc giúp phát triển kinh tế các khu vực ven đường (Ảnh: Sohu).
Không chỉ vậy, việc xây dựng đường cao tốc đã thúc đẩy sự phát triển của các khu vực xung quanh. Nhiều thị trấn nhỏ vốn bị bế tắc giao thông nay được kết nối với các thành phố lớn thông qua đường cao tốc, mang lại dòng nhân lực và vốn.
Hiệu quả kinh tế đặc biệt rõ ràng ở các khu vực nằm dọc các tuyến đường, bất kể là thúc đẩy du lịch hay thúc đẩy giao dịch hàng hóa, đường cao tốc chắc chắn là cơ sở hạ tầng quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế của các khu vực này.
Đến cuối năm 2022, tổng quãng đường đường cao tốc Trung Quốc đã đạt 177.000 km, đứng đầu thế giới. Điều này không chỉ thể hiện thế mạnh của Trung Quốc trong xây dựng cơ sở hạ tầng mà còn hỗ trợ giao thông ổn định cho phát triển kinh tế.
Giá thành và áp lực nợ nần
Mặc dù việc xây dựng đường cao tốc đã mang lại lợi ích kinh tế nổi bật nhưng không thể đánh giá thấp giá thành đằng sau nó. So với các nước, địa hình Trung Quốc vô cùng phức tạp, từ đồng bằng đến miền núi, từ đồi núi đến sông ngòi, số lượng lớn đường hầm, cầu cần được xây dựng ở nhiều nơi...đã đẩy chi phí dự án lên cao. Xây dựng đường cao tốc không chỉ đòi hỏi hỗ trợ kỹ thuật mà còn cần vốn đầu tư rất lớn.
Do quy mô các dự án quá lớn nên nguồn tài chính quốc gia không thể gánh nổi toàn bộ chi phí xây dựng đường cao tốc. Vì vậy, trong giai đoạn đầu xây dựng, nhiều dự án phải sử dụng nguồn vốn vay. Và điều đó cũng có nghĩa là, theo thời gian, đường cao tốc sẽ phải trả nợ định kỳ thường xuyên.
Một tuyến cao tốc giờ cao điểm (Ảnh: Sina).
Đồng thời, việc quản lý vận hành và bảo trì hàng ngày đường cao tốc cũng rất tốn kém. Cho dù bảo trì đường bộ, nâng cấp khu vực dịch vụ hay cơ sở hạ tầng để đảm bảo vận hành an toàn, luôn cần phải đầu tư một lượng tiền lớn.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, phần lớn vốn xây dựng đường cao tốc Trung Quốc đều sử dụng nguồn vốn vay và thời gian trả nợ kéo dài. Đây là một trong những lý do khiến mọi người thường nghe đến “đường cao tốc thua lỗ”.
Hiện trạng thu phí đường cao tốc
Nhiều người thắc mắc, tại sao đường cao tốc lại lỗ khi hàng ngày thu phí được nhiều như vậy? Trên thực tế, phí đường cao tốc chủ yếu được sử dụng cho một số khía cạnh chi tiêu: thứ nhất, trả nợ tiền vay xây dựng; thứ hai, bảo trì và vận hành đường hàng ngày; và thứ ba, nộp thuế.
Khoản nợ khổng lồ do xây dựng đường cao tốc cần phải được hoàn trả trong một thời gian dài và phần chi tiêu này chiếm một phần lớn trong phí cầu đường.
Chỉ riêng thành phố Trùng Khánh đã có hơn 3.400 km đường cao tốc (Ảnh: Sohu)
Ngoài việc trả nợ, không thể bỏ qua việc bảo trì đường cao tốc hàng ngày. Mặt đường cao tốc cần được cải tạo và bảo trì nhiều lần trong năm, đặc biệt một số đoạn được sử dụng thường xuyên sẽ bị hao mòn nhanh hơn.
Ngoài ra, các khu dịch vụ ở nhiều nơi cũng cần được nâng cấp và bảo trì để mang lại cho lái xe và hành khách môi trường nghỉ ngơi tốt hơn. Những nỗ lực này cũng lấy từ phí cầu đường.
Thuế cũng là một trong những khoản chi quan trọng của phí cầu đường. Là cơ sở hạ tầng quốc gia, đường cao tốc cũng phải nộp các loại thuế, phí tương ứng theo quy định của pháp luật trong quá trình vận hành. Cùng với mức tiêu thụ điện, cơ sở hạ tầng và bảo trì hàng ngày, những chi phí vận hành này càng làm tăng thêm gánh nặng tài chính cho đường cao tốc.
So sánh đường cao tốc ở Mỹ và Trung Quốc
Nhiều người đặt câu hỏi, tại sao ở Mỹ miễn phí đường cao tốc trong khi Trung Quốc thu phí mà vẫn thua lỗ triền miên? Thực tế, điều này liên quan đến chế độ và mô hình xây dựng khác nhau giữa hai nước.
Trước hết, hầu hết các tuyến đường cao tốc ở Mỹ đều nằm ở những khu vực tương đối bằng phẳng, chi phí xây dựng tương đối thấp. Do địa hình phức tạp nên đường cao tốc ở Trung Quốc khó xây dựng và chi phí đương nhiên cao hơn.
Thứ hai, việc xây dựng đường cao tốc ở Mỹ chủ yếu dựa vào thu thuế gián tiếp như thuế nhiên liệu để duy trì hoạt động. Các khoản thuế và phí mà người lái xe phải trả khi tiếp nhiên liệu được sử dụng để bảo trì và xây dựng đường cao tốc. Ngược lại, đường cao tốc ở Trung Quốc chủ yếu trang trải chi phí xây dựng thông qua phí cầu đường trực tiếp.
Phương án bố cục các tuyến đường bộ cao tốc của Trung Quốc (Ảnh: QQ).
Ngoài ra, hầu hết cơ sở hạ tầng đường cao tốc ở Mỹ còn tương đối thô sơ, ít bảo trì mặt đường, khu vực dịch vụ và các cơ sở khác ít nên chi phí bảo trì đương nhiên thấp hơn. Trong khi đó, đường cao tốc Trung Quốc không chỉ có cơ sở vật chất dọc tuyến hoàn chỉnh mà còn có nhiều khu dịch vụ, trạm thu phí, thiết bị giám sát...nên chi phí xây dựng và bảo trì tổng thể đương nhiên cao hơn.
Tương lai phát triển đường cao tốc
Với việc mạng lưới đường cao tốc Trung Quốc dần được cải thiện, việc mở rộng và xây dựng trong tương lai sẽ hợp lý hơn. Ngày nay, nhiều chuyên gia đề xuất, việc xây dựng đường cao tốc không nên mù quáng theo đuổi việc mở rộng quy mô mà nên chú ý hơn đến chất lượng và hiệu quả. Việc xây dựng quá mức không chỉ gây lãng phí tài nguyên mà còn có thể tác động tiêu cực đến môi trường. Đặc biệt ở những khu vực nhạy cảm về môi trường, việc xây dựng đường cao tốc cần được phối hợp với bảo vệ sinh thái để tránh làm tổn hại đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường sống của động thực vật.
Trong tương lai, các mô hình vận hành đường cao tốc cũng có thể trở nên đa dạng hơn. Ngoài hệ thống thu phí truyền thống, các phương pháp tài chính và tính phí mới có thể được áp dụng, chẳng hạn như thông qua sự kết hợp giữa vốn công và vốn tư nhân, hoặc thúc đẩy cơ sở vật chất đường bộ dành riêng cho xe sử dụng năng lượng mới, từ đó giảm gánh nặng tài chính cho đường cao tốc.
Theo QQnews
Thu Thủy
Nguồn VietTimes : https://viettimes.vn/duong-cao-toc-trung-quoc-thua-lo-gan-850-ti-usd-trong-8-nam-vi-sao-post178963.html