Người dân xã Lợi An chủ yếu nuôi tôm, cua hoặc làm vụ lúa trên đất nuôi tôm hay làm lúa, tôm, cua kết hợp nên ai cũng hiểu biết và rành về tập tính của cua. Việc dưỡng cua thả lại vuông hay hầm tôm bỏ trống là cách làm hay, được nhiều thương lái lựa chọn. Dưỡng cua đợi Tết là cách gọi của những thương lái khi mua cua đem về, lúc này những con cua thiếu gạch, mềm, hoặc chưa đạt trọng lượng sẽ được thả nuôi lại.
Làm nghề thu mua cua hơn 4 năm nay, anh Hồ Văn Vẹn, ấp Tân Phong, cho biết: “Mấy năm trước tôi làm nghề kéo tôm để trang trải cuộc sống, những lúc rảnh tôi thường lên mạng tìm hiểu kỹ thuật nuôi cua, lâu ngày thấy mê nên bỏ việc kéo tôm, chuyển qua mua cua, mỗi ngày vài ký đến vài chục ký tùy theo con nước. Lúc đầu ít, về bán lại cho các đại lý để kiếm lời, sau đó mở rộng mối quen biết dần, tôi mua ngày một nhiều hơn. Lượng cua sau khi mua được tuyển lại, số nào bán được sẽ gửi đi tiêu thụ trong ngày, còn lại những con cua thiếu gạch hay mềm, không đạt trọng lượng sẽ được thả lại vào hầm tôm để dưỡng”.
Anh Hồ Văn Vẹn thường xuyên kiểm tra cua trong hầm để thu hoạch đúng thời điểm, đạt hiệu quả.
Với hơn 1.000 m2, anh Vẹn bao mành xung quanh để không cho cua bò ra, vừa tránh hao hụt, vừa hạn chế động vật gây hại từ bên ngoài vào. Anh cho biết, sau thời gian thả, đối với cua mềm thì tầm 13-15 ngày sẽ đủ độ cứng, còn cua muốn đủ gạch và đạt trọng lượng phải tầm 1 tháng. Do cua được thả lại vào môi trường tự nhiên và đủ thức ăn nên mau cứng cáp, lên gạch.
Theo anh Vẹn, ban đầu anh nuôi trong bơ và chạy ô xy, mỗi bơ 50 con, do diện tích hẹp nên cua chậm phát triển và dễ hao hụt. Nhận thấy môi trường tự nhiên thích hợp, anh quyết định tận dụng hầm tôm bỏ trống để dưỡng cua, cộng thêm việc trong hầm vẫn còn ốc gạo, con hai mảnh và các loại phù du có lợi, nên lần nào nuôi cũng đạt hiệu quả.
Nắm bắt được nhu cầu thị trường, mỗi năm vào mùa Tết, anh Vẹn đều chăm chút cho hầm cua, để bán được giá cao hơn so với ngày thường. Dịp Tết năm trước, anh Vẹn thu hoạch, trừ hết chi phí còn lời hơn 60 triệu đồng. Nhận thấy lợi nhuận cao nên năm nay anh mở rộng thêm 3 hầm nuôi, cộng thêm điều kiện thuận lợi như hiện nay, dự báo vào dịp Tết này thu về lợi nhuận cao gấp đôi năm trước.
Chung nghề làm lái cua với anh Vẹn, anh Trịnh Văn Ðen, ấp Tân Phong, trước đây kinh doanh tiệm tạp hóa nhỏ, thời gian rảnh cũng đi mua cua, dần dần anh mê luôn nghề mới này.
Anh Ðen chia sẻ: “Thị trường cua giờ chưa có giá và ổn định, mỗi ngày tôi đi mua được 40-50 kg, trong đó đưa đi tiêu thụ khoảng 30 kg, giữ lại từ 15-20 kg cua đem thả vô vuông, dưỡng lại Tết bán có giá hơn nhiều”. Ðể cua phát triển tốt, anh Ðen mua cá mồi cho cua ăn thêm, giúp cua nhanh lớn, đạt trọng lượng như mong muốn.
Có thâm niên mua cua nhiều năm nay, vụ cua Tết đối với anh Lê Chánh Ðáng, ấp Ông Tự, là vụ được anh mong đợi nhất. Anh Ðáng cho biết: “Trong thời gian đi mua cua, tôi gặp cô bác nào bán cua cái đém, mới lột còn mềm, cua khỏe thì mua về thả lại vô hầm, cho ăn tầm 10 ngày hay nửa tháng, cua sẽ lên gạch, bán giá cao”./.
Vũ Linh