Không thể không làm và cũng không thể chậm hơn
Thảo luận tại Tổ 4 (gồm Đoàn ĐBQH TP. Hải Phòng và các tỉnh: Tuyên Quang, Ninh Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu) sáng 13.11, cho ý kiến vào Chủ trương đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam (gọi tắt là Dự án), các đại biểu đều tán thành với Tờ trình của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế.
Theo dự kiến, Dự án có tổng chiều dài 1.541km, với khổ đường 1,435m, với 23 ga khách và 5 ga hàng, vận tốc thiết kế 350km/h. Dự án có điểm đầu là ga Ngọc Hồi (Hà Nội), điểm cuối là ga Thủ Thiêm (TP. Hồ Chí Minh), đi qua 20 tỉnh, thành. Tổng vốn đầu tư sơ bộ khoảng 67,34 tỷ USD, thực hiện từ năm 2025 và phấn đấu cơ bản hoàn thành vào 2035.
ĐBQH Phan Xuân Dũng (Ninh Thuận) phát biểu.
ĐBQH Phan Xuân Dũng (Ninh Thuận) cho biết, Quốc hội Khóa XII đã khẳng định việc xây dựng hệ thống đường sắt mới là rất cấp thiết. Bởi lẽ, hệ thống đường sắt của Việt Nam được xây dựng từ 130 năm trước, với khổ đường chỉ hơn 1m. Hiện nay, thế giới chủ yếu là khổ đường 1,435m. Do vậy, hệ thống đường sắt của nước ta đã trở nên lạc hậu với cả các nước trong khu vực. "Việc xây dựng hệ thống đường sắt mới là không thể không làm và không thể chậm hơn nữa!”, đại biểu nhấn mạnh.
Trên cơ sở lấy ý kiến các nhà khoa học do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam (VUSTA) thực hiện, đại biểu Phan Xuân Dũng mong muốn, cần phải để các nhà khoa học, người dân Việt Nam được “tham gia nhiều nhất vào dự án”. Nếu công nghệ chế tạo còn khó khăn thì có thể nhập khẩu đầu máy, còn công đoạn làm đường, làm tà vẹt, làm toa thì Việt Nam làm được và nên huy động. "Vấn đề là cần có cơ chế, giao nhiệm vụ cụ thể", đại biểu đề xuất.
Cũng theo đại biểu Phan Xuân Dũng, việc đầu tư Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam sẽ phát triển kinh tế tổng hợp. Tại các nhà ga, theo kinh nghiệm thế giới, sẽ không chỉ đơn thuần là nơi hành khách đến và đi, mà là tổ hợp các hoạt động thương mại, dịch vụ ăn uống, vui chơi giải trí... Do vậy, báo cáo của Chính phủ cần có phân tích rõ hơn về vấn đề này.
Các đại biểu thảo luận tại Tổ 4 sáng 13.11.
Nhắc lại ngay sau ngày giải phóng miền Nam 30.4.1975, cả nước hừng hực khí thế khôi phục tuyến đường sắt Bắc – Nam, đại biểu Phan Xuân Dũng mong muốn, với ý nghĩa, tầm quan trọng của Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc – Nam lần này cũng sẽ tạo khí thế như vậy, nhằm hiện thực hóa mong muốn đất nước có tuyến đường sắt tốc độ cao, đóng góp đắc lực vào sự phát triển của đất nước trong kỷ nguyên mới.
Có chính sách hỗ trợ chuyển đổi việc làm khi bị thu hồi đất
Ủng hộ chủ trương làm đường sắt tốc độ cao, ĐBQH Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) cho rằng, với nhu cầu sử dụng đất lớn (khoảng 10.827 ha), trong đó đất trồng lúa khoảng 3.655 ha; đất lâm nghiệp khoảng 2.567 ha; các loại đất khác theo quy định của pháp luật về đất đai khoảng 4.605 ha, dự án sẽ có những tác động đáng kể đến việc thực hiện Quy hoạch sử dụng đất quốc gia.
Do vậy, đại biểu đề nghị, cần rà soát để bảo đảm việc chuyển đổi phù hợp; rà soát, điều chỉnh các chỉ tiêu sử dụng đất trong quy hoạch các cấp để bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống quy hoạch quốc gia.
ĐBQH Ma Thị Thúy (Tuyên Quang) phát biểu.
Đối với việc chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, căn cứ quy định của Luật Lâm nghiệp, thẩm quyền quyết định chuyển đổi mục đích sử dụng rừng thuộc Quốc hội. Đại biểu đề nghị báo cáo Quốc hội xem xét, quyết định để bảo đảm tính toàn diện, phù hợp quy định pháp luật của Dự án; bổ sung đánh giá kỹ hơn các tác động sinh học, hệ sinh thái khi thực hiện Dự án; có phương án trồng rừng thay thế để bảo đảm diện tích rừng theo quy hoạch lâm nghiệp quốc gia, quan tâm đến sinh kế ổn định cho người dân làm nghề rừng.
Cũng theo đại biểu, Dự án tác động trực tiếp đến khoảng 120.836 người, do vậy cần quan tâm đánh giá kỹ hơn các tác động về mặt xã hội và văn hóa, đặc biệt là khu vực có đồng bào dân tộc thiểu số, sinh sống bằng nông nghiệp, lâm nghiệp…
Chia sẻ với ý kiến trên, ĐBQH Lò Thị Việt Hà (Tuyên Quang) bổ sung, bên cạnh những tác động tích cực đến an sinh xã hội khi tạo việc làm cho hàng nghìn lao động, Dự án cũng sẽ khiến nhiều lao động phải chuyển đổi nghề nghiệp do bị thu hồi đất. Vì vậy, Chính phủ cần đánh giá, bổ sung thêm chính sách đào tạo, chuyển đổi việc làm cho người dân ở những vùng bị giải tỏa. "Việc đào tạo nhân lực không chỉ tập trung cho giai đoạn triển khai xây dựng Dự án, mà cần tính đến nhân lực cho sau này khi đi vào vận hành", đại biểu nhấn mạnh.
ĐBQH Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) phát biểu.
Theo dự thảo, UBND cấp tỉnh sẽ có Dự án đi qua được xây dựng trước khu tái định cư; sau khi Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư thì sẽ thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng. ĐBQH Đàng Thị Mỹ Hương (Ninh Thuận) đề nghị, cần phải có khung đền bù. Bởi nếu giao cho địa phương thì HĐND tỉnh sẽ ban hành mức đền bù và sẽ có sự chênh lệch giữa các địa phương. Điều này sẽ tạo ra sự không công bằng giữa người dân bị thu hồi đất, nguy cơ khiếu kiện, khiếu nại sẽ xảy ra.
ĐBQH Tống Văn Băng (Hải Phòng) kiến nghị, cùng với việc triển khai tuyến đường sắt tốc độ cao với chiều dài chính là 1.541km, cần tính toán xây dựng thêm các tuyến phụ trợ, có điều kiện phát triển về các mặt, như tuyến Hải Phòng – Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh – Cần Thơ.
Đan Thanh