Chiều 20/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam. (Ảnh: DUY LINH)
Các đại biểu đều thống nhất đánh giá cao đề án do Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải chuẩn bị. Đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cho rằng, đường sắt tốc độ cao là xu thế phát triển chung, đồng thời là bước chuẩn bị, đột phá chiến lược để Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới, kỷ nguyên phát triển. Do đó, theo đại biểu, chủ trương đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam cần được thảo luận với tinh thần bàn làm chứ không bàn lùi.
Đường sắt tốc độ cao sẽ thu hút khách du lịch, nhà đầu tư nước ngoài
Trong khi đó, đại biểu Trần Hoàng Ngân (đoàn Thành phố Hồ Chí Minh) đánh giá, trên thế giới, đường sắt tốc độ cao đã được nhiều nước đưa vào sử dụng, mang lại hiệu quả. Đại biểu cho biết, bản thân ông đã may mắn trải nghiệm loại hình này tại châu Âu nên “rất khao khát” Việt Nam có đường sắt tốc độ cao.
Đại biểu đoàn Thành phố Hồ Chí Minh cũng nhấn mạnh, cách đây 15 năm, dự án đường sắt tốc độ cao đã được thảo luận nhưng chưa thể thực hiện do nguồn lực không được đáp ứng.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân. (Ảnh: DUY LINH)
"Tuy nhiên hiện nay chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện, kinh tế vĩ mô ổn định, nợ công thấp... Khi đường sắt tốc độ cao đi vào hoạt động thì sẽ thu hút được khách du lịch, nhà đầu tư nước ngoài. Khai thác được tiềm năng, lợi thế của các địa phương mà đường sắt đi qua, đặc biệt là các tỉnh miền trung", đại biểu nói.
Đồng tình thực hiện chủ trương xây dựng đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội) cho rằng nước ta có hình dạng kéo dài, lưu lượng hàng hóa lớn, nhu cầu kết nối các trung tâm kinh tế dọc hành lang kinh tế Bắc-Nam cao, nhiều khu vực vốn có tiềm năng phát triển nhưng chưa thực hiện được do “nút thắt" của chi phí logistics cao.
Hơn nữa, quy mô kinh tế đang đà tăng nhanh, nhu cầu vận chuyển hàng hóa tăng lớn, chúng ta cần tăng lượng hàng hóa xuất khẩu sang thị trường châu Âu, Trung Đông, Bắc Á,… để giảm bớt tập trung vào một số thị trường.
Do vậy, đại biểu đề nghị cần phát triển đường sắt Bắc-Nam tốc độ cao để kết nối liên vận với mạng lưới quốc tế cùng khu vực để giải quyết “nút thắt” về logistics.
Cần làm rõ nhiều vấn đề về vốn và tiến độ
Phát biểu thảo luận, đại biểu Ma Thị Thúy (đoàn tỉnh Tuyên Quang) bày tỏ mối quan tâm về nguồn vốn cũng như thời gian thực hiện dự án. Dẫn chứng từ dự án đường sắt Cát Linh-Hà Đông tại Hà Nội, đại biểu băn khoăn về khả năng phát sinh tổng mức đầu tư cũng như thời gian dự án bị kéo dài. Do đó, đại biểu đề nghị cần làm rõ 2 yếu tố này để đánh giá đầy đủ hơn về khả năng vốn, bố trí vốn, tính toán phương án dự phòng về phân bổ vốn cho từng giai đoạn.
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Tạ Văn Hạ (đoàn Quảng Nam) cho rằng, cần có phương án triển khai, khai thác thực sự hiệu quả, từ khâu lựa chọn công nghệ cho đến phân kỳ phù hợp. Trong đó, đặc biệt chú ý đến khâu tổ chức thực hiện để tránh đội vốn, bù vốn; không để đầu tư lớn mà khai thác không hiệu quả, phải bỏ tiền ra bù lỗ.
Đại biểu Tạ Văn Hạ (Đoàn Quảng Nam) phát biểu góp ý về dự án (Ảnh: DUY LINH)
Cũng quan tâm đến vấn đề vốn, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) đề nghị Chính phủ cung cấp thêm thông tin về khả năng thu xếp, cân đối đáp ứng nhu cầu vốn cho dự án để đánh giá khả năng chi trả của ngân sách Nhà nước. Đại biểu cho rằng, ngân sách Nhà nước còn nhiều khoản phải chi, ngoài chi phát triển thì còn chi thường xuyên, chi hằng năm theo kế hoạch trung hạn, chi theo các chương trình, đề án.
Bày tỏ ý kiến về nội dung trên, đại biểu Trần Hoàng Ngân cho rằng, số vốn dành cho dự án lớn nên cần tập trung huy động ở trong nước, vay ưu đãi nước ngoài, hạn chế vay ODA.
"Cùng với đó là cần huy động doanh nghiệp trong nước có chuyên môn để xây dựng dự án. Cần xây dựng ngành công nghiệp, nhân lực phụ trợ đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị", ông Ngân nói.
Đại biểu đoàn Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, trong quá trình thực hiện dự án, để giảm áp lực ngân sách nhà nước, cần quan tâm đến quan tâm đến nguồn thu từ việc đấu đấu giá đất ở gần nhà ga, vùng phụ cận…
"Cùng với đó, hiện nay đất công còn lãng phí, nên tổ chức đấu giá sớm. Tiếp đến là vốn ở tại doanh nghiệp nhà nước lớn nhưng thiếu cơ chế đột phá. Các địa phương có đường sắt đi qua, trong tương lai địa phương này sẽ tự chủ được ngân sách, không cần thiết điều tiết từ trung ương về", ông Ngân nói.
Tiếp tục rà soát và đề xuất các chính sách đặc thù đặc biệt
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, hoàn toàn đồng tình với sự cần thiết đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc-Nam với những cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý và những lý do được nêu tại Tờ trình của Chính phủ.
Tuy nhiên, ông Sơn cho rằng, thực tế cho thấy, một số dự án quan trọng quốc gia sau khi được Quốc hội thông qua đã phát sinh nhiều vấn đề dẫn đến phải xin điều chỉnh lại chủ trương. Do vậy, để dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam mang tính khả thi, đáp ứng mong đợi của cử tri và nhân dân cả nước, đại biểu đề nghị Chính phủ cần quan tâm, xem xét một số vấn đề trọng tâm.
Thứ nhất, đề nghị các quy hoạch phải bảo đảm kết nối đồng bộ để việc gom và giải tỏa hàng hóa được thuận lợi, nhằm phát huy hiệu quả kết nối giữa các phương thức giao thông, giảm chi phí đi lại và chi phí logistics.
Thứ hai, về công nghệ, Chính phủ đã đề xuất công nghệ chạy trên ray, công nghệ đoàn tàu động lực phân tán với tàu khách, tàu hàng áp dụng công nghệ động lực tập trung, thông tin tín hiệu áp dụng như một số nước.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội. (Ảnh: DUY LINH)
"Tuy nhiên, hiện chưa rõ công nghệ theo khung tiêu chuẩn nào? Tỷ lệ nội địa hóa là bao nhiêu? Tôi đề nghị có định hướng lựa chọn công nghệ hiện đại nhưng phải bảo đảm tính phổ quát nhằm nâng cao tính cạnh tranh trong việc lựa chọn đối tác cung cấp sản phẩm và sẵn sàng chuyển giao công nghệ cho Việt Nam. Đề án phát triển công nghiệp cần xây dựng lộ trình và nguồn lực cụ thể để bảo đảm việc chuyển giao và tiếp nhận công nghệ phù hợp với tiến độ dự án", ông Sơn nói.
Thứ ba, về các nhà ga, theo hồ sơ dự án ga hành khách tại một số địa phương được bố trí cơ bản không nằm trong các vị trí trung tâm đô thị hiện nay (ga Ngọc Hồi, ga Thủ Thiêm, ga Nam Định...), trong khi đó để bảo đảm tối đa hiệu quả Dự án thì các vị trí ga phải được bố trí thuận lợi thu hút được nhiều hành khách nhất.
"Do đó, tôi đề nghị khi lập Báo cáo nghiên cứu khả thi cần làm rõ lý do, cơ sở lựa chọn vị trí các ga của Dự án và đánh giá kỹ lưỡng để bảo đảm tính hấp dẫn, thuận tiện của ga trong vận chuyển hành khách, có định hướng phát triển thêm các ga tiềm năng theo đề xuất của một số địa phương có tuyến đường sắt tốc độ cao đi qua", ông Sơn nói.
Thứ tư, để bảo đảm tiến độ dự án cơ bản hoàn thành toàn tuyến vào năm 2035 cần phải huy động tối đa nguồn lực trong và ngoài nước để triển khai dự án.
"Đây là dự án khó, mới, chưa có tiền lệ vì vậy cần phải đặc biệt lưu ý đến công tác thuê tư vấn quốc tế có năng lực để hỗ trợ chủ đầu tư quản lý dự án, lựa chọn tư vấn thiết kế, tư vấn thẩm tra có năng lực thực sự để dự án đạt tiến độ nhanh nhất, chất lượng cao nhất. Tiếp tục rà soát và đề xuất các chính sách đặc thù đặc biệt để tháo gỡ khác khó khăn vướng mắc trong quá trình triển khai các bước tiếp theo", ông Sơn đề xuất.
SƠN BÁCH (Ảnh: DUY LINH)