Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), chúng tôi có cuộc trao đổi với Đại tá, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, để nhìn lại vai trò chiến lược của tuyến đường Trường Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Đại tá, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, nguyên Phó Viện trưởng Viện Lịch sử quân sự Việt Nam, nguyên Viện trưởng Viện Lịch sử Đảng, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
PV: Thưa Đại tá, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà, Đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh ra đời trong hoàn cảnh như thế nào?
Đại tá, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà: Con đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh ra đời trong một bối cảnh đặc biệt, khi cuộc kháng chiến chống Mỹ của nhân dân ta bước vào giai đoạn phát triển mạnh mẽ và quyết liệt. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm 2 miền. Trong khi miền Bắc bước vào thời kỳ xây dựng Chủ nghĩa xã hội, thì miền Nam phải đương đầu với chế độ tay sai của Mỹ, đàn áp phong trào cách mạng. Để giữ vững liên lạc giữa hai miền Nam - Bắc, bảo đảm cho Trung ương Đảng chỉ đạo phong trào cách mạng ở miền Nam, yêu cầu đặt ra là cần có một con đường vận tải người và vũ khí với số lượng lớn khi cách mạng miền Nam phát triển.
Thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 15 (tháng 1-1959), sau một thời gian gấp rút chuẩn bị, ngày 19/5/1959, Thường trực Tổng Quân ủy chính thức giao nhiệm vụ cho “Đoàn công tác quân sự đặc biệt” làm nhiệm vụ mở đường vận chuyển hàng quân sự vào miền Nam, tổ chức đưa đón bộ đội, chuyển công văn từ miền Bắc vào miền Nam và ngược lại. Ra đời tháng 5-1959, Đoàn được mang phiên hiệu Đoàn 559. Con đường được khai sinh đúng ngày sinh của Bác nên được mang tên đường Hồ Chí Minh.
Đại tá, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà trao đổi với phóng viên Báo Thái Nguyên về vai trò chiến lược của tuyến đường Trường Sơn – đường Hồ Chí Minh trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
PV: Trong điều kiện chiến tranh ác liệt, việc xây dựng và bảo vệ tuyến đường Trường Sơn đòi hỏi những nỗ lực, hy sinh như thế nào của quân và dân ta?
Đại tá, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà: Trong suốt 16 năm hoạt động (1959-1975), tuyến đường này được xây dựng, mở rộng và bảo vệ trong điều kiện hết sức khốc liệt. Đó là cuộc chiến đấu âm thầm nhưng vô cùng gian khổ, thấm đẫm máu xương và nước mắt. Địch dùng đủ mọi biện pháp, từ rải chất độc hóa học, thả mìn lá, ném bom rải thảm, cho tới các chiến dịch không kích liên tục suốt ngày đêm nhằm cắt đứt tuyến chi viện chiến lược này.
Trong suốt thời kỳ cao điểm, không quân Mỹ thực hiện trên 733.000 trận oanh kích bằng đủ loại máy bay, trút xuống Trường Sơn hơn 4 triệu tấn bom các loại, bằng tổng số bom đạn sử dụng trong chiến tranh Thế giới lần thứ 2 và chiếm một nửa tổng số bom đạ đế quốc Mỹ sử dụng trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Hàng trăm lượt máy bay Mỹ đã rải hàng triệu lít chất độc hóa học dọc tuyến hành lang vận chuyển, nhằm phá đường, phá xe, hủy diệt mọi sự sống trên cung đường này. Ấy vậy mà tuyến đường chưa bao giờ bị tê liệt hoàn toàn. Đó là nhờ ý chí thép và tinh thần quật cường của hàng chục vạn cán bộ, chiến sĩ, thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến.
Đoàn 559 (sau này là Binh đoàn Trường Sơn) vận chuyển bằng xe cơ giới trên Đường Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền Nam. (Ảnh tư liệu)
Chúng ta đã mở được trên 20.000km đường ô tô, 3.140km đường giao liên bộ, 1.400km đường ống xăng dầu đi qua 3 nước Việt Nam, Lào, Campuchia. Phần lớn tuyến đường được làm thủ công trong rừng sâu núi thẳm, dưới mưa bom bão đạn. Có những đoạn vừa làm xong thì lại bị phá hủy, nhưng chỉ vài giờ sau, lực lượng công binh và thanh niên xung phong lại khẩn trương khôi phục để thông tuyến. Khẩu hiệu “Sống bám cầu, bám đường, chết kiên cường, dũng cảm” không phải là khẩu hiệu suông, đó là thực tiễn máu lửa.
Trong suốt 5.920 ngày đêm chiến đấu anh dũng trên tuyến đường Trường Sơn, bom đạn của kẻ thù đã cướp đi sinh mạng của gần 20.000 người con ưu tú của dân tộc; làm bị thương hơn 32.000 bộ đội và thanh niên xung phong. Trong đó phần lớn là những người còn rất trẻ, tuổi đời mười tám đôi mươi. Những địa danh như Ngã ba Đồng Lộc, Truông Bồn, Đường 20 Quyết Thắng... không chỉ là “tọa độ lửa”, mà là địa chỉ đỏ khắc ghi máu xương, ý chí và lòng yêu nước quật cường của nhân dân ta.
Đoàn 559 (sau này là Binh đoàn Trường Sơn) vận chuyển bằng xe cơ giới trên Đường Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền Nam. (Ảnh tư liệu)
PV: Là một nhà nghiên cứu lịch sử quân sự, ông đánh giá như thế nào về vai trò chiến lược của tuyến đường Trường Sơn trong cuộc kháng chiến chống Mỹ?
Đại tá, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà: Tuyến đường Trường Sơn có thể xem là một trong những nhân tố quyết định đến thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ. Về mặt quân sự, đây chính là “mạch máu giao thông” của cuộc kháng chiến chống Mỹ, là điều kiện vật chất - kỹ thuật then chốt để chuyển hóa thế trận cách mạng từ phòng ngự sang tiến công và tổng tiến công. Không có con đường này, chúng ta không thể hình thành các binh đoàn chủ lực mạnh ở miền Nam, không thể triển khai những chiến dịch quy mô, như: Tổng tiến công Tết Mậu Thân 1968, Chiến dịch Xuân - Hè 1972, hay Đại thắng mùa Xuân 1975.
Từ năm 1959 đến 1975, trên tuyến đường Trường Sơn, quân ta đã vận chuyển chi viện cho chiến trường miền Nam hơn 1,5 triệu tấn hàng hóa; 5,5 triệu tấn xăng dầu; bảo đảm cho hơn 1,1 triệu lượt cán bộ, chiến sĩ vào chiến trường miền Nam và các hướng mặt trận lớn; đưa hơn 650.000 lượt cán bộ, chiến sĩ từ các chiến trường về hậu phương miền Bắc. Các lực lượng trên tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn đã chiến đấu hơn 2.500 trận, diệt gần 17.000 tên địch, bắt sống 1.200 tên, gọi hàng hơn 10.000 tên, bắn rơi 2.455 máy bay địch, phá hủy hàng vạn tấn vũ khí và phương tiện chiến tranh khác của địch…
Đoàn 559 (sau này là Binh đoàn Trường Sơn) vận chuyển bằng xe cơ giới trên Đường Trường Sơn chi viện cho chiến trường miền Nam. (Ảnh tư liệu)
Về mặt chiến lược, đường Trường Sơn thể hiện rõ tư duy độc lập, tự chủ và tầm nhìn xa của lãnh đạo Đảng ta, khi chủ động xây dựng một hệ thống vận tải chiến lược dài hàng nghìn km xuyên rừng núi, vượt qua sự bao vây, đánh phá ác liệt của không lực Mỹ. Chính tuyến đường này đã gắn kết hậu phương lớn miền Bắc với tiền tuyến miền Nam.
Tôi cho rằng, lịch sử quân sự thế giới rất hiếm có trường hợp nào mà một tuyến đường lại mang ý nghĩa sống còn như đường Trường Sơn đối với một cuộc chiến tranh. Đây là một kỳ tích không chỉ về tổ chức và kỹ thuật, mà còn là kỳ tích của ý chí dân tộc, của tinh thần đoàn kết và khát vọng giành độc lập, thống nhất cho Tổ quốc.
Thanh niên xung phong và dân công hỏa tuyến thông đường cho xe ra tiền tuyến ở Ngã ba Đồng Lộc (Hà Tĩnh). (Ảnh tư liệu)
PV: Theo ông, thế hệ trẻ ngày nay cần nhìn nhận và tiếp nối di sản đường Trường Sơn như thế nào?
Đại tá, PGS.TS Nguyễn Mạnh Hà: Tôi cho rằng, di sản đường Trường Sơn không chỉ nằm ở những con số, những chiến công, hay những dấu tích địa lý mà trước hết là ở giá trị lịch sử, ở khát vọng độc lập, thống nhất và ý chí vượt mọi gian khổ để bảo vệ Tổ quốc. Với thế hệ trẻ hôm nay, việc tìm hiểu và tiếp nối tinh thần Trường Sơn chính là cách thiết thực nhất để tri ân và phát huy những giá trị lịch sử ấy.
Đường Trường Sơn ngày nay.
Chúng ta đang sống trong hòa bình - một nền hòa bình được đánh đổi bằng xương máu của hàng chục vạn người, trong đó có những người đã nằm lại vĩnh viễn dọc tuyến Trường Sơn. Hiểu về đường Trường Sơn là để hiểu vì sao dân tộc ta nhỏ bé về địa lý, nhưng lại làm nên những kỳ tích khiến cả thế giới nể phục. Tôi mong thế hệ trẻ không chỉ biết đường Trường Sơn qua sách vở, mà cần trải nghiệm thực tế, đến tận nơi, nghe những câu chuyện của nhân chứng sống, để từ đó hình thành trong mình một trách nhiệm công dân sâu sắc hơn.
Đường Trường Sơn ngày nay.
Tôi tin rằng, nếu thế hệ trẻ hôm nay hiểu sâu về Trường Sơn, họ sẽ càng trân trọng hòa bình, càng có trách nhiệm hơn với đất nước. Và nếu mỗi bạn trẻ đều giữ trong tim mình một tinh thần Trường Sơn - tinh thần không lùi bước trước khó khăn, thử thách, thì tôi tin đất nước Việt Nam sẽ còn vươn xa hơn nữa, mạnh mẽ và bền vững hơn cả những gì thế hệ cha ông ta từng mơ ước.
Nhóm P.V (Thực hiện)