Đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản an toàn

Đứt gãy chuỗi cung ứng nông sản an toàn
2 ngày trướcBài gốc
Phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn là xu hướng tất yếu, không chỉ khắc phục tình trạng “được mùa mất giá” mà còn đem lại lợi ích cho “3 nhà”: Người tiêu dùng được bảo đảm an toàn, sức khỏe; người sản xuất nâng cao giá trị và mức tiêu thụ sản phẩm; người quản lý dễ dàng kiểm tra, giám sát chất lượng và truy xuất nguồn gốc. Nhiều chuỗi phát huy hiệu quả, đem lại lợi nhuận cao cho các chủ thể tham gia liên kết.
Chuỗi cung ứng bí xanh Tìa Dình (huyện Điện Biên Đông) dừng hoạt động do chưa đáp ứng tiêu chuẩn, điều kiện. Trong ảnh: Người dân bản Chua Ta A, xã Tìa Dình thu hoạch bí xanh.
Tuy nhiên, số lượng chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn còn hạn chế, chưa xứng với tiềm năng, lợi thế của địa phương. Đến nay, toàn tỉnh chỉ có 35 chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn về rau, củ quả, thịt khô, gạo, chè... Song hiệu quả hoạt động của đa số các chuỗi còn ở mức thấp. Đơn cử, chuỗi cung ứng bánh khẩu xén, bánh chí chọp của Hợp tác xã Hoa Ban Trắng tại TX. Mường Lay. Hiện nay, trung bình mỗi năm đơn vị sản xuất khoảng 35 tấn bánh các loại. Song sản lượng tiêu thụ tại cửa hàng được xác nhận chuỗi khoảng 1 - 2 tấn/năm.
Thậm chí, nhiều chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn sau khi được xác nhận, nhưng hoạt động cầm chừng, dừng hoạt động. Hiện nay, toàn tỉnh có 15/35 chuỗi đã thông báo dừng hoạt động. Chuỗi cung ứng sản phẩm gạo tám Điện Biên (giống Bắc thơm số 7) của gia đình ông Hoàng Văn Yêu, đội 5, Thanh An, huyện Điện Biên là điển hình. Theo ông Hoàng Văn Yêu, chuỗi được chứng nhận tháng 8/2017, liên kết 15 hộ trồng lúa tại Thanh An và Thanh Xương, huyện Điện Biên. Cùng đó, liên kết với Công ty TNHH thực phẩm Safe Green, TP. Điện Biên Phủ để tiêu thụ sản phẩm. Tuy nhiên, do quá trình liên kết, các hộ dân chưa đảm bảo được sản phẩm, chưa tuân thủ các điều kiện, quy trình và thị trường đầu ra khép kín, nên đến năm 2023 phải dừng hoạt động.
Tương tự, chuỗi cung ứng sản phẩm bí xanh, khoai sọ, lạc an toàn của Hợp tác xã Nông nghiệp CCO Điện Biên được chứng nhận năm 2019 và dừng hoạt động năm 2023. Khi đi vào hoạt động Hợp tác xã Nông nghiệp CCO Điện Biên liên kết 18 hộ trồng bí xanh tại xã Tìa Dình; 20 hộ trồng khoai sọ tại xã Phì Nhừ và 26 hộ trồng lạc tại xã Na Son, huyện Điện Biên Đông. Tuy nhiên, trong quá trình duy trì chuỗi các hộ dân chưa đáp ứng được yêu cầu về sản phẩm. Việc trồng và thu hoạch bí xanh, khoai sọ, lạc an chưa tuân thủ yêu cầu kĩ thuật. Còn tình trạng phá vỡ hợp đồng liên kết do sự chênh lệch giá bán với đơn vị bao tiêu sản phẩm so với giá thị trường.
Theo Chi cục Phát triển nông thôn và Kinh tế hợp tác (Sở Nông nghiệp và Môi trường), nguyên nhân do các chuỗi quy mô nhỏ lẻ và sự phụ thuộc vào mùa vụ khiến sản lượng không ổn định, trong khi thị trường đòi hỏi một khối lượng lớn sản phẩm có chất lượng cao. Quá trình sản xuất, sơ chế và bảo quản chủ yếu vẫn theo phương thức truyền thống, canh tác theo thói quen, dẫn đến khó khăn trong việc tuân thủ quy trình kỹ thuật.
Đặc biệt, khi tham gia vào chuỗi, người dân phải thực hiện các quy trình sản xuất nghiêm ngặt từ khâu sản xuất, sơ chế đến tiêu thụ. Chỉ cần một “mắt xích” trong chuỗi bị đứt gãy thì chuỗi sẽ không thể hình thành hoặc không duy trì. Hơn nữa, sự liên kết giữa các đầu mối cung ứng, thu mua và xử lý còn lỏng lẻo; vẫn còn tình trạng phá vỡ hợp đồng. Trong khi so với sản xuất truyền thống thì vốn đầu tư để sản xuất theo chuỗi (chi phí bao bì, tem nhãn...) cao, ngược lại giá bán các sản phẩm chưa được như mong muốn của người sản xuất. Vì vậy, chưa có động lực thúc đẩy người dân và doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn.
Bà Nguyễn Thị Thắm, người trồng rau xã Noong Luống, huyện Điện Biên cho biết: “Quy trình sản xuất rau, quả theo tiêu chuẩn chuỗi rất nghiêm ngặt từ khâu chọn đất trồng, nguồn nước tưới, các biện pháp phòng trừ sâu bệnh, nhất là việc lựa chọn phân bón, thuốc bảo vệ thực vật... Bên cạnh đó, trồng rau thường hay gặp rủi ro do thời tiết nên không đủ số lượng để cung ứng cho doanh nghiệp; việc sơ chế, đóng gói nếu không đúng quy trình sẽ làm ảnh hưởng chất lượng rau; giá bán của sản phẩm không có sự chênh lệch nên hầu hết người dân sẽ lựa chọn sản xuất theo phương pháp truyền thống”.
Để phát triển chuỗi cung ứng thực phẩm an toàn, cần thúc đẩy người dân chuyển đổi sang sản xuất quy mô lớn, đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng thị trường. Đồng thời, cần tăng cường đào tạo, nâng cao nhận thức về an toàn thực phẩm cho các tổ chức, cá nhân và hộ dân tham gia sản xuất, kinh doanh. Các địa phương cũng cần quy hoạch vùng sản xuất an toàn tập trung, đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng phù hợp, đồng thời đổi mới mô hình tổ chức sản xuất theo hướng liên kết chặt chẽ giữa doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh, hợp tác xã và người dân. Về phía các cơ quan quản lý Nhà nước, cần phát huy vai trò định hướng; có cơ chế khuyến khích nông dân, doanh nghiệp tham gia chuỗi cung ứng cũng như xây dựng chế tài xử lý các hành vi phạm.
Bài, ảnh: Quốc Huy
Nguồn Điện Biên Phủ : https://baodienbienphu.com.vn/bai-thuong/kinh-te/dut-gay-chuoi-cung-ung-nong-san-an-toan