Chuyến trở về của bà không chỉ mang dấu ấn cá nhân, mà còn chất chứa một dòng chảy ký ức, như con sông tuổi trẻ bồi đắp yêu thương lên dải đất hình chữ S.
Sinh ra tại vùng Lappland cực Bắc Thụy Điển, nơi mùa đông dài như cổ tích và mùa hè ngắn ngủi như một cái chớp mắt, Elisabeth Dahlin lớn lên trong một gia đình trí thức yêu công lý. Những năm 1970, khi chiến tranh Việt Nam vẫn đang là đề tài làm nhói tim những người có lương tri trên thế giới, cô bé Elisabeth Dahlin đã cùng chị gái và bạn bè mình xuống đường mít tinh, giương cao biểu ngữ “Hòa bình cho Việt Nam”. Đó không chỉ là hành động của tuổi trẻ bốc đồng, mà là lựa chọn của một trái tim nhạy cảm và đầy lòng trắc ẩn.
Bà Elisabeth Dahlin.
Trong cuộc trò chuyện với chúng tôi tại một khách sạn nằm giữa khu phố cổ ở Hà Nội, bà Elisabeth Dahlin hồi tưởng lại tuổi trẻ sôi nổi của mình như lật giở từng trang sách cũ quý giá. Thời điểm đó, Thụy Điển là một trong những quốc gia phương Tây đầu tiên chính thức thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam và cũng là nước có phong trào phản chiến mạnh nhất. Hình ảnh Thủ tướng Thụy Điển Olof Palme (khi đó đang giữ chức Bộ trưởng Giáo dục) dẫn đầu cuộc tuần hành phản đối chiến tranh Việt Nam trên đường phố Stockholm năm 1968 luôn in dấu trong bà và trở thành động lực thôi thúc cô bé Elisabeth Dahlin dù còn đang trên ghế nhà trường cũng hăng hái tham gia phong trào phản chiến.
Vào một đêm mùa đông cách đây 53 năm, khi nghe tin Không quân Mỹ đem máy bay chiến lược B-52 oanh tạc Thủ đô Hà Nội, cả thế giới yêu chuộng hòa bình lại sục sôi. Tại Thụy Điển, tất cả lãnh đạo các đảng trong Quốc hội, từ cánh tả đến cánh hữu đã cùng ký một kiến nghị yêu cầu Mỹ ngừng ném bom, một điều chưa từng xảy ra trước đó tại quốc gia Bắc Âu này. Không dừng lại ở đó, một phong trào kêu gọi thu thập chữ ký của người dân yêu cầu Mỹ dừng ném bom tại Việt Nam cũng được tiến hành. Ở Kalix - một đô thị ở hạt Norrbotten, cô bé Dahlin cùng chị gái đã đi bộ dưới trời tuyết rơi dày để thu thập chữ ký của người dân. “Tôi nhớ thời điểm ấy, dân số Thụy Điển khoảng 8 triệu nhưng đã có tới 2,3 triệu chữ ký ủng hộ”, bà Elisabeth Dahlin nhớ lại.
Khi được hỏi vì sao người dân Thụy Điển lại nhiệt tình ủng hộ cuộc đấu tranh của một dân tộc cách xa mình gần nửa vòng trái đất như vậy, bà Elisabeth Dahlin chia sẻ, đó là sự cảm thông và cũng bởi lương tri của những con người chân chính. Quốc gia Bắc Âu của bà đã hưởng hòa bình từ năm 1812, nhưng người dân Thụy Điển cũng chứng kiến nỗi đau mà hai cuộc thế chiến gây ra cho các nước láng giềng và toàn châu Âu. Vì thế, khi thấy khung cảnh tàn phá do chiến tranh gây ra tại Việt Nam, nhiều người dân Thụy Điển cảm thấy phẫn nộ. “Người dân Thụy Điển phản đối chiến tranh tại Việt Nam bởi đây là hành động đúng đắn vì phẩm giá của con người”, bà Elisabeth Dahlin nhấn mạnh.
Sau những năm dài chiến đấu gian khổ, chịu đựng chia cắt, đau thương và mất mát, đất nước hình chữ S cuối cùng cũng có được hòa bình, thống nhất. Khi chiếc xe tăng T-54 húc đổ cổng dinh độc lập thì bà Elisabeth Dahlin đang theo học tại một trường trung học nữ công giáo ở Newton, Massachusetts, Mỹ. Được thông tin về việc đất nước Việt Nam thống nhất qua các phương tiện truyền thông, cảm xúc của bà như vỡ òa. “Nhìn hình ảnh những người dân Việt Nam tràn ra đường phố ăn mừng, tôi thực sự xúc động. Cuối cùng đất nước các bạn đã kết thúc hành trình dài khó khăn nhưng cũng rất vinh quang để thống nhất”, bà Elisabeth Dahlin nói.
Trở lại đúng dịp Việt Nam kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bà Elisabeth Dahlin bồi hồi nhớ về những năm tháng gắn bó và cảm thấy hạnh phúc khi được ngắm phố phường Hà Nội tràn ngập cờ hoa. “Cảm giác thật tuyệt vời. Thỉnh thoảng, xem các chương trình trên truyền hình, tôi lại nhìn thấy lá cờ nửa đỏ nửa xanh của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam khi xưa. Lá cờ đó đã gắn liền với tuổi trẻ của tôi và những người bạn đồng chí hướng sẵn sàng xuống đường ủng hộ một Việt Nam nhỏ bé mà kiên cường trước sức mạnh của một siêu cường. Những năm đó, đa số học sinh trường tôi đều đeo tấm huy hiệu in hình cờ của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam trên ngực áo”, bà Elisabeth Dahlin tâm sự.
Kể về những kỷ niệm với Việt Nam, người phụ nữ Bắc Âu này khẳng định, đất nước hình chữ S thân thuộc như quê hương thứ hai. Bằng một giọng trầm ấm, Elisabeth Dahlin nhắc về lần đầu đặt chân đến Việt Nam. Đó là khi vừa tốt nghiệp ngành khoa học chính trị và tiếng Tây Ban Nha tại Đại học Uppsala - trường đại học lâu đời nhất tại Thụy Điển thì bà nhận được thông báo rằng Chính phủ tuyển nhân sự cho Tổ chức hợp tác phát triển quốc tế Thụy Điển (SIDA) thuộc Bộ Ngoại giao với yêu cầu là có thể học nhanh một ngoại ngữ và làm việc trong môi trường khó khăn. Cô sinh viên Elisabeth Dahlin nhanh chóng ứng tuyển và được chọn. “Đó là một cơ hội mà cuộc đời trao cho tôi”, bà Elisabeth Dahlin nói.
Tháng 12/1979, cô gái Elisabeth Dahlin đặt chân đến Hà Nội. “Chúng tôi phải trải qua một quá trình đào tạo kéo dài hai năm với mục tiêu trở thành phiên dịch viên, trong đó có một năm học tại Đại học Stockholm cùng các giáo viên người Việt Nam và 1 năm theo học tại Đại học Bách Khoa Hà Nội. Việt Nam khi đó là một quốc gia nghèo đang vật lộn với những khó khăn thời kỳ hậu chiến. Tôi nhớ là đa phần nhà cửa của người Việt Nam đều rất nhỏ, ở một số khu vực nông thôn còn rất nhiều nhà có vách đắp bằng đất. Hệ thống cơ sở vật chất thiếu thốn, nhiều chỗ không có cầu vượt song mà phải dùng phà. Nhưng người dân thì rất tuyệt vời, luôn tự hào về đất nước của mình và cũng lạc quan”, bà Elisabeth Dahlin nhớ lại.
Và tình yêu dành cho Việt Nam của bà Elisabeth Dahlin không chỉ bắt đầu bằng ngôn ngữ, mà bằng cả những trải nghiệm chân thực, gần gũi, chan chứa sự cảm thông và gắn bó. Bà từng sống và làm việc tại Uông Bí, Quảng Ninh - một trong những điểm đến của chương trình viện trợ phát triển của Thụy Điển - nơi bà cùng các chuyên gia khác hỗ trợ xây dựng hệ thống cấp nước và chăm sóc sức khỏe cộng đồng. Từng giọt mồ hôi, từng lời chào buổi sáng bằng tiếng Việt, tuy giản dị nhưng đã gắn kết bà với người dân nơi đây như một phần máu thịt.
Vốn tiếng Việt của bà Elisabeth Dahlin sau đó được sử dụng rất nhiều trong công việc nhưng có lẽ ấn tượng nhất là vào năm 1986, khi Thủ tướng Phạm Văn Đồng có cuộc gặp với đại diện thanh niên Thụy Điển. Đại sứ quán Thụy Điển tại Việt Nam đã liên hệ với bà Elisabeth Dahlin để làm phiên dịch viên song ngữ. Càng đặc biệt hơn trong đoàn Thụy Điển khi đó có người bạn thân của bà là Anna Lind - người sau này trở thành Ngoại trưởng Thụy Điển. Trong lần đầu phiên dịch cho một lãnh đạo cấp cao như thế, bà Elisabeth Dahlin thực sự lo lắng và cũng như không tránh khỏi một số sai sót nhất định. Sau cuộc gặp mặt ấy, trong lúc chào tạm biệt Thủ tướng Phạm Văn Đồng, bà Elisabeth Dahlin đã chủ động xin lỗi vì đã có thể dịch sai nhưng Thủ tướng chỉ ôn tồn đáp lại rằng, bà không hề dịch sai mà chỉ là dùng từ ngữ mà một người Việt Nam bình thường sẽ không dùng. “Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng là một người từ tốn, lịch thiệp và những lời ông nói càng khiến tôi thêm quyết tâm học hỏi thật sâu, kỹ hơn về tiếng Việt và văn hóa Việt Nam”, bà Elisabeth Dahlin cho biết.
Sau này, trong những năm 1980-1990, người phụ nữ Thụy Điển còn nhiều lần quay lại Việt Nam trên nhiều cương vị khác nhau. Bà còn từng đảm nhiệm vị trí Phó Đại sứ Thụy Điển tại Việt Nam từ năm 1997-2001. Mỗi lần như thế, sự phát triển của đất nước hình chữ S lại khiến bà Elisabeth Dahlin đi từ kinh ngạc đến thán phục. “Cuộc sống tại Việt Nam được cải thiện rõ rệt. Năm 1997 khi quay lại đây, chúng tôi bất ngờ vì thấy nhiều khu nhà bê tông. Rồi trên đường phố, những chiếc xe đạp dần được thay thế bằng xe máy. Những người phụ nữ Việt Nam ngày xưa gắn liền với áo sơ mi trắng quần đen thì giờ thật xinh đẹp trong các trang phục hiện đại. Hà Nội giờ đây cũng không còn chứng kiến cảnh ngập lụt như từng thấy trước kia nữa. Một sự thay đổi ngoạn mục”, bà Elisabeth Dahlin nhấn mạnh.
Thực tế, bà Elisabeth Dahlin không phải là một nhà ngoại giao theo lối truyền thống quen làm việc trên bàn giấy hay trong những hội nghị kín. Suốt sự nghiệp của mình, bà luôn chọn đến những vùng đất khó khăn, nơi bà có thể lắng nghe, chia sẻ và cống hiến. Đặc biệt, trong mỗi vị trí khi làm việc tại Việt Nam, bà luôn dành ưu tiên cho các chương trình giáo dục, y tế, và quyền trẻ em bởi lẽ “phát triển không phải là phép tính kinh tế khô khan, mà là sự đổi thay của từng phận người”. Không ai nhớ hết bao nhiêu chuyến công tác vùng sâu vùng xa, bao nhiêu dự án nhỏ bà đã tham gia, nhưng những ai từng làm việc cùng bà đều nhắc đến một người phụ nữ luôn giữ nụ cười và cái nhìn nhân ái, luôn đến bằng cả trái tim. Có lẽ, chính sự chân thành ấy đã khiến bà Elisabeth Dahlin được người dân Việt Nam yêu mến như một người bạn lâu năm, gần gũi, tận tâm.
Vợ chồng bà Elisabeth Dahlin trong lần trở lại thăm Việt Nam tháng 4/2025.
Bà Elisabeth Dahlin thường nói vui rằng: Việt Nam là nhà của chồng tôi, của con gái tôi và cũng là nhà của chính tôi. Chồng bà cũng là một người gắn bó nhiều năm với Việt Nam và yêu Việt Nam. “Khi xa Việt Nam và bận rộn đi công tác tại nhiều nước, ở đâu có nhà hàng Việt là tôi thường tranh thủ ghé vào để tìm lại hương vị thân quen của các món ăn và có cơ hội nói chuyện bằng tiếng Việt. Ở Stockholm, tôi cũng kết thân với một số người bạn Việt Nam để thi thoảng có thể gặp gỡ, trò truyện và ngồi hát dân ca quan họ với nhau cho vơi đi nỗi nhớ Việt Nam. Chồng tôi còn biết làm các món ăn Việt Nam rất ngon. Thậm chí, khi tôi thực hiện nhiệm vụ ở châu Phi, chồng tôi thỉnh thoảng còn tổ chức tiệc nhỏ, nấu các món ăn Việt Nam để giới thiệu với bạn bè quốc tế về đất nước các bạn. Năm 1999, khi trở lại Việt Nam công tác tại Đại sứ quán Thụy Điển, cả gia đình tôi đều cố gắng học và nỗ lực nói chuyện hàng ngày với nhau bằng tiếng Việt”, bà Elisabeth Dahlin tâm sự.
Chưa hết, nhà ngoại giao Bắc Âu còn thổ lộ với chúng tôi rằng, bà có niềm say mê đặc biệt dành cho các làn điệu quan họ Bắc Ninh và luôn hát mọi lúc có thể. Dù ở tuổi gần thất thập, bà Elisabeth Dahlin vẫn có thể liệt kê rõ, thậm chí ngân nga nhiều bài dân ca Việt Nam như “Bèo dạt mây trôi”, “Trống cơm”… “Tôi rất ấn tượng khi gần như người Việt Nam nào cũng biết hát dân ca. Truyền thống đó rất đáng quý. Nghệ thuật, lịch sử, văn hóa Việt rất phong phú và thật tuyệt khi người dân các bạn hiểu rõ điều đó”, bà Elisabeth Dahlin chia sẻ với chúng tôi sau khi ngân nga vài làn điệu quan họ. Bà cũng tâm sự rằng, một trong những điều khiến bà gắn bó và coi Việt Nam như quê hương thứ hai bởi sự thân thiện của con người nơi đây: “Người Việt rất siêng năng. Và tôi nghĩ điều này khá giống người Thụy Điển. Chúng tôi cũng thích tiết kiệm tiền và làm việc chăm chỉ. Cảm giác ở đây rất giống như ở nhà. Người Việt rất thân thiện”.
Và tình yêu dành cho Việt Nam của bà Elisabeth Dahlin cùng chồng cũng dần được truyền sang con gái. Bà Elisabeth Dahlin nhớ lại: “Năm đầu tiên sống ở Hà Nội, cô con gái nhỏ của tôi mới lên ba nhưng chỉ sau một thời gian ngắn được tham gia các sự kiện văn hóa tại phố Hàng Lược, cháu đã tỏ ra thích thú và hát được một số bài hát Việt Nam. Hiện con gái tôi đã trở thành nghệ sĩ và rất hay đội nón lá, mặc áo dài và hát dân ca Việt Nam trong hoạt động văn hóa tại Thụy Điển”.
Sông Thương - Minh Thư