Hình ảnh hợp luyện.
“Những ngày này, người dân trung tâm TP Hồ Chí Minh đổ về khu vực trung tâm đông hơn thường lệ, không chỉ để theo dõi các màn luyện tập ấn tượng trên bầu trời mà còn để sống lại không khí của tháng Tư hào hùng. Trên từng tuyến phố, cờ đỏ sao vàng rợp bóng, các tuyến đường trang hoàng sắc màu, hình ảnh người dân mặc áo cờ đỏ, ghi hình các phi đội trực thăng bay qua khiến không gian như sống lại hào khí đại thắng.
Tại khu vực Dinh Độc Lập, bến Bạch Đằng, quảng trường trước UBND trung tâm TP Hồ Chí Minh, đông đảo người dân và du khách đã tranh thủ ghi lại khoảnh khắc máy bay kéo cờ rợp trời, mang theo niềm tự hào về ngày hội non sông sắp tới”.
Đưa tin về hoạt động hợp luyện cho “Lễ diễu binh, diễu hành lớn nhất 50 năm qua”, chuẩn bị cho lễ diễu binh, diễu hành cấp quốc gia kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025), trang Sputnik miêu tả: “Hôm nay trực thăng kéo cờ, tiêm kích "khoan mây" trên bầu trời trung tâm TP Hồ Chí Minh chuẩn bị cho đại lễ 30/4”, “Trực thăng treo cờ cùng Su-30MK, Yak-130 tiến vào trung tâm trung tâm TP Hồ Chí Minh ”.
Từ sân bay quân sự Biên Hòa (Đồng Nai), các máy bay trực thăng thuộc Trung đoàn Không quân 917, 916, 930 lần lượt cất cánh, tiến về khu vực trung tâm TP Hồ Chí Minh theo đội hình biên đội 3 - 4 - 3. Trên mỗi chiếc trực thăng là những lá cờ Tổ quốc, cờ Đảng rộng 20m² tung bay dọc sông Sài Gòn, phía dưới là không khí hừng hực tại bến Bạch Đằng, nơi pháo lễ sẵn sàng khai hỏa trong ngày trọng đại.
Ngay sau đội hình trực thăng là màn trình diễn kỹ thuật của các tiêm kích hiện đại Su-30MK2 và Yak130. Ngoài bay theo đội hình, các phi công còn luyện tập nhào lộn, khoan mây, tạo hình khí động học trên không trung. Trong ngày tổng duyệt và lễ chính thức, các tiêm kích dự kiến sẽ thực hiện thêm màn thả bẫy nhiệt đầy ấn tượng.
Theo kế hoạch, lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước sẽ chính thức diễn ra lúc 6h30 ngày 30/4 tại đường Lê Duẩn (trung tâm TP Hồ Chí Minh). Sự kiện cấp quốc gia này do Bộ Quốc phòng phối hợp Bộ Công an và UBND trung tâm TP Hồ Chí Minh tổ chức.
Tham gia diễu binh, diễu hành có tổng cộng 50 khối gồm 38 khối của lực lượng vũ trang, công an nhân dân và 12 khối đại diện các tầng lớp nhân dân trung tâm TP Hồ Chí Minh. Ước tính khoảng 13.000 người sẽ tham gia vào chương trình trọng đại này.
Ngoài ra, hoạt động bắn đại bác chào mừng trên nền Quốc thiều Việt Nam tại bến Bạch Đằng và màn trình diễn máy bay trực thăng kéo cờ, tiêm kích nhào lộn Su-30MK2, Yak130 sẽ tạo nên điểm nhấn ngoạn mục trong Lễ kỷ niệm.
Không quên ký ức về khoảnh khắc lịch sử của Việt Nam
“Chiến thắng vẫn là một cột mốc rực rỡ trong lịch sử dựng nước và giữ nước của Việt Nam. Đây không chỉ là niềm tự hào của người dân Việt Nam mà còn là biểu tượng rạng rỡ cho khát vọng độc lập, tự do của những người yêu chuộng hòa bình trên toàn cầu”, Chủ tịch Viện Văn hóa Argentina - Việt Nam (ICAV) Poldi Sosa Schmidt khẳng định.
Chia sẻ với TTXVN, bà Poldi Sosa Schmidt nhớ lại rằng chỉ vài giờ sau chiến thắng 30/4/1975 của Việt Nam, Chủ tịch Cuba Fidel Castro đã đến Đại sứ quán Cộng hòa Dân chủ Việt Nam, nay là Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, để chúc mừng và tin tức về chiến thắng của Việt Nam lan truyền nhanh chóng ở Cuba, nơi bà đang làm việc.
Bà đưa ra ấn bản ngày 30/4/1975 của Granma, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Cuba, với tiêu đề táo bạo: "Chiến thắng quyết định của Nhân dân Việt Nam, Sài Gòn đầu hàng vô điều kiện". Sau nửa thế kỷ, tờ báo đã ngả vàng và không còn nguyên vẹn, nhưng bà Poldi giải thích rằng mặc dù đã chuyển từ Cuba sang Argentina và chuyển đi nhiều lần kể từ đó, bà vẫn luôn giữ tờ báo này như một kỷ vật vô cùng quý giá.
Bà Poldi cũng nhớ lại mối liên kết bền chặt của bà với Việt Nam, bà cho biết khi sống ở Anh vào những năm 1960, bà đã tham gia các cuộc biểu tình ủng hộ cuộc đấu tranh của Nhân dân Việt Nam. Sau đó, khi chuyển đến Chile, bà trở thành thành viên sáng lập của Viện Văn hóa Hữu nghị Chile - Việt Nam, đóng góp đáng kể vào việc thành lập Đại sứ quán Cộng hòa Dân chủ Việt Nam tại Chile vào tháng 3 năm 1971. Sau đó, Poldi tích cực hỗ trợ mở Đại sứ quán Việt Nam tại Argentina vào năm 1995. Vào tháng 12 năm 1997, bà thành lập ICAV tại Buenos Aires để quảng bá văn hóa Argentina tại Việt Nam và ngược lại.
Bà Poldi Sosa Schmidt.
Kể từ lần đầu tiên đến Việt Nam vào năm 1997, bà Poldi đã quay trở lại đất nước hình chữ S này 26 lần. Bà đã chứng kiến sự chuyển mình kỳ diệu của Việt Nam trong những thập kỷ gần đây và bày tỏ sự vui mừng trước những thay đổi tích cực, bao gồm chất lượng cuộc sống tốt hơn, tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ, cũng như phúc lợi xã hội, giáo dục và chăm sóc sức khỏe tốt. Bà cho biết sự phát triển này thể hiện chính sách hợp lý của Đảng và Nhà nước Việt Nam.
Chiến thắng 30/4 của Việt Nam cổ vũ các quốc gia đấu tranh giải phóng dân tộc
Phát biểu với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (VNA) tại Nam Mỹ nhân kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 2025), ông Pedro de Oliveira, một nhà báo, nhà sử học, nhấn mạnh rằng chiến thắng 30/4/1975 của Việt Nam đánh dấu lần đầu tiên quân đội Hoa Kỳ bị một quốc gia nhỏ ở Nam bán cầu đánh bại.
Thành công của cách mạng Việt Nam đã tác động to lớn đến tình hình quốc tế lúc bấy giờ. Nó đã truyền cảm hứng và cổ vũ các quốc gia khác tham gia vào cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc chống lại chủ nghĩa đế quốc, đánh dấu sự khởi đầu cho sự sụp đổ của chủ nghĩa thực dân mới trên toàn thế giới, đặc biệt là ở châu Phi.
Sau chiến tranh, Việt Nam một lần nữa thể hiện quyết tâm xây dựng đất nước và thực hiện công cuộc “Đổi mới” do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng năm 1986. Gần 40 năm qua, Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn trên mọi lĩnh vực, đặc biệt là kinh tế, một điểm sáng ấn tượng. Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã phát triển mạnh mẽ. Việt Nam đã trở thành một trong những nước xuất khẩu gạo và nhiều sản phẩm nông nghiệp hàng đầu thế giới. Đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được cải thiện đáng kể. Trong lĩnh vực đối ngoại, Việt Nam cũng đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, tạo điều kiện thuận lợi để bảo đảm an ninh, phát triển và nâng cao vị thế của đất nước, đồng thời đóng góp tích cực vào việc thiết lập và duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực và trên thế giới.
Nhớ lại những kỷ niệm tham gia phong trào phản chiến vào cuối những năm 1960, Oliveira, hiện đã gần 80 tuổi, cho biết ông đã tham gia các cuộc biểu tình phản chiến ở Việt Nam khi bắt đầu học tại Đại học São Paulo vào năm 1968.
Ông Pedro de Oliveira.
Oliveira cho biết, vào thời điểm đó, ông đã tham gia một phong trào sinh viên, đấu tranh không chỉ vì dân chủ và chống lại chế độ độc tài quân sự ở Brazil mà còn ủng hộ hòa bình và phản đối chiến tranh ở Việt Nam và Đông Dương. Họ đã tổ chức chiếu những bộ phim do Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam gửi đến, lên án những hành động tàn bạo của quân đội đế quốc Mỹ, bao gồm cả việc sử dụng bom napalm và chất độc da cam.
Theo nhà báo Oliveira, các hoạt động phản chiến và phong trào vì hòa bình trên toàn thế giới vào thời điểm đó đã góp phần đáng kể vào chiến thắng của Nhân dân Việt Nam vào ngày 30 tháng 4 năm 1975.
Oliveira cũng là dịch giả của cuốn sách "Hồ Chí Minh, cuộc đời và sự nghiệp giải phóng dân tộc Việt Nam" bằng tiếng Bồ Đào Nha. Tác phẩm này đã được tái bản ba lần và đã giành giải nhất tại Giải thưởng Thông tin đối ngoại toàn quốc lần thứ 8. Cuốn sách hiện đang được dịch sang tiếng Tây Ban Nha.
Huy Anh (tổng hợp)