Hai tuần đầu tiên Elon Musk làm việc trong chính phủ, các cấp dưới của ông được tiếp cận những hệ thống dữ liệu và tài chính được bảo vệ nghiêm ngặt nhất. Những viên chức nhà nước cố gắng cảnh báo hoặc cản trở họ bị gạt sang một bên.
Nhóm của Musk cũng nhanh chóng đóng cửa các chương trình cụ thể, kể cả USAID - cơ quan hàng đầu của chính phủ về viện trợ nhân đạo và hỗ trợ phát triển. Toàn bộ cơ quan này lọt vào tầm ngắm. Họ tấn công bằng việc ám chỉ những nhân viên liên bang lười biếng và khuyến khích nghỉ việc.
Được Tổng thống Trump trao quyền, Musk đang chống lại bộ máy quan liêu liên bang - một cuộc chiến có thể gây ra những tác động sâu rộng.
Elon Musk.
"Kẻ đơn độc" trong không gian vô hạn
Những động thái nhanh chóng của Musk, người có nhiều lợi ích tài chính trước chính phủ, thể hiện sự phô trương quyền lực phi thường của một cá nhân. Các công chức điên cuồng trao đổi thông tin khi đến cả các nhân viên cấp cao của Nhà Trắng cũng thấy mình không hiểu chuyện gì đang diễn ra.
Người đứng đầu SpaceX, Tesla và X đang làm việc với nguồn năng lượng điên cuồng vốn quen thuộc với các nhân viên của ông. Hỗ trợ ông là một nhóm kỹ sư trẻ, một phần đến từ Thung lũng Silicon. Theo một người hiểu rõ tình hình, Musk chuyển giường vào trụ sở của văn phòng nhân sự liên bang cách Nhà Trắng vài dãy nhà để ông và nhân viên của mình có thể làm việc đến tận đêm khuya, và ngủ lại. Đây cũng là chiến thuật mà ông đã triển khai tại Twitter và Tesla.
Tuy nhiên, lần này, Musk mang theo thẩm quyền từ Tổng thống Trump, người dù nổi giận trước một số hành động bốc đồng của Musk nhưng sẵn sàng khen ngợi ông trước công chúng.
Musk từng hãnh diện rằng việc ông sẵn sàng làm việc vào cuối tuần là một “siêu năng lực” giúp ông có lợi thế hơn đối thủ. Đối thủ mà ông nhắc đến là lực lượng lao động liên bang. "Rất ít người trong bộ máy hành chính thực sự làm việc vào cuối tuần. Vì vậy, chúng tôi không giống như đội đối thủ rời khỏi sân trong 2 ngày”, ông Musk đăng trên X.
Tòa nhà Văn phòng điều hành Eisenhower, nơi Musk và đội nhóm tiếp cận từ sớm trong chiến dịch. (Ảnh: New York Times)
Chưa có quan chức chính phủ nào lại liên quan đến nhiều nguy cơ xung đột lợi ích như ông Musk, bao gồm cả các khoản nắm giữ trong nước và các mối quan hệ nước ngoài như các mối quan hệ kinh doanh ở Trung Quốc. Và việc một người không phải là nhân viên nhà nước toàn thời gian lại có khả năng định hình lại lực lượng lao động liên bang như vậy cũng là lần đầu tiên.
Nhà sử học Douglas Brinkley mô tả Musk là một "kẻ đơn độc" với không gian hoạt động vô hạn. Ông lưu ý rằng tỷ phú này hoạt động ngoài sự giám sát. "Không có một cơ chế nào để Musk phải chịu trách nhiệm. Đây là điềm báo về sự hủy hoại các thể chế cơ bản của chúng ta".
Một số cựu quan chức chính phủ cấp cao và hiện tại ngay cả những người thích những gì Musk đang làm cũng bày tỏ cảm giác bất lực về cách giám sát ông Musk. Lần lượt từng quan chức của ông Trump đã nhượng bộ, trong khi một số người hy vọng Quốc hội sẽ thay đổi tình hình.
Bản thân ông Trump đưa ra một cảnh báo đáng chú ý: "Elon không thể làm và sẽ không làm bất cứ điều gì nếu không có sự chấp thuận của chúng tôi. Chúng tôi sẽ chấp thuận khi thích hợp, khi không thích hợp thì không. Nếu có xung đột (lợi ích), chúng tôi sẽ không để ông ấy động vào".
Thách thức thẩm quyền chưa từng có
Hành động của ông Musk khiến đảng Dân chủ và các nhóm giám sát chính phủ kinh ngạc và lo ngại. Họ đặt câu hỏi liệu ông Musk có vi phạm luật liên bang hay không. Luật này trao cho Quốc hội quyền lực cuối cùng để thành lập hoặc bãi bỏ các cơ quan liên bang và lập ngân sách cho họ, yêu cầu công khai các hành động của chính phủ và cấm các cá nhân thực hiện các hành động có thể mang lại lợi ích cá nhân.
Ít nhất bốn vụ kiện được đệ trình lên tòa án liên bang liên quan đến thẩm quyền của Musk và các động thái của chính quyền mới.
Bản thân Musk cho rằng đáng ra ông phải thực hiện các cải cách từ lâu. Cho đến nay, nhóm của ông đã tuyên bố giúp chính phủ liên bang tiết kiệm được hơn 1 tỷ USD mỗi ngày thông qua các nỗ lực như hủy bỏ hợp đồng cho thuê tòa nhà liên bang và các hợp đồng liên quan đến sự đa dạng, công bằng và hòa nhập, mặc dù họ cung cấp rất ít thông tin cụ thể.
Viện trợ của USAID ở Nam Sudan. Ông Musk đang nhắm đến đóng cửa cơ quan này. (Ảnh: New York Times)
Cắt trước sửa sau, kiểm soát hệ thống
Sau ngày ông Trump nhậm chức, những người làm việc tại tòa nhà văn phòng Dịch vụ số Mỹ đến và thấy một tờ giấy nhớ có dòng chữ “DOGE” trên cửa phòng làm việc họ từng dùng.
Đó là một trong những dấu hiệu đầu tiên cho thấy nhóm của ông Musk đã đến. Bên trong, những chiếc ba lô màu đen nằm rải rác khắp nơi và những thanh niên xa lạ đi lang thang trên hành lang mà không có thẻ an ninh như các nhân viên liên bang thường mang theo để vào văn phòng.
Việc tiếp quản nhanh chóng này là chiến lược ông Musk đã sử dụng nhiều lần trong khu vực tư nhân. Ông Musk tuân thủ theo triết lý rằng cứ cắt giảm sâu và giải quyết mọi vấn đề phát sinh sau. Ông thường xuyên thúc đẩy nhân viên của mình bỏ qua các quy định mà họ coi là "ngu ngốc". Musk cũng được biết đến với việc chấp nhận rủi ro ở cực độ, đẩy cả Tesla và SpaceX từng đến bờ vực phá sản trước khi giải cứu.
Ông Musk nói với các viên chức chính quyền Trump rằng để hoàn thành nhiệm vụ cắt giảm mạnh mẽ quy mô của chính quyền liên bang, họ cần phải tiếp cận được các máy tính - "đường ống" lưu trữ dữ liệu và thông tin chi tiết về nhân sự chính phủ, cũng như hệ thống phân phối tiền thay mặt cho chính quyền liên bang.
Ông Musk suy nghĩ rất nhiều về các cách để cắt giảm mạnh chi tiêu của liên bang trong toàn bộ quá trình chuyển giao quyền lực của tổng thống. Sau khi tham khảo ý kiến của các chuyên gia về ngân sách, cuối cùng ông tập trung vào một phần quan trọng của cơ sở hạ tầng: hệ thống thanh toán của Bộ Tài chính giải ngân hàng nghìn tỷ USD mỗi năm thay mặt cho chính quyền liên bang.
Theo một viên chức đã thảo luận vấn đề này, ông Musk nói với chính quyền rằng họ có thể cân bằng ngân sách nếu loại bỏ các khoản thanh toán gian lận khỏi hệ thống.
Khi một viên chức cấp cao của Bộ Tài chính, David Lebryk, phản đối việc cho phép đại diện của nhóm cắt giảm tiếp cận hệ thống thanh toán liên bang, ông Lebryk bị đe dọa cho nghỉ hành chính và sau đó nghỉ hưu. Bộ trưởng Tài chính Scott Bessent sau đó chấp thuận cho nhóm Musk tiếp cận.
Hệ thống độc quyền của Bộ Tài chính là một hoạt động theo truyền thống do nhóm nhỏ các công chức sự nghiệp có chuyên môn kỹ thuật sâu rộng điều hành. Việc những người bên ngoài như ông Musk và nhóm của ông xâm nhập vào hệ thống, khiến các viên chức Bộ Tài chính hiện tại và trước đây lo ngại rằng nếu có sự cố xảy ra, các chi tiêu quan trọng của chính phủ không được thanh toán, có thể gây ra hậu quả như vỡ nợ liên bang.
Hiện Thư ký báo chí Leavitt cho biết nhóm của Musk mới có quyền "đọc", chứ không thể thay đổi các khoản thanh toán.
Ông Musk, người đàn ông giàu nhất thế giới, đang tìm cách đặt dấu ấn tư tưởng lên bộ máy quan liêu và loại bỏ những người mà ông và tổng thống Trump chế giễu là "bộ máy nhà nước ngầm" khỏi hệ thống. (Ảnh: New York Times)
Một "ống dẫn" quan trọng khác là cơ sở dữ liệu nhân sự của chính phủ, do Văn phòng Quản lý Nhân sự quản lý, nơi ông Musk nhanh chóng khẳng định ảnh hưởng của mình. Theo những người hiểu rõ vai trò của họ, ít nhất năm người từng làm việc cho ông Musk ở một số vị trí hiện đang nắm giữ các vai trò quan trọng trong văn phòng.
Ông Musk cũng đang nghiên cứu hoạt động của GSA, đơn vị quản lý các tài sản liên bang. Trong chuyến thăm cơ quan vào tuần trước, cùng với cậu con trai nhỏ, người mà ông Musk đặt tên là "X Æ A-12" và một bảo mẫu, ông đã nói chuyện với quyền quản trị viên mới của cơ quan, Stephen Ehikian.
Sau cuộc họp, các viên chức đã thảo luận về một kế hoạch cắt giảm 50% chi tiêu, theo những người biết rõ về các cuộc thảo luận. Và ông Ehikian đã nói với các nhân viên trong một cuộc họp riêng rằng ông muốn họ áp dụng một kỹ thuật gọi là "ngân sách dựa trên số không", một phương pháp mà ông Musk đã triển khai trong quá trình tiếp quản Twitter và tại các công ty khác của ông. Ý tưởng là giảm chi tiêu của một chương trình hoặc hợp đồng xuống mức không, sau đó tranh luận để khôi phục khoản nào cần thiết.
Các đồng minh của ông Musk hiện cũng đang nhắm đến việc đưa các công cụ trí tuệ nhân tạo vào các hệ thống chính phủ, sử dụng chúng để đánh giá các hợp đồng và đề xuất cắt giảm.
Gây tổn thương và văn hóa bí mật
Ông Russell T. Vought, được lựa chọn để lãnh đạo Văn phòng Quản lý và Ngân sách.
Russell T. Vought, người từng phục vụ trong chính quyền đầu tiên của ông Trump và một lần nữa được ông lựa chọn để lãnh đạo Văn phòng Quản lý và Ngân sách, đã công khai nói về kế hoạch giải thể công chức của nhóm ông Trump.
"Chúng tôi muốn các viên chức quan liêu bị ảnh hưởng một cách đau thương", ông Vought nói trong bài phát biểu năm 2023. "Khi họ thức dậy vào buổi sáng, chúng tôi muốn họ không muốn đi làm vì họ ngày càng bị coi là những kẻ phản diện".
Ông Musk cũng lặp lại lời lẽ đó, mô tả các viên chức nhà nước chuyên nghiệp và các cơ quan mà họ làm việc là kẻ thù.
Musk cũng sử dụng cùng một chiến thuật trong quá trình tiếp quản Twitter năm 2022, trong đó ông mô tả ban quản lý trước đây của công ty là độc ác và nhiều nhân viên của công ty là kém cỏi và phản đối các mục tiêu của ông. Khi sa thải các giám đốc điều hành của Twitter “có lý do chính đáng” và giữ lại các gói trợ cấp thôi việc của họ, cáo buộc một số người trong số họ tham nhũng và tấn công cá nhân họ trong các bài đăng công khai.
Chiến thuật của ông Musk và nhóm của ông khiến các công chức mất cân bằng, sợ lên tiếng và không chắc chắn về tương lai và sinh kế của họ.
Ngoài ra, nhóm của ông Musk ưu tiên tính bí mật, chia sẻ rất ít thông tin bên ngoài khoảng 40 người đã làm việc như một phần của nỗ lực này kể từ ngày ông Trump nhậm chức.
Sự thiếu minh bạch làm tăng thêm sự lo lắng trong công chức. Một số nhân viên trên khắp chính phủ cho biết đại diện của ông Musk phỏng vấn họ, những người từ chối chia sẻ tên và cũng không trả lời các câu hỏi ngược lại. Các phiên họp giống như "các cuộc phỏng vấn một chiều". Một số tham gia phỏng vấn được hỏi họ đang làm dự án gì và ai nên bị sa thải khỏi cơ quan.
Nhiều cấp dưới của ông Musk đang làm việc trên nhiều dự án tại nhiều cơ quan khác nhau cùng lúc, sử dụng các địa chỉ email khác nhau và xuất hiện tại các văn phòng khác nhau.
Trong các cuộc trò chuyện riêng tư, ông Musk nói với bạn bè rằng ông coi thước đo cuối cùng cho thành công của mình là số USD tiết kiệm được mỗi ngày và ông đang sắp xếp các ý tưởng dựa trên thứ hạng đó.
"Tôi càng hiểu rõ về Tổng thống Trump, tôi càng thích ông ấy. Thành thật mà nói, tôi yêu ông ấy. Đây là cơ hội của chúng tôi. Đây là ván bài tốt nhất mà chúng tôi từng có".
Phương Anh (Nguồn: New York Times )