Ép con học thêm nhiều: Lợi bất cập hại

Ép con học thêm nhiều: Lợi bất cập hại
12 giờ trướcBài gốc
Thạc sĩ Lê Minh Huân trong buổi trải nghiệm cùng các em nhỏ. Ảnh: NVCC
Việc học là quan trọng, nhưng nếu quá sức với học sinh sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và sự phát triển toàn diện về tâm sinh lý.
Tâm lý “sợ đủ thứ” của phụ huynh
Tâm lý chung của đa số phụ huynh khi cho con đi học thêm là nỗi lo con mình thua thiệt so với bạn bè về kiến thức. Chính vì vậy, nhiều phụ huynh dành tiền đầu tư việc học cho con mà không quan tâm đến nhu cầu và năng lực của trẻ.
Chị Nguyễn Lan Anh (37 tuổi, ngụ quận Phú Nhuận, TPHCM), cho biết, chỉ sợ con mình học thua bạn bè nên ngoài thời gian học trên lớp, chị Anh đăng ký các lớp học thêm bất kể con học giỏi hay dở môn đó. Thương con nhưng vì tâm lý sợ con không đủ kiến thức để chuẩn bị thi chuyển cấp, chị Anh còn đăng ký cho con học tại trung tâm luyện thi ngay khi con bước vào lớp 8.
Tương tự, chị Phạm Hoàng Xuyến (39 tuổi, ngụ quận Bình Thạnh, TPHCM) với mong muốn con được vào trường THCS “điểm” trên địa bàn cũng rốt ráo đăng ký cho con đi học thêm. “Cháu tan học lúc 16 giờ 30 phút, tôi đăng ký học thêm bằng hình thức trực tuyến cho cháu lúc 17 giờ 30 phút. Vì vậy trong quá trình di chuyển từ trường về nhà, cháu sẽ ăn nhẹ ngay trên xe. Thấy thương con nhưng vì sự nghiệp học hành nên tôi luôn động viên cháu cố gắng, có học sẽ có tương lai”, chị Xuyến chia sẻ.
Thực tế, thời gian qua, việc tổ chức dạy thêm, học thêm trong và ngoài nhà trường nảy sinh nhiều vấn đề nhức nhối, thu hút sự quan tâm của dư luận xã hội trên khắp các tỉnh, thành. Tại TPHCM, không khó để bắt gặp hình ảnh học sinh ngồi sau xe bố mẹ, trên người còn mặc bộ đồng phục của trường, hay thậm chí vừa đi vừa ăn vội chiếc bánh mì, gói xôi để kịp lót dạ trước giờ học thêm.
Em H.K.L. (học sinh lớp 11, quận Tân Bình, TPHCM) kết thúc việc học mỗi ngày lúc 21 giờ và đi ngủ vào rạng sáng hôm sau. Sức học L. không tệ nhưng vì sợ cha mẹ buồn nên em vẫn cố tiếp tục theo các lớp học thêm mà gia đình đăng ký. “Cha mẹ kiếm tiền cực khổ lo cho mình ăn học mà mình còn không nghe lời thì không tốt. Em cố học để cha mẹ vui chứ thật sự em cảm giác việc học quá nhiều chẳng còn gì thú vị nữa”, L. nói.
Gánh nặng từ học thêm gây ảnh hưởng nhiều đến năng lực và sức khỏe của học sinh. Ảnh: ITN
Tập trung phát huy năng lực của trẻ
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được xây dựng theo định hướng phát triển phẩm chất và năng lực của học sinh; tạo môi trường học tập và rèn luyện giúp học sinh phát triển hài hòa về thể chất và tinh thần, trở thành người học tích cực, tự tin, biết vận dụng các phương pháp học tập tích cực để hoàn chỉnh các tri thức và kĩ năng nền tảng, có ý thức lựa chọn nghề nghiệp và học tập suốt đời. Tới thời điểm hiện tại, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã triển khai được 4 năm nhưng tình trạng học sinh miệt mài học thêm sau giờ học vẫn tiếp diễn.
Về cơ bản, không thể phủ nhận tính hiệu quả của việc học thêm như cung cấp thêm kiến thức, củng cố bài học, rèn luyện thêm các kỹ năng học tập đối với môn học cụ thể. Nhưng việc học quá nhiều đã ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ và tâm lý của phụ huynh là sự nan giải có thật.
Thạc sĩ Lê Minh Huân - cố vấn Trung tâm Ứng dụng Tâm lý - Giáo dục An Nhiên, cho rằng, trẻ được học tập và vui chơi hợp lý sẽ phát triển trí thông minh đa dạng, đời sống phong phú và hạnh phúc hơn. Ngược lại, trẻ chỉ tập trung học tập, không có thời gian hòa mình trong các mối quan hệ ngoài trường lớp, không tiếp xúc với các hoạt động ngoài trời sẽ “kém thông minh đa dạng” hơn những trẻ khác. Việc yếu hoặc thiếu phát triển các loại trí thông minh khác, khiến học sinh dễ áp lực, đánh giá thấp về bản thân, nguy cơ rối loạn sức khỏe tâm thần cao hơn.
Thực tế, áp lực học hành của trẻ ở trường đã nhiều, áp lực điểm số phụ huynh đặt lên con còn nhiều hơn. Theo ThS Huân, muốn con trẻ học hành tiến bộ, thay vì bắt ép học, phụ huynh nên giáo dục kỹ năng tự học cho con ngay từ khi còn nhỏ. Như thế vừa tạo tâm lý thoải mái, vừa giúp trẻ phát huy hết năng lực của mình. Ai cũng cần có áp lực để lớn lên, nhưng loại áp lực quá sức chịu đựng, không phù hợp với đặc điểm tâm sinh lý lứa tuổi và chỉ nuôi dưỡng sự kỳ vọng của người lớn là điều cần cân nhắc và rất cần thay đổi.
Việc thiết kế chương trình học tại trường, về cơ bản đã đủ để rèn năng lực học tập của học sinh. Về nhà, các em dành chút ít thời gian xem và học bài một cách khoa học sẽ đảm bảo kết quả học tập. Việc học thêm chỉ nên thực hiện khi học sinh có hứng thú muốn phát triển thêm tri thức, kỹ năng và năng khiếu bản thân hoặc phụ huynh phân tích, giải thích hợp lý, có sự đồng thuận giữa trẻ và phụ huynh.
“Một đứa trẻ dành quá nhiều thời gian cho việc học chữ sẽ tỷ lệ thuận với sự khó khăn trong các kỹ năng xã hội. Hay nói khác đi, trẻ được dạy chữ nhiều hơn rèn người thì quá trình hình thành, phát triển nhân cách có thể trở nên lệch chuẩn”, ThS Huân khẳng định.
BS.CKI Nguyễn Quang Huy - phụ trách Khoa Khám bệnh tâm thần, Bệnh viện Tâm thần Trung ương 2 (tỉnh Đồng Nai) lý giải: “Sức khỏe tâm thần là nhân tố quan trọng góp phần tạo nên sự phát triển về trí tuệ, thể chất, nhân cách mỗi người. Gia đình, nhà trường, xã hội cần phối hợp quan tâm nhiều đến trẻ em.
Cha mẹ cần đồng hành, tạo môi trường cho con rèn luyện thói quen sinh hoạt lành mạnh, có nhịp sinh học ổn định, hướng dẫn con biết cách kiểm soát, quản lý, cân bằng cảm xúc và thường xuyên quan sát, quan tâm phù hợp đến trẻ nhiều hơn. Khi trẻ có vấn đề sức khỏe tinh thần, cần được phát hiện và can thiệp kịp thời”.
Lâm Ngọc
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/ep-con-hoc-them-nhieu-loi-bat-cap-hai-post718291.html