EU áp thuế 45% đối với xe điện Trung Quốc

EU áp thuế 45% đối với xe điện Trung Quốc
5 giờ trướcBài gốc
Theo nguồn tin từ Bloomberg, Ủy ban Châu Âu, cơ quan hành pháp của khối đã thông qua cuộc bỏ phiếu để có thể áp thuế với xe Trung Quốc trong vòng 5 năm. 10 quốc gia thành viên đã bỏ phiếu ủng hộ biện pháp này, trong khi Đức và 4 nước khác bỏ phiếu phản đối, còn lại 12 nước, bao gồm Tây Ban Nha, bỏ phiếu trắng.
Quyết định của EU đưa ra sau một cuộc điều tra cho thấy Trung Quốc đã có những động thái bảo trợ không công bằng cho ngành công nghiệp xe ô tô. Bắc Kinh đã phủ nhận các cáo buộc này và đe dọa trả đũa bằng việc sẽ áp thuế riêng lên các mặt hàng từ EU như sữa, các loại rượu chưng cất (brandy), thịt lợn và ô tô.
Các chuyên gia về kinh tế nhận định, EU đang làm mọi cách để giảm sự phụ thuộc vào Trung Quốc. Trước đó, cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Châu Âu Mario Draghi đã cảnh báo về vấn nạn cạnh tranh với những lĩnh vực kinh tế được chính phủ Trung Quốc tài trợ sẽ là mối đe dọa với EU, có thể khiến nền kinh tế ở đây dễ bị lệ thuộc. Từ năm ngoái, câu chuyện về kim ngạch thương mại 739 tỷ euro (815 tỷ USD) với Trung Quốc đã khiến nhiều quốc gia thuộc EU tranh cãi liệu có nên tiếp tục áp dụng các mức thuế này hay không.
Trong thời gian tới, EU và Trung Quốc sẽ tiếp tục đàm phán để tìm một giải pháp thay thế cho việc áp thuế. Hai bên đang tìm hiểu xem liệu có thể đạt được thỏa thuận về một cơ chế kiểm soát giá và khối lượng xuất khẩu thay vì áp thuế hay không.
Ủy ban Châu Âu cho biết trong một thông cáo báo chí công bố quyết định: "EU và Trung Quốc tiếp tục nỗ lực tìm kiếm một giải pháp thay thế mà vẫn hoàn toàn tuân thủ các quy định của WTO, đủ để giải quyết vấn đề trợ cấp gây thiệt hại được xác định bởi cuộc điều tra của Ủy ban, có thể giám sát và thực thi được."
Mức thuế mới sẽ cao tới 35% đối với các nhà sản xuất xe điện xuất khẩu từ Trung Quốc. Mức thuế này sẽ được áp dụng bổ sung vào mức thuế 10% hiện có.
Có thể thấy, các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc đang ở thế khó khi phải lựa chọn giữa chấp nhận mức thuế mới hoặc tăng giá sản phẩm trong bối cảnh nhu cầu trong nước đang chậm lại khiến biên lợi nhuận giảm sút. Ngoài ra, một phương án khác có thể được tính đến đó là nhà sản xuất ô tô Trung Quốc có thể cân nhắc đầu tư vào các nhà máy ở châu Âu nhằm tránh thuế.
Tập đoàn Geely, công ty kiểm soát Volvo của Thụy Điển và Lotus Cars của Anh, đã lên tiếng chỉ trích quyết định này, cho rằng quyết định mới "không mang tính xây dựng và có thể tiềm ẩn nguy cơ cản trở quan hệ kinh tế và thương mại EU-Trung Quốc, thậm chí gây tổn hại đến lợi ích của các công ty và người tiêu dùng châu Âu."
Việc áp thuế bổ sung đã khiến đà tăng trưởng của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc tại châu Âu giảm sút thấy rõ. Trong tháng 8 vừa qua, doanh số bán hàng của Trung Quốc đã giảm 48%, mức thấp nhất trong vòng 18 tháng. Trước đấy, châu Âu là thị trường tiềm năng, hấp dẫn các nhà sản xuất Trung Quốc vì là nơi tiêu thụ xe điện tốt cũng như đạt được mức giá hấp dẫn hơn nhiều so với các thị trường khác.
Điều này đã khiến trong vòng 3 năm qua, thị phần xe điện bán tại EU của Trung Quốc tăng vọt từ 3% lên 20%. Các thương hiệu Trung Quốc chiếm khoảng 8% thị phần đó, trong khi các công ty quốc tế xuất khẩu từ Trung Quốc như Tesla Inc. chiếm phần còn lại.
Song, chuyên gia phân tích Kevin Lau của Daiwa Securities cho rằng việc EU tăng thuế sẽ có chỉ đem đến "tác động nhỏ" đối với các nhà sản xuất Trung Quốc vì khu vực này chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng doanh số bán hàng. Ông ước tính châu Âu đóng góp từ 1% đến 3% tổng doanh số bán hàng của BYD Co., Geely và SAIC Motor Corp. trong bốn tháng đầu năm nay.
Sự bất đồng giữa các nước thành viên
Một phát ngôn viên của Volkswagen AG cho biết, thuế quan là "cách tiếp cận sai lầm" và sẽ không cải thiện khả năng cạnh tranh của châu Âu.
"Chúng tôi kêu gọi Ủy ban EU và chính phủ Trung Quốc tiếp tục xây dựng các cuộc đàm phán đang diễn ra để tìm ra một giải pháp thỏa đáng," theo tuyên bố. "Mục tiêu chung phải là ngăn chặn các biện pháp đánh thuế và từ đó tránh để xảy ra xung đột thương mại."
Mặt khác, số lượng phiếu trắng của 12 quốc gia thuộc EU phần nào đó đã phản ánh sự không thoải mái của nhiều thành viên về viễn cảnh một cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc có thể diễn ra, ngay cả khi các quốc gia chủ chốt như Pháp đã nói rằng khối này cần bảo vệ mạnh mẽ hơn các ngành công nghiệp của mình. Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck đã cảnh báo trước đó rằng việc áp thuế có thể dẫn đến một cuộc chiến thuế quan.
Ông Hildegard Müller, Chủ tịch hiệp hội ô tô Đức VDA, phát biểu trong một tuyên bố sau cuộc bỏ phiếu: "Đây là tín hiệu đúng đắn từ chính phủ Đức, vì lợi ích của nền kinh tế, sự thịnh vượng và tăng trưởng chung, đã ủng hộ lợi ích của ngành công nghiệp ô tô cũng như những người lao động châu Âu, Chúng tôi đã bỏ phiếu phản đối".
Hiệp hội công nghiệp Đức BDI kêu gọi tiếp tục thảo luận với Trung Quốc. Mặc dù nhìn chung ủng hộ các công cụ bảo vệ thương mại, nhưng BDI nói rằng "lợi ích của ngành công nghiệp châu Âu trong quan hệ kinh tế ổn định với Trung Quốc cũng phải được cân nhắc một cách cân bằng."
Trong khi Brussels tìm kiếm một sân chơi bình đẳng cho các công ty châu Âu, các nhà sản xuất ô tô Đức lo ngại về phản ứng dữ dội có thể làm trầm trọng thêm những thách thức mà họ đã gặp phải tại thị trường quan trọng nhất trên toàn cầu. Mercedes-Benz Group AG và BMW AG đã gây áp lực buộc Berlin bỏ phiếu chống lại việc tăng thuế và kêu gọi EU đàm phán với Bắc Kinh.
Các nhà sản xuất ô tô Đức bao gồm Volkswagen, Mercedes và BMW sẽ bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong một cuộc tranh chấp thương mại vì Trung Quốc chiếm khoảng một phần ba doanh số bán xe của các tập đoàn này trong năm 2023.
Qui Ánh / Theo Bloomberg
Nguồn ĐTCK : https://tinnhanhchungkhoan.vn/eu-ap-thue-45-doi-voi-xe-dien-trung-quoc-post355235.html