EU chật vật trong 'cuộc chiến' khoáng sản: Tham vọng và những rào cản lớn

EU chật vật trong 'cuộc chiến' khoáng sản: Tham vọng và những rào cản lớn
10 giờ trướcBài gốc
Trụ sở Ủy ban châu Âu ở Brussels, Bỉ. Ảnh: IRNA/TTXVN
Theo trang tin châu Âu Euronews.com, trong bối cảnh địa chính trị thế giới ngày càng phức tạp, cuộc đua giành quyền tiếp cận các nguồn khoáng sản thô quan trọng đang trở nên khốc liệt hơn bao giờ hết. Liên minh châu Âu (EU), với tham vọng cắt giảm sự phụ thuộc vào các cường quốc khác, đặc biệt là Trung Quốc, đang đứng trước những thách thức không nhỏ để theo kịp các đối thủ trong ván cờ địa chính trị này.
Các khoáng sản như lithium, coban, niken và các nguyên tố đất hiếm đang trở thành xương sống của nền kinh tế hiện đại, đóng vai trò then chốt trong sản xuất vi mạch, tấm pin mặt trời và đặc biệt là ô tô điện. Theo ước tính của EU, nhu cầu lithium của khối sẽ tăng gấp 12 lần vào năm 2030 và con số này sẽ là 21 lần vào năm 2050. Sự gia tăng đột biến này đặt ra bài toán cấp bách về nguồn cung ổn định và bền vững.
Tuy nhiên, EU đang phải đối mặt với thực tế đáng lo ngại về sự phụ thuộc sâu sắc vào một số quốc gia thứ ba. Khối này nhập khẩu 100% nguyên tố đất hiếm nặng từ Trung Quốc, 99% boron từ Thổ Nhĩ Kỳ và 71% bạch kim từ Nam Phi. Sự phụ thuộc đó không chỉ tạo ra lỗ hổng trong an ninh kinh tế mà còn khiến EU dễ bị tổn thương trước các động thái chính trị và thương mại từ các quốc gia cung cấp. Điển hình là việc Trung Quốc đã từng hạn chế xuất khẩu một số khoáng sản quan trọng sang EU, gây ra những lo ngại sâu sắc về sự gián đoạn chuỗi cung ứng.
Để giải quyết vấn đề này, EU đã đưa ra Đạo luật Nguyên liệu thô quan trọng (CRMA). Đạo luật này đặt mục tiêu đầy tham vọng là tăng cường khai thác, chế biến và tái chế các nguyên liệu thô chiến lược ngay trên lãnh thổ châu Âu, đồng thời thiết lập quan hệ đối tác với các quốc gia giàu tài nguyên có cùng chí hướng. Đến nay, EU đã ký kết 14 thỏa thuận với các đối tác như Serbia, Australia, Greenland, Chile và Cộng hòa Dân chủ Congo.
CRMA xác định 34 loại vật liệu là "quan trọng", trong đó 17 loại được ưu tiên "chiến lược", bao gồm lithium, than chì, niken, coban, đồng và các nguyên tố đất hiếm. Đạo luật này cũng đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2030: khai thác 10%, chế biến 40% và tái chế 25% lượng tiêu thụ nguyên liệu thô chiến lược hàng năm.
Tuy nhiên, con đường hiện thực hóa các mục tiêu này không hề bằng phẳng. Edoardo Righetti, nhà nghiên cứu của tổ chức tư vấn CEPs, nhận định: "Tái chế nguyên liệu thô và khai thác mỏ là một hướng đi hấp dẫn, nhưng tỷ lệ tái chế hiện tại vẫn còn tương đối thấp do thiếu công nghệ và hệ thống thu gom hiệu quả. Bên cạnh đó, chi phí tái chế cũng là một rào cản đáng kể".
EU đang nỗ lực vượt qua những trở ngại này bằng cách giảm thiểu gánh nặng hành chính cho các doanh nghiệp, tạo điều kiện tiếp cận tài chính và rút ngắn thời gian cấp phép cho các dự án khai thác và chế biến. Ủy ban châu Âu gần đây đã chọn 47 dự án "chiến lược" tại 13 quốc gia thành viên, đánh dấu bước khởi đầu trong việc tăng cường sản xuất nguyên liệu thô trong nước.
Mặc dù vậy, một thách thức không nhỏ khác đến từ những lo ngại về xã hội và môi trường tại các địa phương triển khai dự án. Kế hoạch khai thác lithium ở Bồ Đào Nha đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ người dân và các tổ chức môi trường do lo ngại về tác động tiêu cực đến môi trường và cuộc sống của cộng đồng. Tình hình tương tự cũng diễn ra ở Serbia, nơi các cuộc biểu tình nổ ra phản đối kế hoạch khai thác lithium quy mô lớn.
Trong khi EU đang cố gắng xây dựng năng lực tự chủ, các cường quốc khác cũng không ngừng đẩy mạnh cuộc đua giành khoáng sản. Mỹ, dưới thời Tổng thống Donald Trump, đã thể hiện thái độ quyết liệt trong việc tiếp cận nguồn tài nguyên ở Canada, Greenland và Ukraine, thậm chí không loại trừ việc sử dụng các biện pháp kinh tế, quân sự và ngoại giao.
Đáng chú ý, đã có những vấn đề đạo đức nảy sinh khi EU ký kết các thỏa thuận với các khu vực bất ổn hoặc có xung đột. Như trường hợp Rwanda, quốc gia bị cáo buộc hỗ trợ các nhóm phiến quân ở Cộng hòa Dân chủ Congo, nơi khoáng sản bị buôn lậu qua biên giới và xuất khẩu sang châu Âu, được gọi là "khoáng sản xung đột". Ủy ban châu Âu cho biết thỏa thuận với Rwanda đang được xem xét lại sau những cáo buộc này.
Rõ ràng, EU đang đối mặt với một cuộc chiến phức tạp trên nhiều mặt trận để đảm bảo nguồn cung khoáng sản thô quan trọng. Tham vọng giảm sự phụ thuộc và xây dựng chuỗi cung ứng bền vững đang vấp phải những rào cản về công nghệ, chi phí, sự phản đối của cộng đồng và cả những vấn đề địa chính trị nhạy cảm. Liệu EU có thể vượt qua những thách thức này và giành chiến thắng trong cuộc đua khoáng sản đầy cam go này hay không, thời gian sẽ trả lời. Tuy nhiên, với những diễn biến hiện tại, có vẻ như con đường phía trước của EU vẫn còn nhiều chông gai.
Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/eu-chat-vat-trong-cuoc-chien-khoang-san-tham-vong-va-nhung-rao-can-lon-20250427101011133.htm