EU chuẩn bị lên kế hoạch trả đũa thương mại Mỹ

EU chuẩn bị lên kế hoạch trả đũa thương mại Mỹ
9 giờ trướcBài gốc
Chủ tịch EC Ursula von der Leyen - Ảnh: Bloomberg.
Cuộc họp được chuẩn bị trong bối cảnh Tổng thống Mỹ Donald Trump có lập trường đàm phán cứng rắn hơn trước thời hạn 1/8 - thời điểm mà ông Trump đã cảnh báo là sẽ áp mức thuế 30% đối với hàng hóa châu Âu.
Ưu tiên hàng đầu của Brussels hiện nay là tiếp tục các cuộc đàm phán với Washington để đạt được kết quả trước thời hạn trên. Tuy nhiên, những nỗ lực này vẫn chưa mang lại sự đột phá nào sau vòng đàm phán ở Washington gần đây - theo tiết lộ của các nguồn thạo tin với hãng tin Bloomberg.
Cuộc đàm phán thương mại giữa hai bờ Đại Tây Dương vẫn sẽ tiếp tục trong hai tuần tới. Mỹ hiện muốn áp mức thuế gần như phổ quát đối với hàng hóa EU cao hơn mức 10%, với số lượng hàng hóa được miễn trừ ngày càng ít hơn, chỉ giới hạn ở hàng không, một số thiết bị y tế và thuốc gốc, một số loại rượu mạnh và một bộ thiết bị sản xuất cụ thể mà Mỹ cần - theo nguồn tin.
Hai bên cũng đã thảo luận về mức trần thuế quan có thể áp dụng cho một số lĩnh vực, cũng như thuế quan theo hạn ngạch đối với thép và nhôm, và cách bảo vệ chuỗi cung ứng khỏi những nguồn cung cấp quá mức các kim loại này - nguồn tin cho biết. Nguồn tin cảnh báo rằng ngay cả khi giới chức hai bên đạt được sự đồng thuận, thỏa thuận cũng cần có chữ ký của ông Trump, mà lập trường của vị Tổng thống còn thiếu rõ ràng.
“Tôi tin rằng chúng tôi sẽ đạt được một thỏa thuận” - Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick nói trên chương trình Face the Nation của CBS vào ngày Chủ nhật. “Tôi nghĩ tất cả các đối tác thương mại lớn này sẽ nhận ra rằng tốt hơn hết là họ nên mở cửa thị trường cho hàng hóa Mỹ, hơn là phải trả một mức thuế đáng kể”.
Trong bức thư áp thuế quan gửi EU vào đầu tháng, ông Trump cảnh báo rằng khối này sẽ phải đối mặt với mức thuế 30% đối với hầu hết hàng xuất khẩu sang Mỹ từ ngày 1/8, thay cho mức 10% đang áp hiện nay và mức 20% mà ông Trump đưa ra vào đầu tháng 4. Cùng với mức thuế phổ quát này, Trump đã áp thuế 25% đối với ô tô và phụ tùng ô tô, và 50% đối với thép, nhôm và đồng. Ông cũng đã đe dọa sẽ áp thuế quan lên dược phẩm và linh kiện bán dẫn từ tháng 8.
Nói chung, EU ước tính rằng thuế quan của Mỹ đã bao phủ lên 380 tỷ euro (442 tỷ USD), tương đương 70%, hàng xuất khẩu của khối này sang Mỹ. Trước khi có bức thư của ông Trump, EU đã hy vọng rằng họ đang tiến gần đến một thỏa thuận thương mại khung với Mỹ mà ở đó Mỹ áp mức thuế 10% đối phần lớn hàng hóa châu Âu. EU cũng đã nỗ lực để có được sự miễn trừ thuế quan rộng rãi hơn so với những gì Mỹ đang đề xuất, đồng thời tìm cách bảo vệ khối khỏi các loại thuế đánh theo từng ngành hàng mà ông Trup có thể đưa ra trong tương lai.
Từ lâu, EU đã chấp nhận rằng bất kỳ thỏa thuận thương mại nào mà khối này đạt được với Mỹ cũng sẽ không cân xứng theo chiều hướng có lợi cho Mỹ. Tuy nhiên, khối này sẽ đánh giá sự mất cân bằng tổng thể của thỏa thuận trước khi quyết định có nên kích hoạt bất kỳ biện pháp trả đũa nào nhằm tái cân bằng nào hay không - theo Bloomberg.
Mức độ thiệt hại mà các quốc gia thành viên EU sẵn sàng chấp nhận là khác nhau, và một số quốc gia sẵn sàng chấp nhận mức thuế cao hơn nếu có đủ các miễn trừ được đảm bảo - nguồn tin cho biết. Ngoài ra, bất kỳ thỏa thuận nào cũng sẽ giải quyết các vấn đề rào cản phi thuế quan, hợp tác an ninh kinh tế, tham vấn thương mại kỹ thuật số và mua hàng chiến lược.
Với tiến trình đàm phán ì ạch trong lúc thời hạn 1/8 đang đến gần, EU dự kiến sẽ bắt đầu chuẩn bị một kế hoạch để hành động nhanh chóng nếu không thể đạt được thỏa thuận - theo nguồn tin. Bất kỳ quyết định trả đũa nào cũng đều có thể sẽ cần sự chấp thuận chính trị từ các nhà lãnh đạo của khối vì rủi ro là rất cao, nguồn tin nhấn mạnh.
Một động thái trả đũa thực chất có thể sẽ gây ra một vết rạn nứt lớn hơn nữa trong quan hệ thương mại xuyên Đại Tây Dương, vì ông Trump đã cảnh báo rằng việc trả đũa chống lại lợi ích của Mỹ sẽ chỉ khiến chính quyền của ông đưa ra những biện pháp cứng rắn hơn.
Hiện tại, EU đã lên một danh sách hàng hóa Mỹ có tổng kim ngạch nhập khẩu 21 tỷ euro hàng hóa vào khối để có thể áp thuế quan nhằm trả đũa thuế quan kim loại của Mỹ. Danh sách này nhắm mục tiêu vào các tiểu bang có độ nhạy cảm cao về chính trị của Mỹ và bao gồm các sản phẩm như đậu nành từ Louisiana - quê hương của Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson, các sản phẩm nông nghiệp khác, gia cầm và xe mô-tô.
Ngoài ra, EU đã chuẩn bị một danh sách 72 tỷ euro hàng hóa Mỹ để trả đũa thuế đối ứng và thuế ô tô của Mỹ. Danh sách này nhắm mục tiêu vào hàng hóa công nghiệp, bao gồm máy bay Boeing Co., ô tô do Mỹ sản xuất và rượu bourbon whisky.
Giới chức EU cũng đang nghiên cứu các biện pháp trả đũa ngoài thuế quan, chẳng hạn như kiểm soát xuất khẩu và hạn chế đối với các hợp đồng mua sắm công.
Tuần trước, Bloomberg đưa tin rằng ngày càng có nhiều quốc gia thành viên EU muốn khối này kích hoạt công cụ thương mại mạnh nhất của khối - được gọi là công cụ chống cưỡng ép (ACI) - để đáp trả Mỹ nếu hai bên không đạt được một thỏa thuận có thể chấp nhận được và ông Trump thực hiện việc áp mức thuế quan cao lên châu Âu. ACI sẽ trao cho các giới chức EU quyền hạn rộng rãi để thực hiện hành động trả đũa. Các biện pháp đó có thể bao gồm thuế mới đối với các công ty công nghệ lớn của Mỹ hoặc các hạn chế có mục tiêu đối với đầu tư của Mỹ vào EU.
ACI cũng có thể bao gồm hạn chế quyền tiếp cận với một số bộ phận nhất định của thị trường EU hoặc hạn chế các công ty Mỹ đấu thầu các hợp đồng công ở châu Âu. Công cụ này được thiết kế chủ yếu như một biện pháp răn đe, và nếu cần sẽ là một cách để đáp trả các hành động cưỡng ép có chủ ý từ các quốc gia thứ ba sử dụng biện pháp thương mại để gây áp lực lên EU hoặc các nước thành viên của khối.
An Huy
Nguồn VnEconomy : https://vneconomy.vn/eu-chuan-bi-len-ke-hoach-tra-dua-thuong-mai-my.htm