Những người di cư xếp hàng để nhận đồ ăn tại trại di cư Las Raices ở La Laguna, trên đảo Tenerife, Tây Ban Nha, ngày 27/10/2024. (Nguồn: Reuters)
Theo EC, mục tiêu của đề xuất là "đẩy nhanh quy trình xử lý tị nạn và giảm áp lực với hệ thống tiếp nhận ở các nước thành viên".
Theo Reuters, khái niệm "quốc gia thứ ba an toàn" được mở rộng, cho phép các quốc gia EU chỉ cần chứng minh những quốc gia này có điều kiện tiếp nhận cơ bản mà không cần yêu cầu có quan hệ cá nhân hoặc gia đình giữa người xin tị nạn và quốc gia đó.
Ủy viên phụ trách các vấn đề nội vụ và di cư của EU Magnus Brunner khẳng định, đây là công cụ bổ sung giúp cải thiện hiệu quả việc quản lý hồ sơ tị nạn, trong khi vẫn "tôn trọng các giá trị và quyền cơ bản của EU".
Tuy nhiên, đề xuất đã vấp phải làn sóng phản đối mạnh mẽ từ các tổ chức nhân quyền. Tổ chức Ân xá quốc tế cảnh báo quy định mới có thể "làm suy yếu quyền được tị nạn, gia tăng nguy cơ trục xuất và giam giữ tùy tiện, đặc biệt trong bối cảnh EU chưa đảm bảo giám sát nhân quyền hiệu quả tại các nước thứ ba".
Ngoài ra, văn kiện cũng quy định người xin tị nạn không còn được quyền lưu trú tại EU trong quá trình kháng cáo nếu đơn xin tị nạn bị từ chối, làm dấy lên lo ngại về việc "đánh đổi nhân quyền để đổi lấy tốc độ xử lý".
Đề xuất là một phần trong quá trình thực thi Hiệp ước Di cư của EU, được thông qua năm 2023 và dự kiến có hiệu lực từ năm 2026. Văn kiện cần được sự phê chuẩn của Nghị viện châu Âu và các chính phủ thành viên EU trước khi chính thức được ban hành.
Bảo Minh