Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ giữa EVN và Viện Khoa học Khí tượng thủy Văn và Biến đổi khí hậu. Ảnh: Lê Minh/BNEWS/TTXVN
Theo đó, Biên bản ghi nhớ được xây dựng trên nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng giữa Tập đoàn Điện lực Việt Nam và Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu trong công tác phối hợp, hợp tác giữa hai bên về cung cấp các sản phẩm, dịch vụ liên quan tới số liệu quá khứ và dự báo năng lượng tái tạo, năng lượng mới, cũng như nghiên cứu chuyển giao và đào tạo, tập huấn phục vụ phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng mới ở Việt Nam.
Tại lễ ký kết, lãnh đạo Bộ Nông nghiệp và Môi trường kỳ vọng việc tăng cường hợp tác giữa ngành Điện và ngành Khí tượng thủy văn sẽ giúp đảm bảo tính chính xác, kịp thời của các dự báo về nguồn năng lượng tái tạo, từ đó hỗ trợ EVN trong công tác điều hành, phân bổ và phát triển nguồn điện một cách hiệu quả, ổn định và bền vững. Mặt khác, việc tích hợp các dữ liệu khí tượng thủy văn vào quá trình vận hành và quy hoạch năng lượng tái tạo sẽ giúp tối ưu hóa nguồn lực, giảm thiểu rủi ro và nâng cao hiệu quả khai thác, góp phần quan trọng vào quá trình chuyển đổi năng lượng xanh của quốc gia.
Phó Tổng giám đốc EVN Võ Quang Lâm cũng khẳng định, sự hợp tác với Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu qua Bản ghi nhớ (MOU) giai đoạn 2025-2030 sẽ giúp EVN tiếp cận dữ liệu dự báo chính xác về bức xạ mặt trời, gió và các yếu tố khí tượng, từ đó hỗ trợ trong việc tính toán sản lượng phát trong dự báo cũng như trong thanh toán đối với điện mặt trời mái nhà tự sản xuất, tự tiêu thụ. Ngoài ra, Viện Khoa học Khí tượng Thủy văn và Biến đổi khí hậu sẽ hỗ trợ đào tạo, nghiên cứu và phát triển công nghệ, giúp EVN chuyển dịch năng lượng thành công theo yêu cầu của Chính phủ.
Về phía Viện Khoa học Khí tượng thủy văn và Biến đổi khí hậu, PGS.TS. Phạm Thị Thanh Ngà - Viện trưởng cho hay sẽ phối hợp chặt chẽ với EVN để thực hiện hiệu quả các nội dung đã thống nhất; đồng thời phát huy thế mạnh về nghiên cứu, dự báo khí tượng thủy văn và cung cấp các dữ liệu, phân tích khoa học phục vụ cho hoạt động nghiệp vụ của EVN, hỗ trợ công tác điều phối và hoạch định chiến lược dài hạn về phát triển năng lượng tái tạo cho Việt Nam.
Trước đó, lãnh đạo EVN cũng ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác với Tập đoàn Tư vấn Công trình Điện lực Trung Quốc (CPECC) nhằm phát huy kinh nghiệm và thế mạnh mỗi bên để tăng cường cơ hội hợp tác trong phát triển các dự án điện.
Lãnh đạo hai Tập đoàn EVN và CPECC chứng kiến Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác. Ảnh: Lê Minh/BNEWS/TTXVN
Tại lễ ký kết, Chủ tịch Hội đồng thành viên EVN Đặng Hoàng An đánh giá cao sự hỗ trợ về kỹ thuật của CPECC đối với Tập đoàn Điện lực Việt Nam thời gian qua; đồng thời tin tưởng hai bên sẽ tăng cường hợp tác hiệu quả trong giai đoạn tới.
Theo ông Đặng Hoàng An, là Tập đoàn do Nhà nước làm chủ sở hữu, EVN có nhiệm vụ đảm bảo cung cấp đủ điện cho phát triển kinh tế quốc dân. Đến nay, EVN chiếm 38% tổng công suất lắp đặt và 41% sản lượng điện của toàn hệ thống điện. Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng Quy hoạch phát triển Điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 điều chỉnh (Quy hoạch điện VIII điều chỉnh). Quy mô công suất lắp đặt của hệ thống điện Việt Nam dự kiến đạt khoảng 236 GW vào năm 2030 đòi hỏi khối lượng đầu tư nguồn điện rất lớn nhằm đáp ứng mục tiêu tăng trưởng hai con số của nền kinh tế Việt Nam theo như chỉ đạo mới nhất của Đảng và Chính phủ.
Cũng tại lễ ký kết, ông La Tất Hùng - Chủ tịch Hội đồng Quản trị CPECC cho biết từ năm 2012 đến nay, CPECC đã ký 127 hợp đồng dự án tại Việt Nam với tổng giá trị hợp đồng trên 9,46 tỷ USD. Lãnh đạo CPECC khẳng định Việt Nam là thị trường chiến lược trong kế hoạch mở rộng đầu tư toàn cầu của Tập đoàn. Lễ ký kết lần này đánh dấu một cột mốc mới trong hợp tác năng lượng điện giữa hai tập đoàn và hai quốc gia. CPECC mong muốn sẽ được tiếp tục hợp tác sâu rộng với EVN trong nhiều lĩnh vực.
Sau ký kết, hai bên sẽ tiếp tục xây dựng kế hoạch chi tiết và triển khai các hoạt động hợp tác trong năm 2025 và các năm tiếp theo.
Lê Minh/BNEWS/TTXVN