Trang Armyrecognition thông tin, lần đầu tiên, các thông số kỹ thuật chủ chốt của tiêm kích có người lái thế hệ thứ sáu được công bố công khai. Chiếc máy bay nay là F-47, do hãng Boeing phát triển, thể hiện sự chuyển biến học thuyết theo hướng tập trung vào khả năng xâm nhập và tác chiến trong môi trường có mức độ đe dọa cao, đặc biệt là trước các đối thủ sở hữu hệ thống chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD) tinh vi. Việc công bố này không chỉ là tuyên bố định hướng mà còn bao gồm cả các chỉ tiêu hiệu năng cụ thể và mô tả kiến trúc tiềm năng thay thế cho tiêm kích F-22 Raptor.
Tầm bay vượt trội, hướng tới các khu vực khó tiếp cận
Một trong những điểm nổi bật nhất là tầm hoạt động của F-47, hiện được ước tính khoảng 1.850 km. Tầm bay mở rộng này nhằm phục vụ khả năng tấn công sâu vào các khu vực mà máy bay Mỹ hiện nay gặp hạn chế về khả năng tác chiến, chẳng hạn khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, nơi bị bao phủ bởi các hệ thống tên lửa đất đối không tầm xa. Tầm bay này vượt qua các dòng máy bay hiện tại như F-22 và F-35, đồng thời phù hợp với các mục tiêu đã nêu của chương trình F/A-XX của Hải quân Mỹ. Việc sử dụng cụm từ "1.000+" cho thấy hiệu suất thực tế có thể còn cao hơn, dù chưa có xác nhận chính thức.
Tốc độ Mach 2 và "tàng hình ++"
F-47 được báo cáo có tốc độ tối đa vượt quá Mach 2, nhưng điểm khác biệt quan trọng nằm ở khả năng duy trì bay siêu thanh mà không cần đốt sau. Dù tính năng này đã có trên F-22, nhưng ở F-47, nó sẽ được cải tiến để hỗ trợ các nhiệm vụ tầm xa, đồng thời giảm dấu hiệu nhiệt và tiết kiệm nhiên liệu.
Kết hợp với công nghệ được mô tả là "tàng hình ++", F-47 được kỳ vọng sẽ vượt trội các thế hệ trước về khả năng giảm tín hiệu radar và hồng ngoại. Cách tiếp cận tàng hình thế hệ mới này có thể bao gồm thiết kế khí động học tiên tiến, lớp phủ đặc biệt và thậm chí là bề mặt có khả năng quản lý điện từ chủ động.
F-47 sẽ là thiết kế thế hệ thứ sáu kết hợp khí động học tàng hình với hệ thống phát hiện mối đe dọa tiên tiến và hệ thống vũ khí chính xác. (Ảnh: Boeing)
Tập trung thuần túy vào ưu thế trên không
F-47 không phải là tiêm kích đa nhiệm, mà là một nền tảng chuyên về giành ưu thế trên không, với khả năng xâm nhập không phận địch, hoạt động bên trong đó và rút ra mà không bị phát hiện. Về mặt này, nó tiếp nối triết lý của F-22, nhưng tích hợp thêm hai thập kỷ tiến bộ công nghệ trong cảm biến, trí tuệ nhân tạo tích hợp và khả năng kết nối theo mạng. F-47 sẽ hoạt động trong một hệ thống chỉ huy - kiểm soát phân tán (C2), tương tác với vệ tinh, cảm biến, cũng như các nền tảng có người lái và không người lái.
Số lượng sản xuất và thời gian triển khai
Theo kế hoạch hiện tại của Không quân Mỹ, sẽ có 185 chiếc F-47 được sản xuất -tương đương với số lượng ban đầu của F-22A, cho thấy đây là một chiến lược thay thế trực tiếp. Lịch trình phát triển đặt mục tiêu bắt đầu đưa vào hoạt động trong giai đoạn 2025–2029. Tuy nhiên, theo các quan chức được trang The War Zone dẫn lời, F-47 dự kiến sẽ bay thử lần đầu trong nhiệm kỳ chính quyền hiện tại, tức là trước cuối năm 2028. Việc đưa vào biên chế hoàn toàn có thể kéo dài sang thập kỷ tới, tùy thuộc kết quả thử nghiệm bay và giai đoạn tích hợp.
Hợp tác với máy bay không người lái thông minh
F-47 được thiết kế để hoạt động chặt chẽ với các máy bay chiến đấu không người lái CCA - một loại phương tiện chiến đấu mới. Các phiên bản đầu tiên, mang tên YQF-42A và YQF-44A, sẽ thực hiện các nhiệm vụ như trinh sát, tác chiến điện tử, hộ tống hoặc tấn công chính xác, với mức độ tự động hóa một phần hoặc điều khiển từ xa.
Tầm bay dự kiến của các drone này khoảng 1.300 km - thấp hơn so với F-47 - nên có thể không theo kịp chiến đấu cơ trong toàn bộ nhiệm vụ. Tuy vậy, chương trình CCA được thiết kế theo nhiều giai đoạn, với kế hoạch sản xuất hơn 1.000 chiếc, và các phiên bản sau sẽ được cải thiện về tầm hoạt động, hiệu năng và khả năng tàng hình.
Những drone này sẽ đóng vai trò là "đồng đội thông minh trên không", có khả năng phối hợp tấn công, hấp thụ đợt hỏa lực đầu tiên từ đối phương, hoặc làm nhiễu hệ thống phòng không điện tử. Dù các phiên bản đầu sẽ vẫn bay dưới tốc độ âm thanh và khả năng tàng hình hạn chế ở hướng trước, các thiết kế sau sẽ có thể mang dáng dấp tấn công hơn, tùy theo đánh giá mối đe dọa và phản hồi thực tế từ chiến trường.
Với F-47, Không quân Mỹ đặt mục tiêu thiết lập chuẩn mực mới về tàng hình, tốc độ và tầm hoạt động. Được tích hợp trong mạng lưới chiến đấu theo mô hình mạng trung tâm, cùng đội hình máy bay không người lái có thể mở rộng, nền tảng này được thiết kế để đối phó với các đối thủ có hệ thống phòng không ngày càng tiên tiến. Mục tiêu cốt lõi rất rõ ràng: duy trì ưu thế trên không trong những môi trường bị tranh chấp dữ dội nhất của thế kỷ 21.
Thế Hải (Theo Armyrecognition)