FDI công nghệ 'nín thở' chờ đàm phán: Việt Nam trước bước ngoặt chuỗi cung ứng toàn cầu

FDI công nghệ 'nín thở' chờ đàm phán: Việt Nam trước bước ngoặt chuỗi cung ứng toàn cầu
2 ngày trướcBài gốc
Mới đây, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump tuyên bố hoãn áp thuế đối ứng với hơn 75 đối tác thương mại trong 90 ngày, áp dụng mức thuế 10% trong khoảng thời gian này.
Việt Nam là một trong những quốc gia đầu tiên chủ động trong trao đổi, đối thoại và đàm phán với Hoa Kỳ. Mới đây, trong chuyến công tác đặc biệt tại Hoa Kỳ, đoàn công tác do Phó Thủ tướng Chính phủ Hồ Đức Phớc, Đặc phái viên của Tổng Bí thư Tô Lâm, đã đi đến thống nhất với chính quyền Hoa Kỳ về việc sẽ tiến hành đàm phán một thỏa thuận thương mại song phương giữa hai quốc gia. Đặc biệt, hai bên đã chính thức đồng ý sẽ đàm phán nội dung về thuế quan, trụ cột quan trọng nhất của thỏa thuận này.
Tuy có nhiều tín hiệu lạc quan, nhưng bối cảnh bất định vẫn khiến không ít doanh nghiệp quan ngại, nhất là các doanh nghiệp công nghệ.
"Ngóng" kết quả đàm phán
Những rủi ro đứt gãy chuỗi cung ứng, sự dịch chuyển đầu tư quốc tế cho thấy nguy cơ suy giảm vai trò của Việt Nam trong bản đồ công nghệ toàn cầu.
Tại buổi họp với Bộ Khoa học và Công nghệ diễn ra hôm 10/4, nhiều doanh nghiệp FDI trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ số cho biết đang theo dõi, hy vọng Việt Nam có kết quả đàm phán tốt nhất với Hoa Kỳ.
Ông Na Ki Hong, Tổng giám đốc Samsung Việt Nam, cho biết Việt Nam là "cứ điểm" quan trọng trong hoạt động sản xuất điện tử toàn cầu. Việt Nam đang sản xuất đa số sản phẩm sang Mỹ của Samsung với quy mô lớn, tương đương 20% tổng kim ngạch xuất khẩu.
"Đối với điện thoại thông minh, một phần đáng kể sản phẩm xuất sang Mỹ được sản xuất ở Việt Nam", ông Na Ki Hong thông tin.
Theo đại diện Samsung, nhiều doanh nghiệp khác có thể chọn mở rộng sang thị trường mới hoặc đa dạng hóa thị trường do vấn đề thuế quan. Riêng Samsung đang vận hành hệ thống sản xuất và kinh doanh trên toàn cầu, nên gần như không có phương án thay thế khả thi.
Đại diện BYD Việt Nam cũng thừa nhận khó khăn, nhận xét mức thuế đối ứng 46% sẽ tác động tới các đơn hàng tại Mỹ. Ông Jake Quin, đại diện Goertech thì cho biết doanh nghiệp vẫn đang sản xuất bình thường và "hy vọng Việt Nam có kết quả đàm phán tốt nhất với Hoa Kỳ". Tương tự, ông CK Seo, đại diện Amkor chia sẻ, việc sản xuất hiện chưa bị ảnh hưởng, nhưng mong Việt Nam sớm làm việc với Hoa Kỳ về chính sách thuế.
Trong bài nhận định mới đây, TS Sam Goundar, Giảng viên cấp cao ngành Công nghệ thông tin, Đại học RMIT Việt Nam cho biết, Việt Nam giữ vai trò đặc biệt trong khu vực với thế mạnh là điểm lắp ráp cuối của các sản phẩm điện tử cao cấp. Các “ông lớn” không chỉ tận dụng nguồn lao động chất lượng của Việt Nam mà còn đánh giá cao môi trường xuất khẩu ít rủi ro. Do đó, chính sách thuế mới từ Hoa Kỳ đang thách thức trực tiếp mô hình này.
TS Sam Goundar cho cho rằng, mức thuế 46% của Hoa Kỳ nếu được áp dụng sẽ đe dọa khả năng cạnh tranh của các sản phẩm bán dẫn Việt Nam tại thị trường xuất khẩu lớn nhất này. Theo Statista, Việt Nam đang từng bước khẳng định vị thế trong chuỗi cung ứng bán dẫn toàn cầu, với đà phát triển nhanh chóng, doanh thu dự kiến sẽ đạt 21,45 tỷ USD vào năm 2025.
“Liệu ngành công nghệ đang phát triển mạnh mẽ của Việt Nam có thể chống chọi được cú sốc thuế quan chưa từng có này, hay hậu quả sẽ sâu rộng và kéo dài hơn nhiều so với dự đoán?”, chuyên gia này đặt câu hỏi.
Cơ hội xuất hiện sau thách thức
“Động thái trên buộc các doanh nghiệp sản xuất chất bán dẫn tại Việt Nam phải cân nhắc lại chiến lược vận hành và xuất khẩu. Luxshare, nhà cung cấp linh kiện cho Apple, đang xem xét việc chuyển một phần sản xuất sang các quốc gia khác, bao gồm cả Hoa Kỳ, để giảm thiểu tác động từ thuế quan”, theo TS Sam Goundar, và nếu xu hướng này lan rộng, Việt Nam có nguy cơ bị loại khỏi bản đồ chuỗi cung ứng toàn cầu của Apple.
Quan trọng hơn, việc bị áp thuế cao tạo ra môi trường đầu tư thiếu ổn định, làm suy giảm sức hút trong mắt các nhà đầu tư nước ngoài.
“Việt Nam đang chuyển mình từ vai trò lắp ráp cơ bản sang sản xuất linh kiện công nghệ cao, đòi hỏi độ chính xác lớn như chip bán dẫn, cảm biến và phần cứng AI – những lĩnh vực phụ thuộc đáng kể vào đầu tư nước ngoài để phát triển cơ sở hạ tầng công nghệ cao. Cánh cửa cho bước nhảy vọt này có nguy cơ khép lại nếu niềm tin của nhà đầu tư không được duy trì”, chuyên gia phân tích.
Chưa kể, trong khi các tập đoàn toàn cầu có thể chuyển hướng sản xuất hoặc chịu đựng thua lỗ ngắn hạn thì các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong nước, vốn đảm nhận vai trò sản xuất linh kiện hoặc gia công, sẽ khó trụ vững.
Theo ông Sam Goundar, sự phụ thuộc quá lớn vào thị trường Hoa Kỳ đã trở thành một điểm yếu chiến lược. Các doanh nghiệp công nghệ Việt Nam cần chủ động mở rộng hợp tác với EU, Ấn Độ, Nhật Bản và ASEAN – nơi nhu cầu về điện tử và bán dẫn đang gia tăng trong bối cảnh thương mại ổn định hơn.
Song song với đó, doanh nghiệp cần tăng cường minh bạch chuỗi cung ứng thông qua truy xuất nguồn gốc, công nghệ blockchain và tìm kiếm nguồn cung nội địa. Đây không chỉ là biện pháp ứng phó với các rào cản thuế quan, mà còn là chiến lược dài hạn để nâng tầm thương hiệu "Made in Vietnam".
Các công ty có thể vượt qua cú sốc nếu biết tối ưu chi phí vận hành bằng cách áp dụng tự động hóa, trí tuệ nhân tạo và phân tích dữ liệu dự đoán để tinh gọn sản xuất, giảm lãng phí và duy trì lợi nhuận mà không phải cắt giảm nhân sự.
Ở cấp độ quốc gia, để chuyển mình từ một trung tâm lắp ráp chi phí thấp sang một quốc gia sáng tạo công nghệ, vươn lên trong chuỗi giá trị toàn cầu, cần tiếp tục thu hút vốn đầu tư cho nghiên cứu và phát triển (R&D), xây dựng hệ thống phòng sạch, và mở rộng năng lực sản xuất chip trí tuệ nhân tạo.
Như ông Na Ki Hong chia sẻ, cuộc khủng hoảng thuế quan lần này là một cú sốc lớn đối với Samsung, nhưng cũng là cơ hội để khẳng định mối quan hệ đối tác thực sự giữa Samsung và Việt Nam.
Nhìn rộng ra, đây có thể là cơ hội cho cả doanh nghiệp và ngành công nghệ Việt Nam.
Đỗ Kiều
Nguồn Vnbusiness : https://vnbusiness.vn//viet-nam/fdi-cong-nghe-nin-tho-cho-dam-phan-viet-nam-truoc-buoc-ngoat-chuoi-cung-ung-toan-cau-1106074.html