Friedrich Merz, nhà lãnh đạo mà nước Đức đang tìm kiếm

Friedrich Merz, nhà lãnh đạo mà nước Đức đang tìm kiếm
2 ngày trướcBài gốc
Ông Friedrich Merz được đề cử làm Thủ tướng
Kể từ khi giành chiến thắng trong cuộc bầu cử Quốc hội liên bang hồi tháng 2 năm nay, Liên minh bảo thủ của hai đảng Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo (CDU/CSU) do ông Friedrich Merz lãnh đạo chịu áp lực rất lớn về việc sớm thành lập chính phủ mới trong bối cảnh nước Đức cũng như châu Âu đang chứng kiến những biến động địa chính trị mạnh mẽ và kinh tế suy giảm nặng nề.
Ông Friedrich Merz được liên minh Dân chủ/Xã hội Cơ đốc giáo và đảng trung tả Dân chủ Xã hội đề cử làm Thủ tướng Đức.
Do chỉ giành được 28,6% số phiếu bầu nên Liên minh CDU/CSU không có đủ đa số tuyệt đối để đơn phương thành lập chính phủ. Khối bảo thủ này sẽ phải đàm phán với các đảng phái còn lại để thành lập một liên minh cầm quyền. Nhưng, với bức tranh chính trị nước Đức, khi đảng cực hữu Sự lựa chọn vì nước Đức (AfD) về nhì trong cuộc tổng tuyển cử với 20,8% số phiếu song bị các đảng khác từ chối hợp tác, cuộc đàm phán thành lập chính phủ liên minh trở thành một thách thức đáng kể đối với những người bảo thủ.
Dù vậy, ngày 9/4 vừa qua, khối bảo thủ CDU/CSU và đảng trung tả Dân chủ Xã hội Đức (SPD) đã đạt được một thỏa thuận liên minh để thành lập chính phủ mới sau nhiều tuần đàm phán và mặc cả. Tại cuộc họp báo công bố kết quả này, liên minh CDU/CSU và SPD đã thống nhất đề cử ông Friedrich Merz làm Thủ tướng Đức.
Theo Hiến pháp Đức, sau khi được các đảng liên minh thống nhất đề cử, ứng cử viên thủ tướng cần được Quốc hội Liên bang (Bundestag) bỏ phiếu thông qua trong một phiên họp đặc biệt. Phiên họp này thường diễn ra trong vòng 1-2 tuần sau khi đạt được thỏa thuận liên minh, trong trường hợp hiện tại, cuộc họp đó nhiều khả năng sẽ bắt đầu sau ngày 5/5. Nếu giành đa số phiếu tuyệt đối - điều gần như chắc chắn với cấu trúc liên minh hiện tại - ông Friedrich Merz sẽ chính thức trở thành thủ tướng thứ 10 của Đức kể từ sau Thế chiến II.
Với quy trình lập pháp như vậy, ông Merz vẫn phải chờ thêm một chút thời gian. Nhưng, theo báo chí Đức, nhà lãnh đạo 69 tuổi này nhiều khả năng sẽ tuyên thệ nhậm chức Thủ tướng Đức vào đầu tháng 5. Đó sẽ là cột mốc chấm dứt nửa năm bế tắc chính trị trên chính trường Đức sau khi liên minh bảo thủ của ông Merz không giành được đa số tuyệt đối ở cuộc tổng tuyển cử, đồng thời cũng đánh dấu việc nước Đức chào đón vị thủ tướng nhiều tuổi nhất kể từ Konrad Adenauer, người nhậm chức vào năm 1949 ở tuổi 73.
Theo báo chí Đức, liên minh cầm quyền mới cũng đã có những thỏa thuận về việc phân chia các vị trí trong nội các. Cụ thể, ngoài Văn phòng Thủ tướng thì đảng CDU của ông Friedrich Merz sẽ nắm giữ các vị trí Bộ trưởng Ngoại giao; Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng; Bộ trưởng Giáo dục; Bộ trưởng Gia đình; Bộ trưởng Y tế; Bộ trưởng Cơ sở hạ tầng và Bộ trưởng Kỹ thuật số.
Ông Friedrich Merz (giữa) và một số chính trị gia có thể gia nhập nội các tương lai của ông.
Đảng SPD sẽ đảm nhận các vị trí Bộ trưởng Tài chính; Bộ trưởng Quốc phòng; Bộ trưởng Lao động; Bộ trưởng Tư pháp và Bảo vệ người tiêu dùng; Bộ trưởng Môi trường. Trong khi đó, các ghế Bộ trưởng Nội vụ; Bộ trưởng Nông nghiệp và Bộ Trưởng Khoa học, Công nghệ & Thực phẩm sẽ thuộc về đảng Dân chủ Xã hội Cơ đốc giáo (CSU).
Hiện tại, một số ghế bộ trưởng cũng gần như đã rõ các ứng cử viên hàng đầu. Chẳng hạn như vị trí Bộ trưởng Ngoại giao sẽ là cuộc đua giữa ông Johann Wadephul, Phó Chủ tịch 62 tuổi của nhóm nghị sĩ CDU/CSU và ông Armin Laschet, 64 tuổi, cựu lãnh đạo đảng CDU, từng là ứng cử viên thủ tướng của đảng này trong cuộc tổng tuyển cử năm 2021.
Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng đương nhiệm Boris Pistorius của đảng SPD, được kỳ vọng sẽ tiếp tục tại vị. Chính trị gia 65 tuổi được yêu thích bậc nhất nước Đức cũng có thể trở thành Phó Thủ tướng nếu ông Lars Klingbeil từ chối đề cử của đảng SPD cho chức vụ này.
Kỳ vọng và thách thức
Trong phát biểu công bố thỏa thuận thành lập chính phủ liên minh, ông Friedrich Merz khẳng định đây là “một tín hiệu mạnh mẽ và rõ ràng” cho cả người dân Đức và các nước châu Âu rằng “Đức đang có một chính phủ có khả năng hành động và mạnh mẽ”.
“Châu Âu có thể tin tưởng vào Đức”, nhà lãnh đạo 69 tuổi cho biết, đồng thời hứa hẹn “một kế hoạch mạnh mẽ để đưa đất nước chúng ta trở lại vị thế hàng đầu”, thông qua những biện pháp khôi phục sức cạnh tranh kinh tế và thực hiện các cam kết quốc phòng.
Ông Merz sẽ phải giúp Đức tránh được mức thuế quan 20% do Tổng thống Mỹ Donald Trump vừa áp với quốc gia châu Âu này.
Thông điệp là như vậy song những thách thức phía trước cũng rất nhiều với chính phủ sắp được thành lập của ông Merz. Đây là thời điểm châu Âu đang đối mặt với hàng loạt biến động lớn cả về kinh tế lẫn an ninh. Cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine kéo dài từ năm 2022 đến nay tiếp tục gây chia rẽ nội bộ EU, làm gián đoạn chuỗi cung ứng năng lượng và khiến các quốc gia thành viên phải điều chỉnh chiến lược an ninh quốc phòng của mình.
Bên cạnh đó, sự trở lại của ông Donald Trump trên chính trường Mỹ cùng những quan điểm cứng rắn hơn đối với thương mại và NATO cũng khiến các nước châu Âu phải tính toán lại trong quan hệ xuyên Đại Tây Dương. Trong khi vẫn coi Mỹ là đồng minh truyền thống, nhiều quốc gia EU - bao gồm cả Đức - bắt đầu thảo luận nghiêm túc hơn về việc xây dựng năng lực tự chủ chiến lược, đặc biệt trong lĩnh vực quốc phòng và năng lượng.
Trong bối cảnh ấy, vai trò lãnh đạo của Đức - nền kinh tế lớn nhất và là một trong những trụ cột chính trị của EU - càng trở nên quan trọng. Việc CDU dưới thời ông Merz giành được quyền điều hành chính phủ được kỳ vọng sẽ mang đến một hướng đi mới, rõ ràng hơn cho Đức trong việc thúc đẩy sự đoàn kết nội khối và định hình phản ứng tập thể của EU đối với các khủng hoảng quốc tế.
Bản thân ông Merz cũng sẽ phải đối mặt với nhiều áp lực trong nước khi nền kinh tế Đức đang đối diện với nguy cơ suy thoái kỹ thuật do giá năng lượng tăng cao và sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Chính phủ mới sẽ phải đưa ra những chính sách kinh tế linh hoạt, vừa đảm bảo ổn định vĩ mô, vừa thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và phát triển xanh.
Một trong những vấn đề nóng bỏng khác là nhập cư và hội nhập xã hội. Đức là quốc gia tiếp nhận nhiều người nhập cư trong thập kỷ qua, đây vừa là cơ hội, vừa là thách thức đối với thị trường lao động và hệ thống an sinh. Ông Merz - người từng kêu gọi kiểm soát nhập cư chặt chẽ hơn - sẽ phải tìm ra điểm cân bằng hợp lý giữa bảo vệ biên giới và duy trì tính cởi mở vốn có của nước Đức hiện đại.
Trong khi đó, việc giữ gìn tính bền vững của liên minh cầm quyền cũng là một bài toán không dễ. Sự đa dạng về quan điểm trong liên minh trung dung đòi hỏi sự khéo léo về mặt chính trị - điều mà một tượng đài của đảng CDU, cựu Thủ tướng Angela Merkel từng thể hiện xuất sắc trong suốt 16 năm cầm quyền trước đây.
Những “nước cờ” đầu tiên
Trở lại chính trường sau nhiều năm vắng bóng, ông Merz là một nhân vật quen thuộc nhưng cũng gây nhiều tranh luận trong nội bộ CDU. Nếu như người tiền nhiệm của ông, bà Angela Merkel, được biết đến với hình ảnh ôn hòa và có phần thận trọng trong chính sách đối ngoại, thì ông Merz lại nổi bật với phong cách quyết đoán, định hướng thị trường tự do và có xu hướng tăng cường vai trò của Đức trên trường quốc tế.
Nếu trở thành Thủ tướng Đức, ông Merz có thể triển khai gói 1.000 tỷ euro để tăng cường năng lực cho quân đội.
Với bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực tài chính, ông Merz từng giữ nhiều vị trí quan trọng trong khối tư nhân trước khi quay lại chính trường và trở thành Chủ tịch CDU vào năm 2022. Sự trỗi dậy của ông phản ánh một xu hướng đang định hình lại chính trị Đức: khát vọng tìm kiếm một nhà lãnh đạo mạnh mẽ hơn, trong bối cảnh các đảng truyền thống bị thách thức bởi những lực lượng chính trị mới, cả từ phía cánh hữu lẫn cánh tả.
Để giải quyết những thách thức trước mắt, ông Merz cho biết chính phủ của ông sẽ giảm thuế cho các doanh nghiệp và một số hộ gia đình, giúp các công ty khôi phục khả năng cạnh tranh. Đáp lại những yêu cầu thường xuyên từ phía cánh hữu, ông Merz tuyên bố Đức sẽ khiến những người di cư hợp pháp tại nước này khó có thể xin quốc tịch Đức hơn và sẽ cắt giảm 8% biên chế của chính phủ liên bang.
Liên minh cầm quyền cũng có những thỏa thuận ban đầu về việc triển khai gói chi tiêu cho cơ sở hạ tầng và quốc phòng trị giá khoảng 1.000 tỷ euro để tăng cường năng lực cho quân đội Đức và đưa nền kinh tế lớn nhất châu Âu thoát khỏi cuộc suy thoái kéo dài 2 năm.
Quyết định đó đã phá vỡ truyền thống kiềm chế tài chính lâu đời của Đức và nhận được sự hoan nghênh trên khắp châu Âu. Sau khi chính phủ tương lai công bố kế hoạch chi tiêu, các nhà kinh tế dự đoán rằng Đức có thể quay trở lại tăng trưởng tích cực sớm nhất là vào năm nay. Các cuộc khảo sát về tâm lý kinh doanh đã được cải thiện gần đây cho thấy nền kinh tế đang gặp khó khăn này có thể đang chuyển hướng.
Tất nhiên, nhiệm vụ của ông Merz cũng sẽ trở nên phức tạp hơn do cuộc chiến thương mại toàn cầu căng thẳng sau quyết định áp thuế quan với hàng chục quốc gia của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Với việc EU phải đối mặt với mức thuế 20% trong khi Mỹ là thị trường nước ngoài lớn nhất của Đức vào năm ngoái, các bước đi tiếp theo sẽ là những bài toán khó với ông Merz.
Nhưng, tốc độ đàm phán thành lập chính phủ - chỉ 6 tuần, ngắn hơn rất nhiều so với truyền thống chậm chạp của những thỏa thuận liên minh trước đây tại Đức - cũng như cam kết về một nội các hành động mạnh mẽ của ông Merz cho thấy nước Đức có thể đặt kỳ vọng lớn vào nhà lãnh đạo 69 tuổi này.
Quang Anh
Nguồn ANTG : https://antg.cand.com.vn/hau-truong/friedrich-merz-nha-lanh-dao-ma-nuoc-duc-dang-tim-kiem-i765422/