Theo tuyên bố do Bộ Tài chính Canada công bố ngày 28/6, hệ thống "đồng hành" được G7 thống nhất sẽ miễn trừ hoàn toàn các doanh nghiệp Mỹ khỏi Quy tắc gộp thu nhập (IIR) và Quy tắc thanh toán thuế thiếu (UTPR), với điều kiện các doanh nghiệp này đang tuân thủ quy định thuế tối thiểu nội địa của Mỹ. Thỏa thuận được kỳ vọng sẽ đem lại sự ổn định cho hệ thống thuế quốc tế vốn đang đối mặt với nhiều áp lực và cạnh tranh về chính sách.
Thỏa thuận là kết quả của nhiều tháng đàm phán giữa chính quyền Tổng thống Donald Trump và các đối tác trong G7, trong bối cảnh Mỹ phản đối việc áp dụng những chính sách thuế mà Washington cho là mang tính phân biệt đối xử.
Đáng chú ý, để thúc đẩy đồng thuận, chính quyền Mỹ đã đồng ý rút lại sự ủng hộ với đề xuất "thuế đối ứng" đang được Quốc hội xem xét, một loại thuế nhằm đáp trả các nỗ lực quốc tế tăng đánh thuế doanh nghiệp Mỹ.
Việc đạt được sự nhất trí này được đánh giá là bước đi quan trọng nhằm xoa dịu lo ngại trong giới doanh nghiệp toàn cầu về nguy cơ bùng nổ cuộc chiến thuế mới.
Tuy nhiên, để đạt được hiệu lực toàn diện, thỏa thuận vẫn cần được mở rộng sang G20 và các quốc gia đã ký kết hiệp định thuế tối thiểu toàn cầu năm 2021, sáng kiến từng được chính quyền Tổng thống Joe Biden thúc đẩy nhưng bị chính quyền Tổng thống Trump và các nghị sĩ Cộng hòa phản đối.
Trong khi đó, nhiều quốc gia khác vẫn đang tiếp tục thực thi kế hoạch đánh thuế tối thiểu 15% đối với doanh nghiệp toàn cầu, nhằm ngăn chặn việc chuyển lợi nhuận sang các "thiên đường thuế".
Các chuyên gia cho rằng quy định này sẽ giúp chấm dứt “cuộc đua xuống đáy” trong chính sách thuế doanh nghiệp, bảo đảm nguồn thu ổn định cho các chính phủ.
Dẫu vậy, những bất đồng còn tồn tại xung quanh việc áp dụng "thuế đối ứng" nếu không được kiểm soát có thể tái kích hoạt làn sóng áp thuế trả đũa, đe dọa sự phục hồi mong manh của chuỗi cung ứng toàn cầu và thương mại quốc tế hậu đại dịch.
Quang Chiến