Gã 'lập dị' trong thế giới kiến trúc, tạo ra những 'ngôi nhà chữa lành'

Gã 'lập dị' trong thế giới kiến trúc, tạo ra những 'ngôi nhà chữa lành'
2 giờ trướcBài gốc
Cách đây 5 năm, một cặp vợ chồng có hai con nhỏ ở Đồng Nai lâm vào khủng hoảng hôn nhân, tưởng chừng không thể cứu vãn. Nhưng sau khi chuyển vào ngôi nhà do kiến trúc sư Nguyễn Kava thiết kế, mối quan hệ giữa họ dần cải thiện, không khí gia đình trở nên ấm cúng hơn.
Câu chuyện ấy càng củng cố niềm tin của anh vào triết lý: không gian sống có thể chữa lành. VietNamNet đã có cuộc trò chuyện với Nguyễn Kava - vị kiến trúc sư sinh năm 1984, trong văn phòng nhỏ tại TPHCM. Anh chia sẻ những điều mà thoạt nghe, ai cũng thấy lạ lẫm và vô lý.
'Nhét' thiên nhiên vào khối bê tông
- Anh thiết kế một ngôi nhà chữa lành bằng cách nào?
Kiến trúc sư Nguyễn Kava: Tôi áp dụng triết lý vô ngã vào kiến trúc. Vô ngã nghĩa là không có bản ngã nào được phép áp đặt lên thiết kế. Tôi mất 3 năm nghe, đọc kinh Phật để giác ngộ về kiến trúc và quyết định đi theo triết lý này.
Có thể hiểu rằng, cả chủ nhà và kiến trúc sư đều có cái tôi cũng như bản ngã riêng. Sự xung đột quan điểm kiến trúc, thẩm mỹ giữa hai bên sẽ khiến công việc vốn rất sáng tạo này trở nên mệt mỏi. Sự ức chế dễ khiến kiến trúc sư bỏ nghề.
Thực tế, nhiều bạn của tôi đã chuyển sang làm thi công hoặc môi giới bất động sản do không chịu được áp lực và khó đối diện với bản ngã của khách hàng. Hoặc, họ chọn phương án tuân phục và làm y chang ý gia chủ cho xong bản vẽ thiết kế.
Kiến trúc sư Nguyễn Kava. Ảnh: NVCC
Khi nhận ra sự mâu thuẫn trên, tôi quyết định từ bỏ cái tôi của mình và đặt kiến trúc lên hàng đầu. Giải pháp kiến trúc phải hợp thời chứ không lấy bản ngã riêng của mình để giới thiệu cho khách. Còn ý tưởng thiết kế phải dựa trên nhu cầu người ở. Công trình có tính thẩm mỹ và công năng sử dụng hợp lý sẽ tự cất tiếng nói thuyết phục gia chủ.
Như vậy, khi đặt giá trị kiến trúc vượt lên trên các bản ngã khác, quá trình làm việc sẽ dễ hơn. Triết lý vô ngã cũng khiến mỗi công trình có sự thú vị riêng. Chẳng có ngôi nhà nào nổi bật nhất cả.
Ngoài ra, cũng cần phải nói là tôi quan sát bối cảnh xã hội đương đại và thấy có quá nhiều sự căng thẳng. Công việc áp lực, không gian công cộng bị thu hẹp, ô nhiễm không khí và tiếng ồn. Tất cả những yếu tố đó khiến con người quên đi sự thư giãn trong ngôi nhà là cần thiết. Nhiều người cứ về nhà là thấy bí bách, họ lại ra quán cà phê hoặc quán nhậu gặp bạn bè cho khuây khỏa. Như vậy, ngôi nhà chưa làm đúng nhiệm vụ của công trình kiến trúc.
Nhà không phải chỉ là nơi để ngủ, là nơi che mưa, nắng. Ngôi nhà còn có nhiệm vụ giải tỏa căng thẳng, hồi phục sức khỏe và trở thành nơi kết nối các thành viên gia đình. Do đó, tôi ưu tiên đưa vào ánh sáng, khoảng không, cây xanh vào trong nhà nhằm giúp con người bớt cảm giác bí bách, căng thẳng vốn có trong cuộc sống.
Nhà mẹ tạp dề (Đồng Nai). Ảnh: NVCC
- Dù đặt kiến trúc lên hàng đầu nhưng anh vẫn phải bảo vệ ý tưởng thiết kế trước gia chủ?
Đó là điều tất nhiên. Trong quá trình thi công, 101 điều có thể xảy ra. Nhà đang xây nửa chừng thì hàng xóm qua góp ý này kia, chủ nhà động lòng và muốn sửa lại; đơn vị thi công ngại xử lý các chi tiết khó; hay đơn vị làm nội thất luôn muốn tăng chi phí bằng cách tạo thêm đồ vật.
Dẫu vậy, kiến trúc sư phải bảo vệ chính kiến của mình, rồi tìm giải pháp để xử lý các vấn đề và luôn nhớ rằng giá trị của ngôi nhà phải được đặt lên cao nhất.
Công trình ở Đồng Nai là một ví dụ. Bên thi công nội thất đóng thêm tủ bếp treo cho gia đình nhưng trong thiết kế của tôi không có. Sự hiện diện đó làm mất tính thẩm mỹ không gian. Tôi phải dành nguyên một tuần chỉ để thuyết phục chủ nhà hạ tủ bếp xuống. Nhưng gỡ tủ xuống và bỏ đi sẽ rất lãng phí. Lúc đó, tôi nghĩ ra việc đóng thêm 2 cặp chân, tạo thành cái tab để bên hông bếp mà vẫn hợp lý. Cuối cùng, chủ nhà chấp nhận phương án đó.
Để làm được những điều trên, ngay khi tiếp nhận đề nghị thiết kế, tôi hỏi rất kỹ khách hàng xem họ đã hiểu về kiến trúc chưa. Tôi thiết kế nhà dựa theo nhu cầu thực sự của gia chủ chứ không chạy theo trào lưu. Sáng tạo là điều kiến trúc sư được đào tạo và phải thực hành. Do đó, dự án cần tìm được niềm cảm hứng từ nhiều nguồn khác nhau, từ gia chủ chẳng hạn. Mỗi chủ nhà có vẻ đẹp, sự thú vị riêng. Điều đó bắt buộc kiến trúc sư phải mở lòng để tìm hiểu, lắng nghe, quan sát kỹ họ.
Một ngôi nhà tại Phú Yên (cũ). Ảnh: NVCC
Kiến trúc sư nổi tiếng Frank Lloyd Wright từng dành thời gian ở trọ cạnh chủ nhà 1 tháng hoặc xin vào nhà, sống chung với gia chủ vài ngày để hiểu tập quán sinh hoạt nhằm thiết kế đúng. Kiến trúc sư phải biết gia chủ đi, đứng, ngồi, nằm như thế nào, hiểu dây chuyền sinh học hàng ngày của họ chứ không thể đưa chuẩn của mình vào thiết kế. Đơn cử, trong nhà có người di chuyển khó khăn thì cầu thang phải làm giảm bớt cốt cao độ, khoảng cách giữa các bậc bước cũng cần điều chỉnh.
Thậm chí, nhiều chủ nhà không dám nói họ hết tiền nhưng mình phải biết được điều đó. Nếu để họ làm xong nhà mà phải đi mượn nợ thì quá tội. Rơi vào tình cảnh đó, kiến trúc sư nên chọn vật liệu khác, rẻ hơn nhưng vẫn đẹp để thay thế. Hoặc thay vì vẽ 10 nét để xong, kiến trúc sư hãy cố vẽ xuống còn 5 nét, thậm chí 3 nét nhưng vẫn đẹp, để tiết kiệm tiền cho gia chủ. Bớt nét vẽ sẽ bớt sức lao động, bớt giấy in, bớt đi tài nguyên cần sử dụng.
Bên cạnh những yếu tố trên, ngay cả các quy định pháp lý của thửa đất, những khoảng lùi cũng có thể biến thành cơ hội giúp kiến trúc sư phát triển ý tưởng.
Chọn sống khổ hạnh
- Anh đang quá khó tính khi chọn thiết kế một công trình?
Tôi không khó tính. Tôi kỹ tính. Đó là lý do tôi chỉ cho phép văn phòng nhận làm dưới 10 dự án mỗi năm để có thời gian cảm xúc không gian và sướng với từng công trình. Nếu nhận nhiều dự án, mở rộng văn phòng, đồng nghĩa công việc chính của tôi là đi gặp khách và ký hợp đồng. Đây là công việc quản lý chứ không phải nghề kiến trúc sư.
Ánh sáng, gió và khoảng xanh luôn xuất hiện trong các thiết kế của Nguyễn Kava. Ảnh: NVCC
Về phong cách làm việc, tôi khác mọi người bởi tôi không muốn giao lưu nhiều. Thời điểm khởi nghiệp, tôi ngưng tất cả mối quan hệ, không tham gia các bữa tiệc. Tôi không quan tâm lời người đời trách móc, bởi tôi xây dựng sự phát triển trong nghề theo đúng quy luật.
Thành tựu công việc không dựa trên mối quan hệ. Vì quá lo lắng nên con người mới sợ mất đi các mối quan hệ, khiến họ sẽ không thể nhờ vả về sau. Nhưng tôi không cần những mối quan hệ kiểu đó. Mình có khả năng cung cấp dịch vụ, khách hàng sẽ tìm đến.
Tôi cũng chiêm nghiệm ra, khi hưởng thụ quá nhiều, mình không sáng tác tốt được. Không ai bóng bẩy, thích ăn nhậu mà làm trong lĩnh vực này cả. Nghề kiến trúc sư phải khổ, khổ mới sáng tác được. Chính giai đoạn khó khăn mới là thời khắc con người có thể sáng tạo nhất. Do vậy, tôi cố gắng giữ nếp sống đó, đôi khi hơi khổ hạnh.
- Khi chủ động làm ít các công trình, anh không muốn kiếm nhiều tiền hơn à?
Hạnh phúc không đồng nghĩa với nhiều tiền. Làm được những công trình có thể chữa lành cảm xúc chẳng phải tốt hơn sao?
Hồi bé, khi thấy người trong gia đình phải làm việc cực khổ, tôi chỉ muốn lớn lên kiếm nhiều tiền để thoát nghèo. Nhưng khi đi làm, tiếp xúc với nhiều người giàu, thậm chí cực giàu, tôi thấy họ không sướng. Họ vẫn phải làm việc cật lực và thường xuyên cãi lộn. Dù có diện mạo sạch sẽ, ít lam lũ nhưng họ vẫn khổ như những người ở quê. Do đó, kiếm tiền để giảm đau khổ trong cuộc sống không phải là con đường của tôi. Kiếm tiền đủ sống từ công việc, không phụ thuộc vào tiền, đối với tôi là đủ.
Để tìm ra con đường sống thuần túy được với nghề, 10 năm qua, tôi đã áp dụng triết lý vô ngã vào thiết kế. Khi đi hết phần vô ngã, rồi sẽ tới giai đoạn tôi chỉ muốn làm 1-2 công trình mỗi năm, tôi cần dành thời gian trao truyền lại kinh nghiệm cho lứa kiến trúc sư trẻ. Khi hết làm kiến trúc sư, có thể tôi sẽ trở thành một thiền sư.
Trần Chung
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/ga-lap-di-trong-the-gioi-kien-truc-tao-ra-nhung-ngoi-nha-chua-lanh-2418537.html