Đặng Thế Quỳnh Anh (34 tuổi, ngụ phường Tân An, TP Cần Thơ) là con út trong gia đình có 7 người con. Quỳnh Anh từng tốt nghiệp ngành kinh tế nông nghiệp, Trường Đại học Cần Thơ.
Ra trường, Quỳnh Anh làm cho các công ty ở TPHCM, TP Cần Thơ, với mức thu nhập khá ổn định. Sau khi lập gia đình, ở nhà chăm con mới sinh, Quỳnh Anh suy nghĩ không thể cứ mãi "ngồi yên chồng nuôi". Chị bắt đầu tìm công việc phù hợp vừa chăm sóc gia đình, vừa tạo ra thu nhập san sẻ gánh nặng cho chồng.
“Năm 2022, tôi đọc báo đài thấy món ốc gác bếp trở thành đặc sản, có mặt trong các bàn tiệc sang trọng, nên nói với chồng về món này. Khi đó, chồng tôi nói món này anh làm được. Anh ấy kể, ngày nhỏ cha mẹ ở Cờ Đỏ thường bắt một túi to về để gác trên bếp, chế biến ăn dần và đãi bạn bè", Quỳnh Anh nhớ lại.
Quỳnh Anh gác bằng đại học để khởi nghiệp với ốc gác bếp. Ảnh: H.T
Quỳnh Anh kể, tận dụng khoảng trống trên sân thượng, chị xây "phòng ngủ" cho ốc lác với diện tích hơn 10m2.
Bên trong phòng, Quỳnh Anh đặt ốc vào từng khay nhựa xếp chồng lên nhau để tiết kiệm diện tích. Bên cạnh đó, cô gái Cần Thơ còn thiết kế kệ sắt đặt ốc sau khi đã ru ngủ. Ốc "ru ngủ" thành công được đưa ra kệ sắt đặt ở tầng thượng để ốc tiếp tục chuyển hóa năng lượng. Đến khoảng 2 - 3 tháng có thể xuất bán.
"Ban đầu vợ chồng tôi trích một phần lương mua khoảng 10kg ốc lác về sản xuất thử. Qua một thời gian, tôi kiểm tra ốc thấy chúng còn sống, thịt trắng, vỏ mỏng.
Sản phẩm đầu tay, tôi biếu tặng người quen, bạn bè để giới thiệu. Sau đó bán ở hội chợ, chào hàng các khu du lịch, nhà hàng...”, Quỳnh Anh nhớ lại và cho biết, qua từng mẻ ốc chị rút ra được nhiều kinh nghiệm, từ đó dần hoàn thiện quy trình chế biến.
Ốc gác bếp là ốc lác tự nhiên 100%. Ảnh: H.T
Quyết tâm khởi nghiệp, Quỳnh Anh xin nghỉ việc ở công ty, dành thời gian để tìm tòi, nghiên cứu ốc lác gác bếp. Năm 2023, chị mở cơ sở sản xuất ốc gác bếp.
Để có nguồn nguyên liệu đạt chuẩn, Quỳnh Anh không ngại vượt hàng trăm cây số đến các tỉnh đầu nguồn An Giang, Đồng Tháp để chọn mua ốc tự nhiên.
Chị chia sẻ, ốc lác khi mua phải được tuyển lựa rất kỹ để loại bỏ những con bị bể vỏ, kích thước nhỏ.
Ốc sau khi mua về được ngâm trong nước sạch từ 6-8 tiếng để chúng nhả chất dơ. Sau đó, ốc được đưa vào phòng “ru ngủ”, đặt trong rổ nhựa phía dưới có lót lớp rơm dày, từ 1 tuần đến 1 tháng ốc sẽ tự động “ngủ đông”. Lúc này, chị sẽ chuyển ốc sang đặt ở kệ sắt trong phòng mát cho ốc chuyển hóa năng lượng.
Trong quá trình ngủ, ốc vẫn sống, nhưng không hoạt động, không ăn, mà giữ được độ tươi trong thời gian dài. Ốc khi ngủ phải duy trì nhiệt độ khô ráo, thông thoáng giống ngoài tự nhiên khoảng 2-3 tháng để sản phẩm đạt chất lượng theo yêu cầu.
"Tập tính của ốc trong tự nhiên là khi ăn no, thời tiết khô hạn chúng chui rúc trong sình lầy ở độ sâu từ 0,8-1m để ngủ. Ở dưới sình bùn nhiệt độ ổn định nên khi mô phỏng môi trường tự nhiên phải đảm bảo nhiệt độ, độ ẩm, độ khô y như vậy thì ốc sẽ ngủ", cô út Cần Thơ chia sẻ.
Phòng “ru ngủ” ốc trên tầng thượng của gia đình Quỳnh Anh ở trung tâm Cần Thơ. Cô thường xuyên kiểm tra ốc để loại bỏ những con chết. Ảnh: H.T
Quỳnh Anh đầu tư thiết kế bao bì bắt mắt như giỏ tre, hộp giấy. Nhờ chất lượng ổn định, sản phẩm của chị nhanh chóng có mặt tại hầu hết nhà hàng, quán ăn, khu du lịch ở Cần Thơ... Ảnh: H.T
Vẫn theo Quỳnh Anh, trong thời gian ốc ngủ, cần kiểm tra để loại bỏ con chết. Ốc ngủ càng lâu, thịt càng trắng, vỏ mỏng và béo tròn hơn - đây là yếu tố làm nên chất lượng đặc trưng cho ốc gác bếp.
"Khi ốc ngủ trong nhiều tháng, phần dinh dưỡng từ đuôi ốc chuyển thành năng lượng để nuôi chúng sống trong thời gian "ngủ" triền miên. Phương pháp này giúp thịt ốc sạch, loại bỏ bùn dơ, tạp chất”, chị Quỳnh Anh nói.
Để xây dựng thương hiệu cho món ốc gác bếp, Quỳnh Anh dùng các vật dụng thân thiện với môi trường như giỏ tre, rơm.
Hiện mỗi năm, chị Quỳnh Anh bán ra thị trường khoảng 3-4 tấn ốc gác bếp, với giá khoảng 220.000 đồng/kg. Sản phẩm chủ yếu bán sỉ cho nhà hàng, quán ăn, khu du lịch ở TP Cần Thơ và bán theo dạng xách tay ra một số quốc gia…
“Nhờ mô hình ốc gác bếp tôi có thu nhập ổn định, phù hợp với điều kiện của mình là vừa chăm sóc gia đình, vừa làm kinh tế, nhất là kinh doanh ở đô thị”, Quỳnh Anh chia sẻ.
Hoài Thanh