Ngày 1/4, tại Bảo tàng Chiến thắng B52 (Hà Nội), Ban giám khảo Cuộc thi tìm hiểu 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) tổ chức họp chấm thi cấp toàn quân.
Ban giám khảo thực hiện thao tác quét mã QR xem thuyết trình về tác phẩm dự thi của Binh chủng Tăng Thiết giáp đang được trưng bày tại Bảo tàng Chiến thắng B52, sáng 1/4.
Theo Ban Thanh niên Quân đội - Cơ quan thường trực cuộc thi, cuộc thi đã thu hút đông đảo cán bộ, chiến sĩ và đoàn viên thanh niên (ĐVTN) đơn vị kết nghĩa tham gia, đặc biệt có những thí sinh là du học sinh đang đào tạo tại nước ngoài.
Sau hơn hai tháng triển khai, các đơn vị đã hoàn thành việc tổ chức cuộc thi ở cấp mình. Tổng số có 966.528 bài dự thi của cán bộ, chiến sĩ, các tác giả và nhóm tác giả tham gia với đủ thể loại, đa dạng, nhiều độ tuổi khác nhau (cao nhất là 63 tuổi, nhỏ tuổi nhất là 14 tuổi). Trong đó có 2.018 bài viết tay và một số bài thi bằng video clip, ứng dụng công nghệ AI.
“Đa số các bài thi có chất lượng tốt thể hiện tình cảm tri ân sâu sắc đối với sự cống hiến, hy sinh to lớn của các thế hệ cha anh đi trước và trách nhiệm cao về cuộc thi, về hình tượng Bộ đội Cụ Hồ. Hầu hết các bài thi đều trả lời đúng, đủ nội dung câu hỏi của Ban tổ chức; nhiều bài có sự đầu tư lớn về thời gian, công sức, kinh phí cho việc sưu tầm tài liệu và phương pháp thể hiện để bài dự thi đạt chất lượng cao”, Đại tá Trần Hữu Dũng - Phó Trưởng Ban Thanh niên Quân đội cho biết.
Cuộc thi nhận được gần 1 triệu bài dự thi, với rất nhiều bài thi công phu, tâm huyết. Video: Nguyễn Minh
Ở cấp toàn quân, có 988 tác phẩm của hơn 4.000 tác giả, nhóm tác giả. Đa số các tác phẩm tham gia dự thi có chất lượng tốt thể hiện tình cảm, trách nhiệm cao về cuộc thi và niềm tin yêu với hình ảnh Bộ đội Cụ Hồ; khẳng định được vị trí, ý nghĩa, tầm vóc vĩ đại, giá trị lịch sử to lớn của Đại thắng mùa Xuân năm 1975 trong lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc và phong trào cách mạng trên thế giới.
Theo Đại tá Trần Hữu Dũng, nhiều bài thi của cán bộ, ĐVTN trong Quân đội có sự đầu tư lớn về thời gian, công sức, kinh phí cho việc sưu tầm tài liệu và cách thức, phương pháp thể hiện; nhiều tác phẩm có số lượng từ 1.000 đến 5.500 trang được viết tay hoặc in offset trên các khổ giấy giấy A2, A3, A4, thể hiện sáng tạo trên nhiều chất liệu như gỗ, đá…
Thông qua chấm sơ loại, Cơ quan thường trực đã lựa chọn 80 tác phẩm, cụm tác phẩm của gần 400 tác giả có chất lượng tốt để tiến hành chấm vòng tiếp theo và được phân loại thành 4 nhóm.
Ban giám khảo thẩm định tác phẩm dự thi ứng dụng công nghệ AI của Trung tâm 186 (Bộ Tư lệnh 86). Ảnh: Nguyễn Minh
Cụ thể, nhóm một gồm 10 cụm tác phẩm xuất sắc nhất, có tính sáng tạo và nội dung chuyên sâu; nhóm hai gồm 15 cụm tác phẩm đạt chất lượng tốt, có góc nhìn sáng tạo, độc đáo; nhóm ba gồm 25 cụm tác phẩm có nội dung tốt và đáp ứng yêu cầu cuộc thi; nhóm bốn gồm 30 cụm tác phẩm có nội dung, hình thức khá.
“Cuộc thi là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, có sức lan tỏa lớn, góp phần tuyên truyền, giáo dục, cổ vũ động viên, cán bộ, chiến sĩ toàn quân và nhân dân tiếp tục phát huy truyền thống yêu nước, tinh thần Đại thắng mùa Xuân năm 1975. Mỗi tác phẩm dự thi là sự nỗ lực, tâm huyết của các thí sinh từ khắp mọi miền Tổ quốc. Vì vậy, việc lựa chọn ra những tác phẩm xuất sắc cần phải được thực hiện với sự cẩn trọng và toàn diện”, Đại tá Trần Hữu Dũng nhấn mạnh.