Gần 194.500 người bệnh nhập viện trong 8 ngày nghỉ Tết Ất Tỵ

Gần 194.500 người bệnh nhập viện trong 8 ngày nghỉ Tết Ất Tỵ
8 giờ trướcBài gốc
Chưa ghi nhận ổ dịch truyền nhiễm, ngộ độc thực phẩm và phản ánh thiếu thuốc dịp nghỉ Tết Ất Tỵ
Báo cáo về tình hình tổ chức Tết Ất Tỵ năm 2025 của Bộ Y tế gửi Văn phòng Chính phủ cho biết, trong 8 ngày từ 25/1 - 1/2/2025 nghỉ Tết, chưa ghi nhận ổ dịch/chùm ca bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây lan trong cộng đồng.
Theo thông tin từ hệ thống trực an toàn thực phẩm (63/63 tỉnh/thành phố, 5 Viện khu vực trên toàn quốc) và cả trên phương tiện thông tin đại chúng, đến 12 giờ 00 ngày 1/2/2025 trên toàn quốc chưa ghi nhận vụ ngộ độc thực phẩm nào xảy ra.
Các cơ sở y tế đã chuẩn bị đầy đủ thuốc phục vụ khám bệnh, chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh. Đến thời điểm 12 giờ 00 ngày 1/2/2025 (Mùng 4 Tết), Bộ Y tế không nhận được phản ánh về việc thiếu thuốc, tăng giá thuốc và chất lượng thuốc phục vụ công tác khám bệnh, chữa bệnh cho nhân dân.
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan động viên người bệnh điều trị tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức trưa 25 Tết Ất Tỵ.
Về công tác khám chữa bệnh trong dịp nghỉ Tết, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết, tổng hợp tình hình khám chữa bệnh, cấp cứu tai nạn, ngộ độc từ báo cáo của các cơ sở khám chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế, các trường đại học, 63 Sở Y tế các tỉnh, thành phố và Y tế ngành trên toàn quốc trong 24 giờ qua (từ 31/1/-1/2/2025) và tổng hợp sơ bộ 8 ngày nghỉ Tết cho thấy, số ca khám, cấp cứu; nhập viện, tử vong tai nạn nghi do giao thông giảm rõ rệt so với cùng kỳ Tết Giáp Thìn 2024; khám, cấp cứu tai nạn nghi do pháo nổ cũng giảm so với cùng kỳ năm 2024.
Các cơ sở khám chữa bệnh đã tổ chức thường trực 4 cấp đầy đủ, thực hiện khám, cấp cứu lên 548.151 lượt người trong 8 ngày nghỉ Tết. Trong đó, số người bệnh nhập viện điều trị nội trú là 194.457 người. Trong 8 ngày, các cơ sở y tế đã thực hiện phẫu thuật cho 19.262 ca, trong đó phẫu thuật cấp cứu do tai nạn là 3.275 ca; đỡ đẻ, mổ đẻ đón 16.508 trẻ chào đời...
Tính chung trong 8 ngày nghỉ Tết đã có 481 trường hợp khám, cấp cứu do pháo nổ, pháo hoa; 47 trường hợp khám, cấp cứu tai nạn do vũ khí, vật liệu nổ tự chế, chưa ghi nhận ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2024, tổng số khám, cấp cứu tai nạn nghi do pháo nổ, pháo hoa giảm 135 người (22,8 %); tổng số khám, cấp cứu tai nạn nghi do vũ khí, vật liệu nổ tự chế giảm 48 người (53,3 %).
Số ca khám, cấp cứu do rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn tự chế biến, say bia/rượu trong 8 ngày qua là 709 người, trong đó 442 người phải nhập viện theo dõi, điều trị, chưa ghi nhận ca tử vong...
Số lượt khám, cấp cứu tai nạn nghi liên quan đến giao thông trong 8 ngày nghỉ Tết (từ ngày 25/1 - 1/2) là 24.054 người. Số lượt người bệnh nghi liên quan đến tai nạn giao thông phải nhập viện điều trị nội trú, theo dõi trong 8 ngày là 9.755 người. Số tử vong nghi do tai nạn giao thông trong 8 ngày là 159 người, trong đó tử vong trước khi đến cơ sở khám chữa bệnh là 66 người, tử vong tại cơ sở khám chữa bệnh là 38 người và tiên lượng tử vong xin về là 55 người.
Đến sáng 1/2, số người bệnh nghi do tai nạn giao thông đang điều trị tại cơ sở khám chữa bệnh là 5.073 người. So sánh với cùng kỳ Tết Giáp Thìn 2024, số ca khám, cấp cứu nghi do tai nạn giao thông giảm 8,9%; số ca phải nhập viện điều trị, theo dõi giảm 11,1%; tử vong nghi do tai nạn giao thông giảm 28%; tử vong trước viện giảm 45,2%; tử vong tại viện giảm 9,4%; tiên lượng tử vong xin về giảm 21,3%.
Theo dõi cấp cứu người bệnh tại Trung tâm Cấp cứu A9 Bệnh viện Bạch Mai.
Chủ động triển khai các hoạt động đảm bảo công tác y tế dịp nghỉ Tết Ấy Tỵ
Về công tác chỉ đạo, điều hành liên quan đến công tác y tế dịp Tết Ất Tỵ, Bộ Y tế cho biết Bộ trưởng Bộ Y tế đã ban hành Chỉ thị số 01/CT-BYT ngày 06/01/2025 của về việc tăng cường công tác y tế đảm bảo đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025; trong đó:
Chỉ đạo toàn diện Thủ trưởng đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đơn vị y tế các ngành thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 11/12/2024 của Ban Bí thư, Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 18/12/2024 của Thủ tướng Chính phủ; nêu cao trách nhiệm người đứng đầu, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện nghiêm, hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh và đảm bảo công tác y tế dịp Tết Nguyên đán 2025.
Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị xây dựng và triển khai kế hoạch tăng cường công tác y tế đảm bảo đón Tết Nguyên Đán 2025; phân công trực 24/24 giờ đối với Lãnh đạo đơn vị, cán bộ, nhân viên bảo đảm khoa học, hiệu quả; niêm yết công khai danh sách trực hằng ngày theo quy định. Tuyệt đối không chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trước dịch bệnh; tổ chức lực lượng, phương tiện ứng trực, theo dõi, giám sát diễn biến dịch và bảo đảm an ninh trật tự, an toàn phòng, chống cháy nổ; xử lý, giải quyết kịp thời, hiệu quả các công việc, tình huống phát sinh.
Yêu cầu các đơn vị trong toàn ngành Y tế thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo trong dịp Tết theo quy định để tổng hợp gửi Văn phòng Trung ương Đảng, Văn phòng Chính phủ.
Yêu cầu các đơn vị đảm bảo triển khai các công việc đúng tiến độ, khẩn trương trở lại làm việc bình thường sau ngày nghỉ, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ ngay từ những tháng đầu năm.
Trong dịp nghỉ Tết, chưa ghi nhận ổ dịch/chùm ca bệnh truyền nhiễm nguy hiểm lây lan trong cộng đồng.
Bộ Y tế cũng đã ban hành các văn bản chỉ đạo đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh trong dịp Tết và trong mùa đông - xuân; công tác cấp cứu, khám bệnh, chữa bệnh; cung ứng thuốc phòng, chống dịch bệnh và nhu cầu sử dụng thuốc; bảo đảm an toàn thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ năm 2025.
Bộ Y tế chỉ đạo các cơ sở khám, chữa bệnh đảm bảo thực hiện thường trực 4 cấp gồm: Trực lãnh đạo, xử lý thông tin đường dây nóng, trực chuyên môn và trực hành chính, hậu cần, trực bảo vệ, tự vệ tại cơ sở.
Chỉ đạo các đơn vị tổ chức tốt việc cấp cứu, khám chữa bệnh cho người bệnh; dự trữ đủ thuốc, máu, dịch truyền và các phương tiện, thiết bị cần thiết phục vụ cấp cứu. Sẵn sàng thu dung người bệnh trong trường hợp dịch bệnh xảy ra; khám và điều trị kịp thời bệnh nhân cấp cứu; thực hiện đúng quy trình chuyên môn, sẵn sàng hỗ trợ kỹ thuật cho cấp dưới khi cần thiết.
Xây dựng phương án đối phó với tai nạn, ngộ độc, cấp cứu hàng loạt có thể xảy ra; cảnh báo người dân về nguy cơ tai nạn thường gặp trong ngày Tết. Tổ chức thăm hỏi và tổ chức đón tết cho người bệnh còn điều trị tại bệnh viện trong dịp Tết, chú ý đối tượng người bệnh nghèo, người bệnh thuộc đối tượng chính sách…
Các cơ sở y tế đã chuẩn bị đầy đủ thuốc phục vụ khám bệnh, chữa bệnh và phòng chống dịch bệnh.
Cùng đó, Bộ Y tế chỉ đạo các đơn vị tăng cường công tác truyền thông về bảo đảm an toàn thực phẩm cho người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng; huy động xã hội tham gia phòng ngừa, đấu tranh với việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm giả, kém chất lượng; phòng ngừa ngộ độc thực phẩm, kịp thời cảnh báo nguy cơ mất an toàn thực phẩm.
Báo cáo của Bộ Y tế cũng cho biết, trong dịp Tết Nguyên đán Ất Tỵ, Bộ Y tế tổ chức các hoạt động tri ân người có công với cách mạng; thành lập các đoàn Lãnh đạo Bộ đi thăm chúc Tết Lãnh đạo Bộ tiền nhiệm, giáo sư đầu ngành và nhân viên ngành Y tế tại một số cơ sở y tế; tổ chức khám, chữa bệnh thiện nguyện và tặng quà cho những hoàn cảnh khó khăn, tổ chức tri ân các anh hùng liệt sỹ…
Công đoàn Y tế Việt Nam đã chủ động ban hành Kế hoạch, tổ chức các hoạt động chăm lo, hỗ trợ thiết thực tới đời sống vật chất, tinh thần cho đoàn viên, người lao động ngành Y tế, đặc biệt những trường hợp khó khăn, bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, mắc bệnh hiểm nghèo, người lao động thiếu, mất việc làm, nhiều năm chưa có điều kiện về quê ăn Tết. Tổ chức Chương trình Chợ tết công đoàn, tặng quà, gian hàng 0 đồng, chuyến xe đưa đón người lao động về quê ăn Tết...
Bệnh viện K tổ chức bữa cơm tất niên cho người bệnh về quê đón Tết.
Thái Bình/Ảnh: Trần Minh
Nguồn SK&ĐS : https://suckhoedoisong.vn/gan-194500-nguoi-benh-nhap-vien-trong-8-ngay-nghi-tet-at-ty-169250202075141098.htm