Một năm “thăng hoa” của ngành gạo Việt Nam
Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong năm 2024, Việt Nam xuất khẩu hơn 9 triệu tấn gạo, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm 2023. Giá xuất khẩu gạo trong năm 2024 trung bình đạt 626,6 USD/tấn, tăng 8,5% so với năm ngoái. Kim ngạch xuất khẩu gạo đạt 5,6 tỷ USD, tăng 17,6% so với năm ngoái.
Mặc dù có một năm “thăng hoa”, thế nhưng báo cáo của Hiệp hội lương thực Việt Nam cho thấy giá gạo xuất khẩu có xu hướng giảm về các tháng cuối năm và xuống mức thấp nhất tại tháng 12/2024.
Gạo Việt Nam có một năm thăng hoa. (Ảnh: LSC)
Cụ thể, trong tháng 12, gạo 5% tấm xuất khẩu với mức giá 505,8 USD/tấn, giảm 23,1% so với cùng kỳ năm 2023. Gạo 25% tấm xuất khẩu được giao dịch ở mức 473,2 USD/tấn, giảm 26%.
ThS Hoàng Thị Vân, Viện Kinh tế - Tài chính, Học viện Tài chính cho biết, dù giá gạo có xu hướng giảm trong thời gian gần đây, tuy nhiên nếu tính giá bình quân của cả năm 2024, gạo Việt Nam xuất khẩu vẫn tăng.
Ví dụ, giá gạo 5% tấm có giá bình quân là 573,5 USD/tấn, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm 2023. Giá gạo 25% tấm có giá bình quân là 545,4 USD/tấn, tăng 3% so với năm ngoái.
Bà Vân phân tích: Nguyên nhân của mức tăng trên chủ yếu do nhu cầu nhập khẩu của nhiều thị trường đối với gạo Việt Nam trong nửa đầu năm 2024 đều tăng, đặc biệt là các thị trường truyền thống như: Philippines, Trung Quốc, Indonesia và các quốc gia châu Phi.
“Việc nhiều quốc gia lo ngại khủng hoảng lương thực do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, biến động địa chính trị... đã hỗ trợ giá gạo xuất khẩu của Việt Nam giữ ở mức cao so với năm 2023”, và Vân nói.
Sau đó, trong nửa cuối năm 2024, nguồn cung gạo toàn cầu được bổ sung nhờ vụ thu hoạch mới ở các nước sản xuất chính. Đồng thời, Ấn Độ tăng cường xuất khẩu gạo trở lại thông qua việc dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng non-basmati, cắt giảm thuế xuất khẩu gạo và loại bỏ giá sàn xuất khẩu đã khiến giá gạo thế giới đi xuống.
Hiện nay, các thị trường nhập khẩu gạo lớn nhất của Việt Nam là Philippines, Indonesia, Malaysia, Bờ Biển Ngà, Ghana...
Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong 11 tháng năm 2024, thị trường Philippines đứng đầu về tiêu thụ gạo của Việt Nam, chiếm 47,4% trong tổng lượng và chiếm 46,6% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước.
Thị trường Indonesia đứng thứ 2, chiếm 13,4% trong tổng lượng và chiếm 12,8% trong tổng kim ngạch xuất khẩu gạo của cả nước. Đứng thứ 3 là thị trường Malaysia, chiếm 8,3% trong tổng lượng và chiếm 7,8% trong tổng kim ngạch.
Bên cạnh các thị trường truyền thống ở châu Á, xuất khẩu gạo sang thị trường châu Phi cũng tăng trưởng khả quan. Trong số đó, Bờ Biển Ngà, Ghana, Senegal, Cameroon là những thị trường có kim ngạch nhập khẩu gạo tăng trưởng tốt của Việt Nam…
Thị trường gạo trong năm 2025 được dự báo bớt căng thẳng hơn
Sản xuất nông nghiệp nói chung, sản xuất lúa gạo của nước ta nói riêng chịu ảnh hưởng không nhỏ từ tình hình thời tiết nhiều biến động do biến đổi khí hậu.
Để duy trì sản lượng gạo ổn định, khoảng 26,5 triệu tấn trong niên vụ 2024/2025, nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, bà Vân cho rằng Việt Nam cần nỗ lực chủ động ứng phó biến đổi khí hậu.
Thị trường gạo trong năm 2025 được dự báo bớt căng thẳng hơn. (Ảnh: PO)
Theo dự báo của Đài khí tượng thủy văn Nam Trung Bộ, thời tiết còn diễn biến khó lường, hiện tượng ENSO đang trong trạng thái trung tính có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina trong đầu năm 2025.
Do đó, trích dẫn ý kiến của Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, bà Vân cho rằng Việt Nam cần ổn định nguồn nước cho sản xuất lúa, tập trung canh tác đúng lịch thời vụ, tăng cường thâm canh; vùng có nguy cơ hạn hán cần tập trung bố trí chuyển từ cơ cấu sản xuất lúa từ 3 vụ sang 2 vụ, hoặc bố trí lại thời vụ sản xuất phù hợp để né tránh hạn, mặn…
Trong báo cáo mới nhất của Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), cơ quan này dự báo nguồn cung lúa gạo toàn cầu năm 2025 sẽ tăng và sản lượng xuất khẩu gạo toàn cầu năm 2025 sẽ cao hơn năm 2024 khoảng 4,12 triệu tấn lên 58,12 triệu tấn.
Hiện nay, nhu cầu mua vào của nhiều nước nhập khẩu gạo lớn trên thế giới đối với mặt hàng gạo như Trung Quốc, Indonesia... có thể chững lại hoặc giảm trong bối cảnh nguồn cung lúa gạo toàn cầu đang dồi dào hơn so với trước.
Bối cảnh đó sẽ tạo áp lực giảm giá đối với giá gạo trên thị trường thế giới cũng như giá gạo xuất khẩu và gạo nội địa của Việt Nam trong thời gian tới vì cạnh tranh thị phần xuất khẩu giữa các nước ngày càng tăng.
“Tuy nhiên, những tác động tiêu cực từ biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp tới nguồn cung gạo toàn cầu là một yếu tố sẽ hỗ trợ giá đối với mặt hàng này”, bà Vân đưa ra dự báo.
Định Trần