Nhà bán lẻ ngoại đang nắm 2/3 chuỗi phân phối hiện đại ở Việt Nam

Nhà bán lẻ ngoại đang nắm 2/3 chuỗi phân phối hiện đại ở Việt Nam
3 giờ trướcBài gốc
Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam (AVR), ông Nguyễn Anh Đức, đã chia sẻ thông tin trên với KTSG Online trong cuộc trao đổi về nhận định phát triển ngành bán lẻ trong nước sắp tới.
Nhà bán lẻ ngoại đang nắm giữ 2/3 kênh bán lẻ hiện đại ở Việt Nam. Ảnh minh họa: LH
Cụ thể theo ông Đức, thị trường hơn 100 triệu dân trong nước đang cho thấy sự chuyển dịch cơ cấu từ các đơn vị bán lẻ truyền thống sang các đơn vị hiện đại. Nếu trước dịch Covid-19, tỷ lệ các đơn vị bán lẻ hiện đại chiếm khoảng 24%, trong khi các đơn vị truyền thống chiếm 76%.
Sau đại dịch, thị trường của 3 năm liền sau đó bị đảo ngược khi các đơn vị bán lẻ truyền thống tăng tỷ lệ lên khoảng 82%. Tuy nhiên, bước sang năm 2024, kênh bán lẻ hiện đại, theo ông Chủ tịch AVR, đã tăng nhanh trở lại và hiện đã đạt tỷ lệ 25% tổng thị trường và đây cũng là lần đầu tiên kênh phân phối hiện đại chiếm 1/4 thị trường bán lẻ Việt Nam.
Dự báo thị trường trong thời gian tới, ông Chủ tịch AVR cho rằng xu hướng bán hàng ở kênh phân phối hiện đại tiếp tục tăng nhanh ở Việt Nam.
Ông cũng lưu ý thêm là hiện nay, hệ thống kênh phân phối hiện đại ở Việt Nam chủ yếu thuộc về các nhà bán lẻ nước ngoài, chiếm 2/3 tổng hệ thống bán hàng.
"Thông qua việc trực tiếp đầu tư mở kinh doanh và hình thức đầu tư gián tiếp như thâu tóm hoặc góp vốn mua cổ phần chuỗi bán lẻ trong nước, các nhà bán lẻ ngoại hiện đã tăng cao tỷ lệ chiếm giữ kênh bán hàng hiện đại ở Việt Nam", ông Đức nói.
Cho rằng sự tham gia của các doanh nghiệp ngoại mang lại những làn sóng phát triển mới cho thị trường bán lẻ Việt Nam, nhưng theo ông, việc gìn giữ và phát triển các thương hiệu bán lẻ nội địa cũng cần đẩy mạnh và là một thách thức.
So với các nước trong khu vực như Singapore, Thái Lan..., hiện nay tỷ lệ kênh phân phối hiện đại Việt Nam vẫn còn khá thấp và được cho là còn nhiều dư địa để các nhà bán lẻ mới gia nhập thị trường.
Trên thực tế, việc phát triển điểm kinh doanh mới của các nhà bán lẻ nội địa còn khá chậm, trong khi các nhà bán lẻ ngoại như Aeon, Central Retail... ngày càng gia tăng, mở rộng điểm bán nhanh. Đáng chú ý, các nhà đầu tư tài chính, quỹ nước ngoài và cả nhà bán lẻ ngoại ngày càng rót vốn vào các chuỗi bán lẻ Việt Nam để tham gia điều hành hoặc đưa hàng hóa các nước vào phân phối... dẫn đến cơ hội bán hàng của doanh nghiệp trong nước ngày càng khó khăn, nhất là với các nhà sản xuất quy mô nhỏ.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 6.391 nghìn tỉ đồng, tăng 9% so với năm trước (năm 2023 tăng 9,4%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 5,9% (năm 2023 tăng 6,8%).
Các chuyên gia dự báo thị trường bán lẻ Việt sẽ vượt mốc 200 tỉ đô la Mỹ trong năm nay. Tuy nhiên, trước những thách thức mới từ cuộc cách mạng công nghệ cùng sự thay đổi thói quen tiêu dùng, doanh nghiệp phải nhanh chóng thay đổi và đầu tư để thích ứng với xu thế mới.
Lê Hoàng
Nguồn Saigon Times : https://thesaigontimes.vn/nha-ban-le-ngoai-dang-nam-2-3-chuoi-phan-phoi-hien-dai-o-viet-nam/