Sưng tê chân do các vấn đề về thận có thể rõ ràng hơn vào ban đêm. Ảnh minh họa: Livewellnow.
Thận là cơ quan rất quan trọng đối với sức khỏe.Chúng lọc chất thải và chất lỏng dư thừa từ máu, giúp kiểm soát huyết áp và giữ cho mức điện giải của cơ thể được cân bằng. Tuy nhiên, cơ quan này cũng dễ mắc một số bệnh mạn tính, chẳng hạn suy thận, tổn thương...
Dưới đây là một số dấu hiệu điển hình cảnh báo tổn thương thận có thể xuất hiện vào ban đêm.
Đi tiểu thường xuyên vào ban đêm
Theo Thehealthsite, đi tiểu thường xuyên vào ban đêm, được gọi là tiểu đêm, có thể là một trong những dấu hiệu đầu tiên của tổn thương thận. Điều này xảy ra khi thận không thể cô đặc nước tiểu đúng cách, dẫn đến tăng sản xuất nước tiểu.
Ngoài ra, bạn có thể kiểm tra màu sắc và mùi của nước tiểu để nhận biết nguy cơ tổn thương thận. Nước tiểu từ cơ thể khỏe mạnh thường có màu từ vàng nhạt đến màu hổ phách. Nếu bạn thấy nó sẫm màu hơn hoặc nhận thấy có mùi nồng nặc, bất thường, đó có thể là tình trạng mất nước hoặc thậm chí có máu, bọt, trong khi mùi nồng nặc có thể gợi ý nhiễm trùng hoặc các vấn đề về thận khác.
Sưng ở tay và chân
Nhận thấy chân, mắt cá chân hoặc bàn tay bị sưng tấy, thường được gọi là phù nề, có thể báo hiệu các vấn đề về thận. Khi thận không hoạt động tốt, chúng có thể không lọc được chất lỏng dư thừa hiệu quả, dẫn đến tích tụ chất lỏng trong cơ thể.
Tình trạng sưng tấy này có thể rõ rệt và nặng hơn vào ban đêm sau khi bạn đứng dậy vào ban ngày. Điều này có thể là do các rối loạn khác nhau ở thận bao gồm suy thận mạn tính hoặc viêm cầu thận, các bệnh về thận do thuốc.
Khó thở
Khó thở là một trong những triệu chứng phổ biến nhất liên quan đến bệnh thận, do thận xử lý chất lỏng kém. Các cơ quan của người bệnh thận không tạo ra đủ erythropoieti - hormone báo hiệu cơ thể tạo ra các tế bào hồng cầu. Điều này dẫn đến thiếu máu và cảm thấy khó thở.
Đặc biệt, vào ban đêm, ở tư thế nằm khi ngủ, lượng máu được phân phối lại từ chi dưới đến phổi, khiến người bệnh khó chịu và khó thở.
Người bệnh thận thường cảm thấy khó thở vào ban đêm do bị thiếu máu. Ảnh: Shutterstock.
Mất ngủ và rối loạn giấc ngủ
Theo India, các vấn đề về thận có thể cản trở giấc ngủ của bạn, dẫn đến mất ngủ hoặc mất ngủ nhiều đêm. Khó chịu do sưng tấy hoặc buồn tiểu thường xuyên có thể làm gián đoạn khả năng nghỉ ngơi chất lượng.
Ngoài ra, sự tích tụ chất độc trong máu do chức năng thận bị tổn thương có thể gây khó chịu và khó ngủ. Theo dõi dấu hiệu bất thường khi ngủ và trao đổi với bác sĩ sớm nhất có thể để được tư vấn tình trạng thận của bạn.
Bên cạnh đó, hormone melatonin chịu trách nhiệm về nhịp sinh học ngủ-thức, thường ở mức nhỏ vào ban ngày nhưng tăng lên vào ban đêm. Điều này giúp chúng ta tỉnh táo vào buổi sáng, buồn ngủ vào ban đêm. Tuy nhiên, ở người bệnh thận, nhiều nghiên cứu đã chứng minh nồng độ melatonin thấp hơn đáng kể vào ban đêm, gây tỉnh táo và khó ngủ.
Ngứa và kích ứng da không rõ nguyên nhân
Nếu bạn bị ngứa dai dẳng, đặc biệt là vào ban đêm, đó có thể là dấu hiệu của tổn thương thận. Khi thận không lọc chất thải hiệu quả, chất độc có thể tích tụ trong máu, gây kích ứng da. Tình trạng này, được gọi là ngứa tăng tiết niệu, có thể gây khó chịu đáng kể và làm phiền giấc ngủ của bạn.
Nếu bạn đang phải đối mặt với tình trạng ngứa liên tục mà không có nguyên nhân rõ ràng, điều quan trọng là phải tìm tư vấn y tế để kiểm tra chức năng thận của bạn.
Mai Phương