Trung bình mỗi năm, Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) tiếp nhận từ 40 đến 50 bệnh nhân nhập viện do tự ý sử dụng thuốc. Phần lớn người bệnh xuất hiện các triệu chứng: Nổi mẩn ngứa, tụt huyết áp, khó thở… Một số trường hợp đến cấp cứu do sốc phản vệ, đặc biệt nguy hiểm đến tính mạng nếu không xử lý kịp thời…
Điển hình, vào 13 giờ 47 phút ngày 25/03/2024, bà Lê Thị D, 61 tuổi, ở xã Thiện Phiến (Tiên Lữ) được người nhà đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong tình trạng nguy kịch: Mất ý thức, tím toàn thân, thở ngáp 5 lần/phút, nhịp tim rời rạc không đều khoảng 40 ck/ph. Người nhà cho biết, bệnh nhân có tiền sử hen phế quản, từng cấp cứu phản vệ tại Trạm y tế xã Thiện Phiến. Ba ngày trước khi nhập viện, bà D có biểu hiện khó thở nhẹ, có lúc thở cò cử, tự xịt và uống thuốc thấy hết khó thở. Bản thân bà D bị đau lưng, trước vào viện 2 giờ 30 phút đã tự ý uống 2 viên thuốc FEPARAC (thành phần Paracetamol và Ibuprofen). Sau uống thuốc 2 giờ xuất hiện thở rít, choáng váng, tiểu không tự chủ, vào viện trong tình trạng mất ý thức, tím tái…
Xác định đây là trường hợp phản vệ nguy kịch đe dọa tử vong, các bác sĩ nhanh chóng xử trí theo phác đồ sốc phản vệ. Sau 8 giờ điều trị theo phác đồ sốc phản vệ, người bệnh ổn định. Sau 5 ngày điều trị tích cực, bệnh nhân được ra viện…
Thời gian qua, Khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) tiếp nhận và điều trị nhiều trường hợp phản vệ do tự ý dùng thuốc (Ảnh minh họa)
Bác sĩ chuyên khoa I Nguyễn Minh Khôi, Phó trưởng khoa Cấp cứu (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) cho biết: Việc người bệnh tự ý dùng thuốc điều trị dẫn tới nhiều hệ lụy. Nguy hiểm nhất là sốc phản vệ. Đây là một phản ứng dị ứng nghiêm trọng, có thể gây tử vong do suy hô hấp và tuần hoàn nếu không được chẩn đoán và cấp cứu kịp thời. Các triệu chứng của phản vệ rất đa dạng, biểu hiện trên nhiều cơ quan hệ thống: da, niêm mạc (mày đay, đỏ da, phù quincke), tiêu hóa (đau bụng, buồn nôn, nôn…), thần kinh (kích thích, co giật, hôn mê), hô hấp (khó thở, thở rít, phù nề thanh quản, hạ họng), tuần hoàn (rối loạn nhịp tim, tăng hoặc tụt huyết áp, ngừng tim). Các triệu chứng này có thể xuất hiện nhanh, ngay lập tức, hoặc 30 phút đến vài giờ sau khi người bệnh tiếp xúc với dị nguyên (thuốc, nọc côn trùng, thực phẩm...).
Hiện nay, tình trạng người bệnh tự ý sử dụng thuốc còn phổ biến, nhất là ở khu vực nông thôn. Nhiều người khi có các triệu chứng như ho, sốt, đau đầu, sổ mũi, đau xương khớp… thường không đến cơ sở y tế để khám mà tự đoán bệnh, nghe truyền miệng hoặc tìm hiểu trên mạng internet rồi mua thuốc về dùng. Thậm chí, nhiều người không quan tâm đến hạn sử dụng, liều lượng các loại thuốc.
Thời gian qua, Khoa Thần kinh nội tiết (Bệnh viện Đa khoa tỉnh) ghi nhận không ít trường hợp nhập viện vì tác dụng phụ nghiêm trọng do sử dụng thuốc không rõ nguồn gốc gây ra. Theo các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh: Hiện nay, tỉ lệ người mắc các bệnh lý về xương khớp ngày càng tăng. Với tâm lý mong muốn nhanh chóng khỏi bệnh, nhiều trường hợp bệnh nhân tin vào những bài thuốc truyền miệng hoặc quảng cáo trên mạng xã hội, tự ý bỏ thuốc rồi mua thuốc trên mạng xã hội sử dụng trong thời gian dài. Các loại thuốc này thường không có nhãn mác, không rõ nguồn gốc và thành phần, giá bán rẻ và có thể được trộn corticoid nhằm tác dụng nhanh chóng, khiến người bệnh lầm tưởng thuốc hiệu quả. Ngoài ra, nhiều người tự ý lạm dụng thuốc giảm đau, thuốc có chứa corticoid kéo dài không theo đơn của bác sĩ… khiến bệnh không thuyên giảm mà còn gây ra nhiều tác dụng phụ nghiêm trọng như: Suy thượng thận do thuốc, loét dạ dày tá tràng, giữ nước, rối loạn điện giải, loãng xương, da teo mỏng, tăng đường huyết…
Không chỉ gây hậu quả sức khỏe, việc tự ý dùng thuốc còn gây tốn kém chi phí. Có một số bệnh chỉ cần dùng những loại thuốc đơn giản, rẻ tiền mà hiệu quả cao nhưng nhiều người đặt mua thuốc “hàng hiệu” xách tay từ nước ngoài gây tốn kém. Tai hại càng tăng thêm khi người sử dụng không hiểu được sự tương tác giữa các loại thuốc, giữa dược phẩm với thực phẩm... gây ra những tác dụng phụ không mong muốn đối với sức khỏe.
Để bảo vệ sức khỏe bản thân và gia đình, các chuyên gia y tế khuyến cáo: Người bệnh cần đến cơ sở y tế để được bác sĩ khám, tư vấn, kê đơn, tuyệt đối không được tự ý mua thuốc uống; không được bỏ thuốc giữa chừng hoặc thêm thuốc, thay thuốc khi chưa có ý kiến chỉ định của bác sĩ điều trị; không uống thuốc kháng sinh theo đơn của người khác; không sử dụng thuốc quá hạn sử dụng hoặc đã mở lâu ngày... Đối với các nhà thuốc, chỉ được bán thuốc kê đơn cho người bệnh có đơn chỉ định của bác sĩ; đối với thuốc không cần kê đơn cần tư vấn rõ tác dụng phụ để người bệnh hiểu. Khi dùng thuốc xuất hiện các triệu chứng của phản vệ, người bệnh cần đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được điều trị kịp thời…
Dương Miền