Có thể mất đồ nghề nhưng không để mất cờ
Sinh ra trong một gia đình nghèo ở Phước Thắng, Tuy Phước (Bình Định), năm 1966, ở tuổi 24, bà Lan cùng người em trai tình nguyện lên đường tham gia cách mạng.
“Thời đó ai cũng giác ngộ, sục sôi tinh thần đánh giặc. Nhà tôi có năm người theo cách mạng, người ra Bắc tập kết, người ở lại hoạt động bí mật, người hy sinh ngoài chiến trường”, bà Lan kể.
Bà Ngọc Lan xúc động kể lại hồi ức thanh xuân tham gia cách mạng
Người em trai út của bà Lan hy sinh trong chiến dịch Mậu Thân 1968 tại Quy Nhơn. Một người anh của bà bị bắt giam, tra tấn đến khi về nhà thì mất. Những mất mát, đau thương ấy không làm bà chùn bước, mà càng thêm quyết tâm tiếp tục con đường đã chọn.
Ngay trong năm 1966, bà Lan theo đoàn cán bộ từ Bình Định vượt đường rừng, băng suối, hành quân lên Đắk Lắk. Chặng đường kéo dài cả tháng trời. Bà Lan được phân vào bộ phận hậu cần, phụ trách công việc may vá quần áo, ba lô, túi đựng gạo cho cán bộ, thương binh và những người làm công tác nội bộ.
Đến cuối năm 1967, tổ may của bà Lan bắt đầu nhận nhiệm vụ đặc biệt: may cờ Tổ quốc phục vụ cho các chiến dịch lớn. Lúc đó không ai nói rõ là để làm gì, chỉ biết là nhiệm vụ mới, quan trọng.
“Nghe mấy anh nói là chuẩn bị cho đồng khởi, giải phóng. Còn giải phóng khi nào, ở đâu thì không rõ. Chỉ biết là may cờ, càng nhiều càng tốt”, bà Lan nhớ lại.
Những kỷ vật đi cùng năm tháng được gia đình bà Lan gìn giữ cẩn thận
Những tấm vải đỏ, vải vàng được vận chuyển từ đồn điền Rossi (nay là thị xã Buôn Hồ), nơi cách mạng móc nối được với công nhân bên trong chuyển ra cho tổ may. Việc vận chuyển phải bí mật, nguy hiểm rình rập mọi lúc.
“Có bận đi lấy hàng, bị phục kích, tôi bị địch bắn bị thương ở chân, phải nhờ đồng đội cõng về. Ba lần bị đánh, ba lần mất đồ nghề, nhưng tuyệt nhiên chưa bao giờ mất cờ”, bà Lan tự hào.
"Không còn gì tự hào hơn giây phút ấy”
Tổ may phải làm việc thâu đêm suốt sáng, đèn dầu thắp lên rồi che kín bằng các lớp lá để ánh sáng không lọt ra ngoài. Mỗi lá cờ sau khi may xong được cuộn lại, cất giấu ở hốc cây, khe đá, gốc cà phê...
“Không ai biết chính xác phải làm bao nhiêu lá cờ, chỉ biết may liên tục, rồi mang đi cất. May tới đâu, cất tới đó. Không ai được giữ lại”, bà Lan kể.
Xe tăng 980 húc đổ cổng sắt Bộ Tư lệnh Sư đoàn 23 trong trận giải phóng Buôn Ma Thuột ngày 11.3.1975. Ảnh tư liệu
Cao điểm là những tháng đầu năm 1975, khi các đơn vị chuẩn bị cho cuộc tổng tiến công. “Ngày may, đêm may. Không còn nghĩ tới ăn uống, ngủ nghỉ gì nữa. Ai cũng hiểu là sắp tới giờ khắc quyết định".
Ngày 10.3.1975, lá cờ đỏ sao vàng do chính tay bà Lan và đồng đội trong tổ may cờ thực hiện đã tung bay trên nóc các cơ quan đầu não tại Buôn Ma Thuột - thị xã đầu tiên ở Tây Nguyên được giải phóng, mở màn cho chiến dịch Tây Nguyên và tạo đà tiến tới chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.
Bà Lan lúc đó không có mặt tại thị xã, nhưng "khi nghe tin chiến thắng, nghe tin cờ Tổ quốc do mình may tung bay giữa bầu trời Buôn Ma Thuột, nước mắt tôi cứ trào ra. Không còn gì tự hào hơn giây phút ấy”.
Chiếc võng là kỷ vật đã theo bà Lan hơn 50 năm qua
Gần 60 năm đã trôi qua kể từ ngày lên đường đi theo cách mạng, bao mất mát, hy sinh đã lùi vào ký ức, nhưng với bà Nguyễn Thị Ngọc Lan, mỗi lá cờ, mỗi mũi kim đường chỉ khi xưa vẫn nguyên vẹn trong tim.
“Cờ Tổ quốc không chỉ là vải đỏ, sao vàng. Đó là máu xương, là niềm tin, là khát vọng của biết bao người dân Việt Nam trong hành trình giành lại độc lập, thống nhất cho đất nước", bà Lan xúc động.
Djuang Niê