Gặp mặt Thủ tướng Chính phủ, doanh nhân Việt kiến nghị những nội dung gì?

Gặp mặt Thủ tướng Chính phủ, doanh nhân Việt kiến nghị những nội dung gì?
4 giờ trướcBài gốc
Nhân kỷ niệm 20 năm Ngày Doanh nhân Việt Nam (13/10/2004-13/10/2024), sáng 4/10, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì cuộc gặp mặt giữa Thường trực Chính phủ với các doanh nhân, đại diện doanh nghiệp nhằm tri ân, vinh danh các doanh nghiệp, doanh nhân có nhiều đóng góp vào đổi mới và phát triển đất nước; đồng thời lắng nghe chia sẻ, tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp, góp phần cùng cả nước thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc gặp mặt với các doanh nhân ngày 4/10. (Ảnh: Đoàn Bắc)
"Không có đội ngũ doanh nhân giỏi thì dòng chảy kinh tế sẽ ngưng trệ"
Phát biểu khai mạc, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính gửi tới các đại biểu lời chào trân trọng, lời thăm hỏi ân cần và lời chúc mừng tốt đẹp nhất.
Thủ tướng nêu rõ, cuộc gặp mặt được tổ chức để cùng tri ân, vinh danh các doanh nghiệp, doanh nhân có đóng góp vào sự nghiệp đổi mới và phát triển đất nước, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân đã đóng góp rất quan trọng vào sự nghiệp cách mạng của đất nước.
Thủ tướng cho biết vừa qua, cơn bão Yagi đã tàn phá 26 tỉnh, thành từ phía Bắc trở ra, gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản. "Chúng tôi rất xúc động khi các doanh nghiệp, doanh nhân tự giác đóng góp, chia sẻ, giúp đỡ đồng bào bão lũ rất chân tình, nhiệt thành, hiệu quả, cho thấy tình dân tộc, nghĩa đồng bào, sự đoàn kết, thống nhất của dân tộc ta luôn phát huy hiệu quả trong những lúc khó khăn, thách thức", Thủ tướng nói.
Thủ tướng khẳng định, Đảng, Nhà nước, Chính phủ luôn trân trọng hoan nghênh, chào đón các nhà doanh nhân Việt Nam - những người đầy tài năng, tâm huyết, có ý thức sâu sắc và đúng đắn về trách nhiệm then chốt, vai trò tiên phong của mình trong góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và nâng cao tiềm lực, uy tín và vị thế quốc tế của đất nước.
Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay, trong đó có đóng góp của các doanh nhân, doanh nghiệp.
Cổ nhân có câu: "Phi công bất phú, phi thương bất hoạt" để nói nên tầm quan trọng, không thể thiếu của đội ngũ doanh nhân đối với sự phát triển. Không có đội ngũ doanh nhân giỏi thì dòng chảy kinh tế sẽ ngưng trệ và đất nước sẽ không thể thịnh vượng", Thủ tướng phát biểu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi gặp mặt. ( Ảnh: Đoàn Bắc)
Thủ tướng đánh giá, hiện nay, đội ngũ doanh nhân Việt Nam đã phát triển mạnh mẽ cả về số lượng và chất lượng, kế thừa truyền thống yêu nước, nêu cao ý chí tự lực, tự cường, tinh thần cống hiến cho dân tộc; ngày càng khẳng định vai trò, đóng góp quan trọng đối với nền kinh tế; một số doanh nghiệp phát triển đạt tầm khu vực và thế giới, góp phần nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tại buổi gặp mặt, Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp góp ý thể chế để doanh nhân phát triển lành mạnh, công khai, minh bạch, đúng pháp luật. Xây dựng đội ngũ doanh nhân đủ mạnh để cùng đất nước vươn lên phát triển, phấn đấu đến năm 2030, Việt Nam là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao và đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao. Để thực hiện mục tiêu này thì mọi chủ thể đều phải làm, nhưng doanh nghiệp, doanh nhân có vai trò nòng cốt.
Doanh nhân mong muốn đóng góp nhiều hơn vào thực hiện mục tiêu phát triển đất nước
Phát biểu tại gặp mặt, Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) cho biết, Viettel từ khi khai trương mạng di động năm 2004, chỉ 2 năm sau, tức năm 2006, chúng tôi đã đầu tư ra nước ngoài. Mặc dù là lĩnh vực mới, chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng chúng tôi cũng mạnh dạn đầu tư tại 2 nước là Lào và Campuchia. Từ đó rút kinh nghiệm để đầu tư ra các nước khác tại châu Phi và Mỹ La tinh.
Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội phát biểu. Ảnh: Đoàn Bắc.
Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) cho biết, Viettel từ khi khai trương mạng di động năm 2004, chỉ 2 năm sau, tức năm 2006, chúng tôi đã đầu tư ra nước ngoài. Mặc dù là lĩnh vực mới, chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng chúng tôi cũng mạnh dạn đầu tư tại 2 nước là Lào và Campuchia. Từ đó rút kinh nghiệm để đầu tư ra các nước khác tại châu Phi và Mỹ La tinh.
Đến nay sau chặng đường 18 năm đầu tư, Viettel đã trở thành nhà đầu tư viễn thông lớn trên thế giới, giá trị thương hiệu theo định giá gần 9 tỷ USD, đứng thứ 17 thế giới và giá trị thương hiệu viễn thông số 1 tại Đông Nam Á.
Về những kiến nghị, đề xuất, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Viettel nhắc lại trong một chương trình do VTV tổ chức, Thủ tướng có nhấn mạnh đến những điểm tựa Việt Nam. Chúng tôi, khi kinh doanh ra nước ngoài rất cần điểm tựa đó, nhất là tại những nước chúng ta không có sứ quán, không ký hiệp định bảo hộ đầu tư. Cần có chiến lược hoặc nghị quyết về lĩnh vực này để doanh nghiệp tự tin đi ra nước ngoài
Cần nâng cao vai trò ngoại giao kinh tế hỗ trợ doanh nghiệp Việt đầu tư ra nước ngoài qua những chuyến công tác của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, hay những chuyến thăm của lãnh đạo, doanh nghiệp nước ngoài đến Việt Nam.
Thứ ba, cần giao nhiệm vụ cho các doanh nghiệp đầu đàn, với những thế mạnh tại những vùng, khu vực cụ thể, cùng với các doanh nghiệp khác của Việt Nam tạo hệ sinh thái đầy đủ tại các nước đầu tư.
Ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam. (Ảnh: Đoàn Bắc)
Với mong muốn đóng góp vào việc thực hiện các mục tiêu phát triển đất nước, ông Nguyễn Văn Thân - Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam xin tham gia góp ý về 6 vấn đề.
Thứ nhất, việc đẩy nhanh thực hiện các dự án đầu tư công của nhà nước, đặc biệt là hai siêu dự án Đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông và Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam là hết sức cấp thiết để tạo nền tảng bứt phá cho các vùng, địa phương thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2026 và những năm tiếp tới.
Thứ hai, kinh tế số là xu thế tất yếu của thế giới, trong đó có một thị trường tài chính, thị trường vốn rất lớn đang được thế giới nghiên cứu và triển khai mạnh mẽ nhưng Việt Nam lại đi sau, đó là thị trường tiền số.
Thứ ba, nước ta hiện có 3% là doanh nghiệp lớn, đa phần hoạt động đa lĩnh vực, đa ngành nghề. Lực lượng doanh nghiệp lớn đóng vai trò rất quan trọng trong nền kinh tế và chuỗi giá trị trong nước. Vậy nên Chính phủ cần trao đổi và giao nhiệm vụ cụ thể cũng như ban hành những chính sách hỗ trợ đặc thù cho các doanh nghiệp lớn để họ tập trung phát triển một lĩnh vực ngành nghề mũi nhọn.
Thứ tư, lực lượng doanh nghiệp nhỏ và vừa chiếm tới 97% tổng số doanh nghiệp cả nước, hằng năm đóng góp hơn 40% GDP, 40% thu NSNN và 60% lao động, tuy nhiên đối tượng đóng vai trò quan trọng nhất trong kết nối doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ là lực lượng doanh nghiệp vừa (hiện nay có khoảng 30.000 doanh nghiệp - chiếm 4% nhưng con số này không hề nhỏ - họ là các doanh nghiệp có khát vọng, tiềm năng, điều kiện để trở thành doanh nghiệp lớn và có hoạt động sản xuất - kinh doanh khá chuyên nghiệp). Để gia tăng số lượng "đàn sếu" của nền kinh tế và kéo theo lực lượng doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ đi lên, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ trong thời gian tới nên tập trung hơn nữa các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp vừa.
Thứ năm, cả nước có 5 triệu hộ kinh doanh (đông gấp 6 lần lực lượng doanh nghiệp), trong khi đó quy định về đối tượng này chỉ được dành một phần trong Luật Doanh nghiệp, điều này là rất thiệt thòi đối với họ. Do vậy, kiến nghị Chính phủ nghiên cứu ban hành Luật riêng cho hộ kinh doanh, trong đó để "chính thức hóa" chuyển đổi các hộ kinh doanh thành doanh nghiệp, kiến nghị Chính phủ đưa ra các tiêu chí, định mức cụ thể để các hộ kinh doanh khi đạt được "phải" chuyển đổi thành doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cũng cần có những chính sách hỗ trợ về thuế, vốn, mặt bằng, lãi suất... để thúc đẩy các hộ kinh doanh sớm phát triển thành doanh nghiệp.
Thứ sáu, chúng tôi rất mong Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ủng hộ ý tưởng thành lập Quỹ quốc gia về thu hút và phát triển nhân tài; kêu gọi các doanh nghiệp lớn cùng đóng góp, tham gia để vận hành Quỹ nhằm phát triển nhân tài cho đất nước, nhất là trong lĩnh vực khoa học, công nghệ.
Điều kiện của Quỹ là không có vốn mồi, hoạt động hoàn toàn dựa trên cơ sở huy động nguồn lực xã hội và tuân thủ quy định pháp luật về Quỹ nhằm ươm mầm và phát triển các thế hệ trẻ Việt Nam.
Luôn nỗ lực, chủ động với tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi” của Thủ tướng
Trao đổi với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường tại hội trường buổi gặp mặt của Thủ tướng với doanh nghiệp, TS.Trần Khắc Tâm - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng cho biết, cộng đồng doanh nghiệp khu vực ĐBSCL rất cảm kích trước sự quan tâm của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành trong thời gian qua, nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, quan tâm đến phúc lợi xã hội và tăng trưởng bền vững đối với khu vực ĐBSCL. Đặc biệt là sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng đối với hoàn thiện và công bố các quy hoạch tỉnh, đầu tư xây dựng mạng lưới hạ tầng giao thông chiến lược và nâng cao năng lực sản xuất của vùng nói chung và tỉnh Sóc Trăng nói riêng.
"Chúng tôi hoàn toàn tin tưởng rằng, sau khi mạng lưới giao thông chính được hoàn thiện, ĐBSCL sẽ có một diện mạo hoàn toàn khác, tạo nền tảng cho sự phát triển bền vững trong tương lai. Riêng với tỉnh Sóc Trăng được quy hoạch trở thành một trong những đầu mối giao thông quan trọng, cửa ngõ chính của khu vực ĐBSCL ra Biển Đông, chúng tôi rất mong đợi sớm hiện thực hóa mục tiêu này với việc thúc đẩy đầu tư xây dựng cảng nước sâu Trần Đề", TS.Trần Khắc Tâm nói.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng bày tỏ sự vui mừng khi nghe tin Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị thống nhất cao chủ trương đầu tư đường sắt cao tốc Bắc – Nam, đặc biệt là dự án này được thực hiện bằng nguồn vốn trong nước. Đây sẽ là một dự án đầy triển vọng, có tác động lớn đến kinh tế - xã hội và diện mạo đất nước trong 10-15 năm tới. Chúng tôi đề nghị Chính phủ nghiên cứu phương án tuyến đường sắt cao tốc nối dài đến Cần Thơ hoặc Cà Mau, để đồng bào ĐBSCL được thụ hưởng thành quả phát triển của đất nước văn minh, hiện đại.
TS.Trần Khắc Tâm - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng. Ảnh: Đoàn Bắc.
"Tôi nhớ và rất ấn tượng phát biểu của Thủ tướng hồi đầu nhiệm kỳ, khi Thủ tướng được bầu làm Đại biểu Quốc hội của TP.Cần Thơ, trong cuộc tiếp xúc cử tri Thủ tướng đã nói rằng phải coi cái nghèo, sự khó khăn làm động lực để phấn đấu vươn lên" - TS.Trần Khắc Tâm nói.
Với tinh thần đó, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng nhận thấy rằng, cùng với sự hỗ trợ của Chính phủ, thì tinh thần tự lực, chủ động của các địa phương thuộc khu vực ĐBSCL cũng ngày càng nâng cao, với nhiều cách làm mới, sáng tạo, tận tâm trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Trước khi dự cuộc gặp mặt này, TS.Trần Khắc Tâm vừa được tham dự Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Bến Tre (Phó thủ tướng thường trực Nguyễn Hòa Bình cũng tham dự hội nghị-PV). Trước đó, lãnh đạo tỉnh Bến Tre cũng đã tổ chức riêng một hội thảo về dừa và các sản phẩm từ dừa, mời nhiều các nhà khoa học, các doanh nghiệp, khách quốc tế tham dự và đóng góp ý kiến.
Ở Sóc Trăng, cuộc cà phê điểm tâm sáng hàng tháng giữa lãnh đạo tỉnh với cộng đồng doanh nghiệp đã thành thường lệ trong hai năm qua, đã chứng minh được tính hiệu quả, tạo không khí cởi mở, thân tình, nhằm trao đổi, lắng nghe ý kiến, tháo gỡ khó khăn, đồng hành thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội của tỉnh.
"Vừa qua, bên lề chương trình CAEXPO 2024 giữa Asean – Trung Quốc tại Nam Ninh (Trung Quốc), đoàn Sóc Trăng chúng tôi do đồng chí Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh dẫn đầu, đã có các cuộc xúc tiến đầu tư chuyên đề, trao đổi và ký thỏa thuận ghi nhớ hợp tác với Tập đoàn xây dựng đường cao tốc số 1 Trung Quốc… Tôi nghĩ rằng, sự nỗ lực, chủ động của các địa phương, đó là đang đi theo đúng tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là "chỉ bàn làm, không bàn lùi" - TS.Trần Khắc Tâm nói.
Là một doanh nhân đến từ khu vực ĐBSCL, TS.Trần Khắc Tâm nói rằng ông may mắn được đi đây đi đó, có điều kiện tiếp xúc, quan sát sự phát triển giữa các vùng, miền. Phải nói rằng, tuy miền Tây Nam Bộ đã đạt được nhiều thành tựu trong thời gian qua nhưng thực sự vẫn còn nhiều khó khăn và đối diện với nhiều thách thức, đặc biệt là tác động bất lợi của biến đổi khí hậu.
Hơn ai hết, các doanh nghiệp thấm nhuần và đồng thuận cao với mục đích chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, phát triển bền vững mà Chính phủ, Thủ tướng đã nỗ lực chỉ đạo. Tại cuộc gặp mặt đầy ý nghĩa này, doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành quan tâm hơn nữa, tạo ra nhiều chính sách thiết thực, hiệu quả giúp các địa phương và cộng đồng doanh nghiệp ĐBSCL ứng dụng khoa học kỹ thuật, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, nâng cao năng lực quản trị doanh nghiệp, năng lực hội nhập quốc tế, đào tạo nghề, phát triển nguồn nhân lực…
Liên quan đến vấn đề tài chính cho doanh nghiệp, TS.Trần Khắc Tâm chia sẻ, thời gian qua, Thủ tướng đã chủ trì nhiều cuộc làm việc với Ngân hàng Nhà nước, các ngân hàng thương mại và các cơ quan chức năng, nhằm tháo gỡ khó khăn trong hoạt động cho vay, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, tạo dòng chảy tài chính cho nền kinh tế khỏe mạnh. Ngân hàng Nhà nước đã quyết liệt chỉ đạo nhiều giải pháp, đặc biệt là sau đại dịch COVID-19 Việt Nam là một trong số rất ít các quốc gia áp dụng lãi suất thấp từ sớm.
Tuy vậy, COVID-19 và những bất ổn tại một số khu vực trên thế giới sau đó đã gây ra những khó khăn chưa từng có cho doanh nghiệp, cho một số ngành nghề. Nhiều doanh nghiệp đã không thể tồn tại vì không huy động được vốn sản xuất. Cộng đồng doanh nghiệp rất mong tiếp tục được quan tâm của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo với các ngân hàng thương mại thực hiện tốt tinh thần chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước.
"Một lần nữa, chúng tôi bày tỏ lòng cảm kích và ủng hộ cao trước tinh thần “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, “vượt nắng, thắng mưa” mà nhiều lần Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nói. Chúng tôi nguyện góp phần mình vào công cuộc dựng xây và phát triển đất nước ngày càng tươi sáng hơn", TS.Trần Khắc Tâm - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, hiện nay, cả nước có hơn 930 nghìn doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 14,4 nghìn hợp tác xã và hơn 5 triệu hộ kinh doanh. Riêng trong 9 tháng đầu năm đã có hơn 183 nghìn doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường. Đây là lực lượng nòng cốt tạo ra của cải, vật chất; đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế; tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, góp phần xóa đói giảm nghèo và ổn định xã hội. Lực lượng doanh nghiệp, doanh nhân hiện đóng góp khoảng 60% GDP, 85% tổng số lao động, 98% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu.
Trong 9 tháng đầu năm, nền kinh tế đã lấy lại được đà tăng trưởng, phục hồi tương đối rõ nét trên các lĩnh vực, đạt nhiều kết quả quan trọng, được các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp đánh giá cao. Lũy kế thu ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt 85,1% dự toán, tăng 17,9% so với cùng kỳ; tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu 9 tháng vượt 577 tỷ USD, tăng 16,2% so với cùng kỳ; xuất siêu ước đạt 21,5 tỷ USD… Đáng chú ý là sản xuất công nghiệp phục hồi nhanh, trở lại là động lực quan trọng, dẫn dắt cho tăng trưởng chung của nền kinh tế. Những kết quả đáng khích lệ nêu trên có sự đóng góp rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp, nhất là doanh nghiệp khu vực tư nhân.
Văn Chương
Nguồn Kinh tế Môi trường : https://kinhtemoitruong.vn/gap-mat-thu-tuong-chinh-phu-doanh-nhan-viet-kien-nghi-nhung-noi-dung-gi-93870.html