Cảng Los Angeles, California. (Ảnh: Bloomberg).
Quy mô của nền kinh tế Mỹ đã thu hẹp trong ba tháng đầu năm 2025, làm gia tăng nỗi lo suy thoái vào đầu nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Donald Trump khi ông tiến hành một cuộc chiến thương mại toàn cầu.
Cụ thể, theo báo cáo do Bộ Thương mại Mỹ công bố vào ngày 30/4, GDP của Mỹ đã giảm 0,3% trong quý I (tốc độ đã chuẩn hóa theo năm), trái ngược với dự báo tăng 0,4% của các nhà kinh tế được Dow Jones khảo sát. Trong quý IV/2024, nền kinh tế số một thế giới tăng trưởng 2,4%.
Trong khoảng một ngày qua, một số nhà kinh tế Phố Wall đã thay đổi triển vọng tăng trưởng GDP của họ thành mức âm, chủ yếu là do mức tăng bất ngờ của nhập khẩu trong bối cảnh doanh nghiệp và người tiêu dùng tìm cách tích trữ hàng hóa trước khi ông Trump áp dụng thuế quan đối ứng vào đầu tháng 4.
Quả thực, theo báo cáo của Bộ Thương mại Mỹ, nhập khẩu đã nhảy vọt 41,3% trong quý I, dẫn đầu bởi mức tăng 50,9% của danh mục hàng hóa. Xuất khẩu nhích 1,8%. Kết quả là nhập khẩu khiến tăng trưởng GDP giảm hơn 5 điểm %.
Hãng tin CNBC lưu ý rằng tốc độ tăng trưởng GDP quý I có thể không hẳn là tiêu cực vì có khả năng xu hướng nhập khẩu sẽ đảo ngược trong những quý tiếp theo.
Ông Chris Rupkey, nhà kinh tế trưởng tại Fwdbonds, đánh giá: “Có lẽ một phần tiêu cực trong tăng trưởng GDP quý I là do doanh nghiệp vội vã nhập khẩu hàng hóa trước khi thuế quan tăng nhưng các cố vấn chính sách [của ông Trump] không có cách nào để tô hồng điều này. Đơn giản là tăng trưởng đã biến mất”.
Cũng theo báo cáo, chi tiêu của người tiêu dùng đã chậm lại trong ba tháng đầu năm nhưng vẫn tăng trưởng dương. Cụ thể, chi tiêu tiêu dùng cá nhân nhích 1,8% - đây là mức tăng hàng quý thấp nhất kể từ quý II/2023 và giảm so với mức tăng 4% của quý IV/2024.
Đầu tư tư nhân trong nước tăng vọt 21,9% trong quý I. Khoản mục này đi lên chủ yếu là nhờ đầu tư cho trang thiết bị tăng mạnh 22,5%, nguyên nhân có lẽ cũng do thuế quan.
Các hợp đồng tương lai chứng khoán Mỹ quay đầu giảm sau khi báo cáo GDP được công bố, trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc tăng cao hơn (hàm ý giá trái phiếu đang đi xuống).
Báo cáo tăng trưởng kinh tế quý I là một tín hiệu trái chiều khác cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) trước thềm cuộc họp chính sách vào tuần tới. Trong khi con số tăng trưởng âm có thể thúc đẩy các quan chức xem xét hạ lãi suất, các chỉ số lạm phát có thể khiến họ tiếp tục “án binh bất động”.
Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCEPI), thước đo lạm phát ưa thích của Fed, bật tăng 3,6% trong quý I. Kết quả này cao hơn nhiều mức tăng 2,4% trong quý IV/2024.
Khi không tính giá thực phẩm và năng lượng dễ biến động, PCEPI lõi tăng 3,5%. Các nhà hoạch định chính sách của Fed coi chỉ số lõi là thước đo tốt hơn về lạm phát dài hạn.
Thị trường vẫn đang kỳ vọng Fed sẽ hạ lãi suất vào tháng 6 và thực hiện tổng cộng 4 lần cắt giảm chi phí đi vay trong cả năm 2025. Đây là một dấu hiệu tiềm năng cho thấy Fed sẽ ưu tiên tăng trưởng kinh tế hơn lạm phát.
Cũng vào ngày 30/4, Cục Thống kê Lao động Mỹ tiết lộ chỉ số chi phí việc làm của cơ quan này đã tăng 0,9% trong quý đầu năm, phù hợp với kỳ vọng.
Trong khi nền kinh tế vẫn đang tạo thêm việc làm và người tiêu dùng vẫn chi tiêu, báo cáo tăng trưởng GDP quý I nêu lên cả nguy cơ suy thoái và rủi ro đối với Tổng thống Trump trong lúc ông đang đàm phán thỏa thuận với các đối tác thương mại của Mỹ.
Theo định nghĩa truyền thống, nền kinh tế sẽ rơi vào suy thoái khi có hai quý liên tiếp tăng trưởng âm. Tuy vậy, Cục Nghiên cứu Kinh tế Quốc gia Mỹ, cơ quan chịu trách nhiệm xác định suy thoái, lại định nghĩa suy thoái “là sự suy giảm đáng kể trong hoạt động kinh tế trên diện rộng và kéo dài hơn một vài tháng”.
Hiện tại, thị trường đang hướng tới báo cáo việc làm phi nông nghiệp do Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố vào ngày 2/5. Một dữ liệu việc làm quan trọng khác do ADP công bố mới đây cho thấy lĩnh vực tư nhân chỉ tuyển dụng thêm 62.000 nhân viên trong tháng 4.
Yên Khê