Ô tô nhập khẩu tại cảng Long Beach, California, Mỹ. Ảnh tư liệu: Getty Images/TTXVN
Theo khảo sát của hãng tin Reuters thực hiện từ ngày 1/4 đến 28/4, 60% trong số 167 nhà kinh tế được hỏi đánh giá nguy cơ suy thoái toàn cầu ở mức “cao” hoặc “rất cao”. Mức thuế cơ sở 10% áp lên hầu hết hàng hóa nhập khẩu vào Mỹ và mức thuế lên tới 145% đối với hàng Trung Quốc đã khiến niềm tin doanh nghiệp sụt giảm nghiêm trọng. Có tới 92% chuyên gia cho rằng các biện pháp thuế quan này sẽ để lại tác động tiêu cực. Nhiều tập đoàn đa quốc gia đã phải điều chỉnh hoặc cắt giảm dự báo doanh thu do chi phí sản xuất tăng và chuỗi cung ứng toàn cầu bị gián đoạn.
Reuters cảnh báo rằng hơn 65% trong số 29 ngân hàng trung ương lớn nhiều khả năng không đạt mục tiêu lạm phát trong năm 2025. Nguyên nhân chủ yếu là do thuế quan đẩy giá cả tăng vọt, khiến nền kinh tế toàn cầu có nguy cơ rơi vào tình trạng lạm phát đình trệ.
Chính sách thương mại của Mỹ đã trở thành tâm điểm tại Hội nghị mùa Xuân của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB), diễn ra từ ngày 22/4 đến 26/4 tại Washington. Tại đây, các bộ trưởng tài chính và thương mại thế giới đã bày tỏ quan ngại sâu sắc và kêu gọi Mỹ làm rõ định hướng chính sách thương mại. Căng thẳng leo thang giữa Mỹ và Trung Quốc càng làm gia tăng bất ổn toàn cầu, trong khi các biện pháp áp thuế trả đũa khiến thương mại song phương gần như “đóng băng”.
Mức thuế quan mà Tổng thống Trump áp lên nhiều loại hàng hóa khác nhau cũng gây lo ngại cho các đối tác thương mại truyền thống như Nhật Bản và Hàn Quốc. Một số nguồn tin cho biết Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent đã thảo luận với Nhật Bản và Hàn Quốc về khả năng trì hoãn áp thuế 25% đối với ô tô, thép và nhôm. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa có thỏa thuận cụ thể nào được ký kết.
Trong Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới tháng 4/2025, IMF dự báo tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ giảm còn 2,8% trong năm nay, so với mức 3,3% của năm 2024, chủ yếu do tác động từ thuế quan của Mỹ. Tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ được dự báo giảm từ 2,8% xuống còn 1,8%, trong khi Trung Quốc và Nga có thể đạt mức tăng lần lượt là 4,5% và 1,7%. Các nền kinh tế láng giềng của Mỹ như Mexico (Mê-xi-cô) và Canada chịu ảnh hưởng nặng nề, với dự báo tăng trưởng chỉ đạt 0,2% và 1,2%.
IMF cũng nhấn mạnh rằng những tuyên bố trái chiều về áp thuế và hoãn thuế của ông Trump đã làm gia tăng rủi ro tài chính, trong bối cảnh thị trường toàn cầu biến động mạnh, đe dọa hoạt động kinh tế.
Ngân hàng Thế giới, trong một báo cáo tại Hội nghị, cảnh báo về làn sóng nợ đang gia tăng tại các thị trường mới nổi, khi thương mại và dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) suy giảm rõ rệt. Nhà kinh tế trưởng của WB, Indermit Gill, cho biết các quốc gia đang phát triển, đặc biệt ở Nam bán cầu, đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận nguồn tài chính phát triển. WB kêu gọi các nước nhanh chóng dỡ bỏ rào cản thuế quan và thúc đẩy cải cách tài khóa để hỗ trợ các nền kinh tế dễ tổn thương.
Một mối lo khác là nguy cơ suy giảm niềm tin vào đồng USD với vai trò là “tài sản trú ẩn an toàn”. Báo cáo của IMF cảnh báo làn sóng bán tháo trái phiếu kho bạc Mỹ sau những tuyên bố áp thuế của ông Trump đã đặt ra dấu hỏi lớn về vị thế thống trị toàn cầu của USD.
Trong tháng 4/2025, các thị trường tài chính toàn cầu chứng kiến áp lực mạnh với tình trạng bán tháo diễn ra trên cả thị trường trái phiếu, cổ phiếu và USD. Ông Nathan Sheets, chuyên gia kinh tế tại ngân hàng Citi, nhận định phản ứng tiêu cực từ thị trường có thể buộc Chính phủ Mỹ phải điều chỉnh lại chiến lược thuế quan.
Ông Josh Lipsky, chuyên gia thuộc Hội đồng Đại Tây Dương, nhận xét rằng sự suy giảm niềm tin vào chính sách kinh tế của Mỹ có thể thúc đẩy các quốc gia khác tìm cách giảm dần sự phụ thuộc vào USD. Dù vậy, đây là tiến trình khó có thể diễn ra trong ngắn hạn, do quy mô và tầm ảnh hưởng của nền kinh tế Mỹ. Tuy nhiên, nếu niềm tin vào USD tiếp tục suy yếu, trật tự tài chính toàn cầu – vốn được thiết lập từ hội nghị Bretton Woods năm 1944 – có thể đối mặt với nguy cơ đổ vỡ.
Dù đối mặt với nhiều thách thức, kinh tế toàn cầu vẫn le lói một vài tín hiệu tích cực trong tháng 4/2025. Việc Trung Quốc miễn thuế cho một số mặt hàng của Mỹ, cùng phát biểu của ông Bessent rằng mức thuế cao áp với hàng Trung Quốc “sẽ không kéo dài”, đã mang lại hy vọng về khả năng hạ nhiệt căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, nhìn về triển vọng cả năm 2025, nền kinh tế toàn cầu vẫn được dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng chậm và đối mặt với bất ổn tài chính. Cả IMF và WB đều nhấn mạnh tầm quan trọng của hợp tác đa phương và các cuộc đàm phán thương mại minh bạch trong việc giảm thiểu rủi ro.
Nếu Mỹ và Trung Quốc đạt được một thỏa thuận giảm thuế, tăng trưởng toàn cầu có thể phục hồi. Nhưng điều này phụ thuộc lớn vào tính nhất quán trong chính sách của Mỹ. Ngược lại, nếu căng thẳng thương mại tiếp tục leo thang, sản lượng toàn cầu có thể giảm xuống dưới 2,5%, trong khi các nền kinh tế đang phát triển sẽ là những bên chịu tổn thất nặng nhất do nguy cơ khủng hoảng nợ.
IMF và WB khuyến nghị các quốc gia cần duy trì chính sách tiền tệ linh hoạt và đẩy mạnh cải cách tài khóa để giảm sự phụ thuộc vào thương mại với Mỹ. Vai trò trung tâm của IMF và WB vẫn cần được phát huy nhằm giữ vững ổn định tài chính toàn cầu. Trong khi Mỹ vẫn là đầu tàu kinh tế, sự suy giảm niềm tin vào chính sách của Washington đòi hỏi một trật tự kinh tế mới. Sự đoàn kết đa phương sẽ là yếu tố quyết định việc kinh tế toàn cầu có vượt qua được “mùa Đông” đầy biến động của năm 2025 hay không.
Diệu Linh/TTXVN (Tổng hợp)