Sáng 6/1, Tổng cục Thống kê tổ chức họp báo công bố tình hình kinh tế - xã hội quý IV và cả năm 2024. Báo cáo cho thấy bức tranh tăng trưởng tích cực với nhiều điểm sáng, từ GDP tăng cao, thu nhập bình quân tăng mạnh đến sự cải thiện năng suất lao động.
Theo đó, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý IV/2024 ước tính tăng 7,55% so với cùng kỳ năm trước, chỉ thấp hơn quý IV các năm 2017, 2018 trong giai đoạn 2011-2024. Mức tăng này cho thấy xu hướng tăng trưởng GDP quý sau cao hơn quý trước: Quý I tăng 5,98%, quý II tăng 7,25%, quý III tăng 7,43%.
Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 2,99%, đóng góp 4,86% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 8,35%, đóng góp 44,03%; khu vực dịch vụ tăng 8,21%, đóng góp 51,11%.
Về sử dụng GDP quý IV/2024, tiêu dùng cuối cùng tăng 7,54% so với cùng kỳ năm trước; tích lũy tài sản tăng 7,98%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 11,35%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ tăng 13,49%.
Tăng trưởng GDP khởi sắc dần qua từng tháng, từng quý trong năm 2024
Báo cáo của Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra rằng, GDP năm 2024 ước tính tăng 7,09% so với năm trước, chỉ thấp hơn tốc độ tăng của các năm 2018, 2019 và 2022 trong giai đoạn 2011-2024.
Trong mức tăng trưởng này, khu vực công nghiệp và xây dựng đóng góp lớn nhất với mức tăng 8,24%, chiếm 45,17% tổng giá trị gia tăng. Khu vực dịch vụ tăng 7,38%, đóng góp 49,46%, nhờ đà phục hồi mạnh của thương mại, du lịch và các ngành dịch vụ thị trường. Khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản dù đối mặt với thiên tai nhưng vẫn tăng 3,27%, chiếm 5,37%.
Năm 2024, quy mô GDP Việt Nam theo giá hiện hành đạt hơn 11,5 triệu tỷ đồng (476,3 tỷ USD), GDP bình quân đầu người đạt 114 triệu đồng (4.700 USD), tăng 377 USD so với năm 2023.
Năng suất lao động theo giá hiện hành đạt gần 222 triệu đồng/lao động (9.182 USD/lao động), tăng 726 USD. Tính theo giá so sánh, năng suất lao động tăng 5,88%, nhờ sự cải thiện trình độ lao động với tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng, chứng chỉ đạt 28%, tăng hơn 1%.
Về cơ cấu nền kinh tế, khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,6%, dịch vụ chiếm 42,4%; nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 11,9%. Về sử dụng GDP, tiêu dùng cuối cùng tăng 6,6%, tích lũy tài sản tăng 7%, trong khi xuất nhập khẩu tăng lần lượt 15,45% và 16%.
Với mức tăng trên 7%, kinh tế Việt Nam năm 2024 đã tăng trưởng vượt mục tiêu Quốc hội đề ra là 6-6,5%, đồng thời vượt qua mọi dự báo từ các tổ chức tài chính quốc tế.
Trong năm 2025, theo dự báo mới nhất từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nền kinh tế Việt Nam sẽ đạt quy mô 506 tỷ USD vào cuối năm nay, vươn lên đứng thứ 33 thế giới. Các tổ chức tài chính lớn cũng đánh giá cao triển vọng của Việt Nam, dự báo GDP năm 2025 sẽ tăng trưởng 6,5% trở lên, tiếp tục duy trì mức tăng trưởng hàng đầu khu vực.
Thanh An