Hạn chế đề cập đến tiền bạc từ lâu đã cản trở việc cải thiện giao tiếp giữa các cặp đôi. Ảnh minh họa: Boris Ivas/Pexels.
Mùa hè năm nay, ca khúc gây sốt với câu hát “I’m looking for a man in finance, trust fund, 6’5, blue eyes" (tạm dịch: "Em đang tìm một anh chàng tài chính, quỹ tín thác, cao 1m95, mắt xanh", đã khơi mào cuộc tranh luận về vai trò của tiền bạc bên cạnh ngoại hình trong tình yêu thời hiện đại.
Bài hát do Megan Boni (Mỹ), một influencer 27 tuổi trên TikTok sáng tác, phản ánh xu hướng cởi mở về chuyện tiền nong khi hẹn hò của giới trẻ.
Thực tế, khảo sát công bố vào tháng 6 của nền tảng quản lý tài chính Monarch trên 1.000 người Mỹ cho thấy Gen Z (sinh năm 1997-2012) sẵn sàng bàn về tài chính cá nhân trong 3 buổi hẹn đầu tiên, trái ngược với thế hệ Baby Boomers (sinh năm 1946-1964) thường chờ đợi ít nhất 3 tháng.
Còn tại Anh, chỉ 10-13% người dưới 35 tuổi chưa từng đề cập đến vấn đề này với đối tượng hẹn hò, theo kết quả thăm dò của YouGov do ứng dụng hẹn hò Bumble ủy quyền.
Cởi mở trao đổi
"Chuyện tiền bạc chắc chắn được nhắc đến từ sớm, chẳng hạn như mục tiêu thu nhập, chi phí sinh hoạt hay mức lương", Amy (24 tuổi) chia sẻ.
Cùng quan điểm, Georgina (30 tuổi) cho biết cô chủ động bàn về vấn đề này với người yêu ngay từ đầu.
Thế hệ Z không xem trao đổi về tiền bạc là điều cấm kỵ. Ảnh minh họa: @janandann.
"Thống kê về tỷ lệ ly hôn do tài chính rất đáng báo động. Tôi muốn xóa bỏ điều đó nên đã cùng anh ấy uống vài ly rồi trò chuyện thẳng thắn về thu nhập", cô nói.
Theo Abby Davisson (Mỹ), đồng tác giả cuốn Money and Love, sự cởi mở này có thể bắt nguồn từ những biến động tài chính mà thế hệ trẻ chứng kiến trong hai thập kỷ qua, bên cạnh sự ảnh hưởng của mạng xã hội.
Thực tế, một khảo sát năm 2023 của công ty tài chính Thụy Điển Klarna cho thấy 67% (trong số 1.427 người Anh tham gia khảo sát) Gen Z tại Anh thoải mái trò chuyện về tiền bạc với bạn bè và gia đình, hơn bất kỳ thế hệ nào khác.
Tiền bạc không nên là rào cản
Dù xu hướng "hẹn hò thẳng thắn về tiền bạc" (cash-candid dating) ngày càng phổ biến, song việc chủ động trao đổi về tài chính với người yêu tiềm năng vẫn có thể bị xem là thực dụng, theo Financial Times.
Tuy nhiên, đây lại là cách hành xử khôn ngoan bởi tiền bạc là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ly hôn ở Mỹ và Anh. Cách thức sử dụng tiền không chỉ phản ánh quyền lực, đạo đức, sự trung thực mà còn có thể ảnh hưởng đến sự lãng mạn, như nghiên cứu của vợ chồng giáo sư Gottman (Mỹ), những chuyên gia về hôn nhân, đã chỉ ra.
"Nói về tình dục dễ hơn nhiều so với nói về tiền bạc", Julie Gottman nhận định. Bà cho rằng tài chính thường gắn liền với sự xấu hổ, danh tính và những câu hỏi về sự phát triển cá nhân.
Tiền bạc là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến ly hôn ở Mỹ và Anh. Ảnh minh họa: Mikhail Nilov/Pexels.
Đồng quan điểm, chồng bà, John Gottman, cho biết theo truyền thống, phụ nữ khó chủ động nói về tiền bạc hơn. Việc đề cập đến vấn đề này gần như là một sự vi phạm các chuẩn mực giới.
Tuy nhiên, theo Davisson, việc ngại nói về tiền bạc không chỉ gây tổn hại cho các mối quan hệ mà còn khiến phụ nữ gặp bất lợi. Bà chia sẻ nhiều phụ nữ lớn tuổi đã hối hận vì không chủ động trao đổi về tài chính với bạn đời.
Khi mối quan hệ trở nên nghiêm túc, các chuyên gia khuyên các cặp đôi nên thảo luận về cách quản lý tài chính. Các ứng dụng như Plenty, hoặc các buổi trị liệu thực tế về tiền bạc có thể là những gợi ý hữu ích.
Thực tế, 2/3 người Anh tin rằng sức khỏe tài chính tốt cũng quan trọng như sự hòa hợp về tình dục, theo nghiên cứu được ngân hàng Anh NatWest ủy quyền, hợp tác với chuyên gia hẹn hò Charlene Dougla (Anh), thực hiện khảo sát trên 2.000 người vào năm 2003.
"Nói về tiền bạc không chỉ áp dụng cho giai đoạn đầu hẹn hò", Davisson nhấn mạnh. Bà cho rằng các mối quan hệ dù đang ở giai đoạn này cũng không nên phớt lờ vấn đề này, vì "không bao giờ là quá muộn".
Như Phương