Gen Z và trào lưu 'Sledging': Khi cô đơn cuối năm dẫn lối cho những mối quan hệ thoáng qua

Gen Z và trào lưu 'Sledging': Khi cô đơn cuối năm dẫn lối cho những mối quan hệ thoáng qua
18 giờ trướcBài gốc
Chuyện tình “tạm bợ”
Nguyễn Minh Ngọc, 23 tuổi, một designer trẻ tại Hà Nội, chia sẻ câu chuyện của mình với vẻ vừa ngại ngùng vừa thoáng chút nuối tiếc.
“Cuối năm ngoái, mình vô tình kết nối với một anh chàng qua ứng dụng hẹn hò. Ban đầu, mình chỉ định tìm người nói chuyện để vơi bớt cảm giác cô đơn dịp lễ hội, nhưng không ngờ hai bên lại hợp nhau đến bất ngờ. Chúng mình nhanh chóng gặp mặt và bắt đầu hẹn hò. Mọi thứ diễn ra rất tự nhiên. Cả hai đều thẳng thắn rằng đây chỉ là mối quan hệ ngắn hạn, để cùng nhau vượt qua mùa lễ.
Tụi mình đi dạo phố cổ đêm Noel, cùng nhau check-in ở các quán cà phê xinh xắn, và cả chụp những bức ảnh đôi mà lúc đó mình thực sự thấy rất vui. Nhưng ngay khi Tết đến, anh ấy dần lạnh nhạt, và mình cũng nhận ra bản thân không có cảm xúc sâu sắc. Sau vài tuần im lặng, cả hai không còn liên lạc nữa.”
Dù ban đầu Ngọc nghĩ rằng mình hoàn toàn ổn với việc chấm dứt một cách nhẹ nhàng như vậy, nhưng cảm giác trống rỗng vẫn đọng lại.
“Thực ra, mình đã dành tình cảm nhiều hơn mình nghĩ. Có những khoảnh khắc mình cảm thấy hụt hẫng vì đã quá vội vàng nói lời chia tay. Bây giờ nhìn lại, mình không hối hận, nhưng cũng không chắc liệu có muốn trải qua điều đó thêm lần nào nữa.”
Ngọc cùng người yêu mùa Giáng sinh năm trước. (Ảnh: NVCC)
Tương tự, Lê Thu Hà (24 tuổi, Hà Nội) cũng đang trong giai đoạn "lụy" sau khi chia tay mối tình gần nhất:
“Mình luôn cảm thấy áp lực khi dịp lễ đến. Bạn bè ai cũng có người yêu, còn mình thì lẻ loi. Giáng sinh năm ngoái, mình bắt đầu nói chuyện với một bạn qua Instagram, rồi chỉ sau hai tuần là đi chơi cùng nhau. Chúng mình đã thỏa thuận rõ rằng đây chỉ là một ‘mối quan hệ cuối năm’, không ràng buộc và không có cam kết lâu dài.
Theo chuyên gia, đây là hiện tượng sledging, thuật ngữ dùng để ám chỉ những người trẻ trong độ tuổi đôi mươi có xu hướng tìm kiếm một mối quan hệ mang tính tạm thời, không có tương lai trong suốt mùa lễ hội. (Ảnh minh họa bởi AI)
Nhưng rồi, đến một ngày, bạn ấy bất ngờ không trả lời tin nhắn. Ban đầu mình cố tỏ ra bình thường vì nghĩ mình không thật sự thích người ta. Nhưng khi bạn ấy hoàn toàn biến mất, mình lại thấy hụt hẫng. Mình nhận ra, dù biết rõ bản chất mối quan hệ này, mình vẫn hy vọng có điều gì đó hơn thế.”
Những câu chuyện như của Ngọc và Hà không phải là hiếm. Một khảo sát gần đây của ứng dụng hẹn hò Happn đối với người dùng trong độ tuổi 18-25 cho thấy, 15% trong số họ thừa nhận tìm kiếm một mối quan hệ "tạm thời" để cùng chia sẻ những kỳ lễ lớn.
Ngoài ra, khảo sát cũng chỉ ra rằng 30% Gen Z chọn phương án này để tránh câu hỏi "vì sao vẫn độc thân," trong khi 20% mong muốn có một người yêu để cùng tham gia các bữa tiệc Giáng sinh và Năm mới.
Tuy nhiên, 75% trong số họ đã quyết định chia tay bạn trai (bạn gái) từ tháng 11, và 25% còn lại thì âm thầm lên kế hoạch kết thúc mối quan hệ ngay sau lễ Giáng sinh hoặc dịp giao thừa.
Theo Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Nam Anh, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Viện Đại học California, Hoa Kỳ, các mối quan hệ kiểu này được gọi là "sledging", một thuật ngữ dùng để ám chỉ những người trẻ trong độ tuổi đôi mươi có xu hướng tìm kiếm một mối quan hệ mang tính tạm thời, không có tương lai trong suốt mùa lễ hội.
“Ban đầu, những mối quan hệ tạm bợ kiểu này có thể mang lại cảm giác an ủi, giúp người trẻ vượt qua sự cô đơn. Nhưng khi gắn kết dù chỉ trong thời gian ngắn, nhiều người sẽ bắt đầu kỳ vọng, thậm chí nuôi dưỡng hy vọng rằng mối quan hệ này sẽ phát triển xa hơn. Khi điều đó không xảy ra, các bạn dễ rơi vào trạng thái hụt hẫng, tổn thương và nghi ngờ giá trị của bản thân. Đây là xu hướng yêu đương độc hại, thiếu lành mạnh".”
Tình yêu chóng vánh - hệ lụy dài lâu
Trần Quang Duy, 26 tuổi, từng trải qua hai mối quan hệ “tạm bợ” trong hai mùa đông liên tiếp. Anh thú nhận rằng việc bước vào những mối quan hệ kiểu này rất dễ dàng, nhưng hậu quả lại chẳng mấy "dễ chịu":
“Năm đầu tiên, mình nghĩ chỉ cần có ai đó để đi chơi dịp Noel là đủ. Nhưng rồi, khi quen bạn ấy, mình nhận ra mình lại muốn mối quan hệ kéo dài hơn. Cả hai cuối cùng chia tay. Năm sau, mình lặp lại điều tương tự, nhưng lần này chính mình là người cảm thấy nặng nề vì không muốn làm tổn thương người khác. Sau cả hai lần, mình rút ra rằng những mối quan hệ thoáng qua không thực sự mang lại hạnh phúc như mình nghĩ.”
Những người từng tham gia vào các mối quan hệ ‘tạm bợ’ dễ có xu hướng mất niềm tin vào tình yêu bền vững. (Ảnh minh họa bởi AI)
Theo Thạc sĩ Nguyễn Nam Anh, việc tham gia vào các mối quan hệ ngắn hạn như vậy có thể ảnh hưởng đến quan điểm về tình yêu của người trẻ trong tương lai.
“Những người từng tham gia vào các mối quan hệ ‘tạm bợ’ dễ có xu hướng mất niềm tin vào tình yêu bền vững. Nhiều bạn trẻ bắt đầu cảm thấy khó khăn khi muốn xây dựng một mối quan hệ nghiêm túc, bởi tâm lý phòng thủ và sợ bị tổn thương từ lần đổ vỡ trước.”
Chuyên gia cho rằng, để tránh xa những cảm xúc tiêu cực do các mối quan hệ "độc hại" mang lại, bạn trẻ có thể thử áp dụng một số cách sau:
Trước tiên, hãy dành thời gian cho chính mình, quan tâm đến sở thích, niềm vui của bản thân nhiều hơn.
Minh Ngọc, sau mối tình không mấy êm đẹp năm ngoái, đã tìm thấy niềm vui trong việc học vẽ tranh: "Mình đăng ký một khóa học vẽ màu nước vào tháng 1. Ban đầu chỉ định thử cho vui, nhưng rồi dần dần, mình nhận ra rằng việc ngồi vẽ giúp mình thư giãn và quên đi cảm giác cô đơn."
Tiếp theo, đừng quên kết nối với gia đình và bạn bè. Những mối quan hệ thân thiết, chân thành là nguồn động viên tinh thần tuyệt vời.
Một mối quan hệ được xây dựng trên nền tảng hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau sẽ luôn vững bền hơn những mối tình ngắn hạn, chóng vánh.
Cuối cùng, nếu thực sự mong muốn tìm kiếm tình yêu, hãy bắt đầu bằng sự chân thành. Một mối quan hệ được xây dựng trên nền tảng hiểu biết và tôn trọng lẫn nhau sẽ luôn vững bền hơn những mối tình ngắn hạn, chóng vánh.
Hiếu Nguyễn
Nguồn SVVN : https://svvn.tienphong.vn/gen-z-va-trao-luu-sledging-khi-co-don-cuoi-nam-dan-loi-cho-nhung-moi-quan-he-thoang-qua-post1701293.tpo