Towana Looney đã có thể đi vệ sinh sau 8 năm chạy thận nhân tạo
Theo bệnh viện NYU Langone của New York thông báo hôm 17/12, người phụ nữ 53 tuổi đến từ bang Alabama này đã trở thành người mới nhất được ghép thận lợn chỉnh sửa gien. Looney cũng là người duy nhất còn sống trên thế giới sau khi được ghép tạng động vật.
Trong một cuộc họp báo được tổ chức ba tuần sau ca phẫu thuật, Looney phát biểu: "Tôi vô cùng vui mừng, tôi thật may mắn khi nhận được món quà này. Tôi có cơ hội thứ hai để sống".
Cấy ghép dị chủng, tức là ghép tạng từ loài này sang loài khác vốn là một mục tiêu khoa học hấp dẫn từ rất lâu nhưng khó thực hiện. Các thí nghiệm ban đầu trên loài linh trưởng đã thất bại, nhưng những tiến bộ gần đây trong việc chỉnh sửa gien và quản lý hệ thống miễn dịch đã biến giấc mơ này thành hiện thực.
Lợn đã nổi lên như một loài hiến tặng lý tưởng: chúng lớn nhanh, sinh nhiều lứa và đã trở thành một phần trong nguồn cung cấp thực phẩm của con người.
Những người ủng hộ hy vọng cách tiếp cận này có thể giúp giải quyết tình trạng thiếu hụt nội tạng nghiêm trọng ở Mỹ, nơi có hơn 100.000 người đang chờ ghép tạng, trong đó có hơn 90.000 người cần thận.
Cơ hội cuối cùng
Looney đã phải sống chung với phương pháp chạy thận nhân tạo từ tháng 12 năm 2016 và trải qua 8 năm khổ sở. Huyết áp cao do tiền sản giật đã khiến người phụ nữ này mắc bệnh thận mạn tính.
Mặc dù Looney được ưu tiên trong danh sách chờ ghép tạng với tư cách là người hiến tặng còn sống, việc tìm kiếm một quả thận tương thích cho người phụ nữ sinh năm 1973 lại liên tục gặp bế tắc khiến người ta phải nản lòng. Nồng độ kháng thể có hại cao bất thường của Looney khiến tình trạng đào thải gần như không thể tránh khỏi và khi cơ thể mất đi các mạch máu khỏe mạnh để hỗ trợ chạy thận, sức khỏe của người phụ nữ này suy giảm.
Hết cách, Looney đã nộp đơn xin tham gia thử nghiệm lâm sàng về ghép thận lợn và cuối cùng đã trải qua ca phẫu thuật kéo dài bảy giờ vào ngày 25.11. Khi được hỏi cảm thấy thế nào sau đó, Looney không giấu nổi niềm vui cho biết: "Tôi tràn đầy năng lượng, tôi có cảm giác thèm ăn… và tất nhiên, tôi có thể đi vệ sinh. Tôi đã không đi trong tám năm!".
Bác sĩ phẫu thuật trong nhóm ghép tạng, Jayme Locke đã mô tả kết quả một cách kinh ngạc. Bác sĩ Locke khẳng định: "Về cơ bản, quả thận hoạt động giống hệt như quả thận của người hiến tặng còn sống" , đồng thời nói thêm rằng chồng của Looney đã nhìn thấy đôi má ửng hồng của vợ lần đầu tiên sau nhiều năm.
Lạc quan thận trọng
Ca phẫu thuật của Looney là lần thứ ba người ta ghép quả thận lợn được chỉnh sửa gien vào một người không bị chết não.
Rick Slayman là người đầu tiên được ghép thận lợn, đã qua đời vào tháng 5, tức là chỉ hai tháng sau ca phẫu thuật tại Bệnh viện Đa khoa Massachusetts. Người thứ hai là Lisa Pisano ban đầu có dấu hiệu hồi phục sau ca phẫu thuật tại NYU Langone. Thế nhưng, quả thận ghép này đã buộc phải cắt bỏ sau 47 ngày và bệnh nhân đã qua đời vào tháng 7.
Tuy nhiên, Looney có thể thoát kết cục buồn của 2 ca trước vì không mắc bệnh nan y trước khi cấy ghép. Bác sĩ chỉ đạo ca phẫu thuật Robert Montgomery nhấn mạnh rằng mỗi trường hợp đều cung cấp những bài học quan trọng để cải thiện các kỹ thuật.
Quả thận được cung cấp bởi công ty công nghệ sinh học Revivicor, nơi lai tạo đàn gia súc biến đổi gen ở Virginia. Còn công ty đã cung cấp quả thận cho Slayman là eGenesis có trụ sở tại Massachusetts,.
Quả thận ghép cho Looney có 10 lần chỉnh sửa gen để cải thiện khả năng tương thích với cơ thể người, gồm cả việc chỉnh sửa tuyến ức của lợn để giúp rèn luyện hệ thống miễn dịch của vật chủ và ngăn ngừa đào thải. Đây một bước tiến so với những nỗ lực trước đó của Revivicor vốn sử dụng thận với một lần chỉnh sửa gen duy nhất.
Bác sĩ Montgomery là người tiên phong trong lĩnh vực này khi đã thực hiện ca cấy ghép nội tạng lợn được chỉnh sửa gien đầu tiên trên thế giới cho một bệnh nhân chết não vào năm 2021. Ông cho biết cả hai phương pháp đều có khả năng được đưa vào thử nghiệm lâm sàng với mốc thời gian "có thể là vào thời điểm này vào năm sau, hoặc thậm chí sớm hơn".
Giám đốc điều hành của Quỹ thận quốc gia Mỹ (National Kidney Foundation) là Kevin Longino cho biết: "Đây là thời điểm quan trọng đối với tương lai của việc cấy ghép". Cuộc thăm dò của tổ chức phi lợi nhuận này cho thấy các bệnh nhân và gia đình ủng hộ thúc đẩy tiến trình thử nghiệm lâm sàng nhanh hơn. Họ tin rằng rủi ro của việc không hành động lớn hơn việc chần chừ do cầu toàn trong cấy ghép dị chủng.
Looney đã được xuất viện vào ngày 6.12 và đang chuyển ra một căn hộ gần thành phố New York. Mặc dù mức kháng thể cao của Looney vẫn là mối lo ngại, các bác sĩ luôn theo dõi chặt chẽ người phụ nữ này và đang thử một chế độ dùng thuốc mới để ngăn ngừa tình trạng đào thải. Các chuyến thăm bệnh viện định kỳ vẫn có thể được yêu cầu, nhưng nhóm nghiên cứu lạc quan rằng Looney có thể trở về nhà sau ba tháng.
Anh Tú