Ảnh minh họa ITN.
Trên chiếc bảng đen đơn độc hai chữ “Tự học” to đùng và chễm chệ. Bục giảng vắng bóng cô. Trong lớp có 45 học sinh trầm tư và tĩnh lặng. Đứa thì mệt mỏi nằm lười nhác trên mặt bàn, đứa buồn bã, lúi húi làm những đề Toán cô Nhiên gửi. Tính đến hôm nay là năm ngày, cô Nhiên giáo viên dạy Toán cũng là giáo viên chủ nhiệm lớp tôi không đến lớp.
Cô Nhiên nghỉ dạy từ thứ Hai đến tận hôm nay là thứ Sáu, chúng tôi chỉ được thông báo ngắn gọn: Cô ốm. Vậy là, những tiết của cô hoặc có giáo viên khác dạy thay hoặc chúng tôi phải tự học. Ban đầu chúng tôi tỏ ra rất vui mừng, sung sướng vì không phải học kiến thức Toán nhức đầu nhưng dần dần những cảm xúc ấy biến thành sự lo lắng, bất an pha lẫn sự nhớ mong cô Nhiên.
Cuối cùng, cả lớp quyết định cử thằng Lân, lớp trưởng và nhỏ Hân, lớp phó lên gặp Ban giám hiệu hỏi thông tin về cô. Sau một hồi chờ đợi, hai cán bộ lớp đã trở về với khuôn mặt buồn bã thông báo:
- Cô Nhiên bị ốm nằm viện.
- Cái gì? Cô có sao không? Cô nằm viện sao lớp mình không đến chơi với cô?...
Hàng loạt câu hỏi được tuôn ra tạo thành cơn bão từ ngữ tấn công lớp trưởng, lớp phó, những người được cả lớp cho là nắm giữ mọi câu trả lời. Nhiều đứa nhao nhao, ồn ào khiến buổi tự học có nguy cơ bị nhà trường nhắc nhở.
Thằng Lân yêu cầu cả lớp trật tự dù nó biết vấn đề mà 45 đứa quan tâm nhất lúc này là sức khỏe của cô Nhiên. Cuối cùng, cả lớp bàn bạc và quyết định chọn ba đại diện là thằng Lân, nhỏ Hân và tôi, lớp phó lao động, cũng là người biết nhà cô Nhiên sẽ đến nhà để thăm cô.
Như đã hẹn, sáng Chủ nhật, ba đứa tôi đạp xe đến nhà cô Nhiên, trên đường đi chẳng ai nói với ai câu gì bởi sự bồn chồn, hồi hộp đã lấp đầy.
Nhà cô Nhiên nằm trong con ngõ rộng, trước nhà có giàn hoa giấy nở rộ, nổi bật khác hẳn với những ngôi nhà khác. Chúng tôi dè dặt bấm chuông. Chồng cô Nhiên ra mở cửa, có vẻ ngạc nhiên lắm khi thấy chúng tôi. Nhưng rất nhanh, chú mời vào nhà.
Trước mặt chúng tôi là cô Nhiên. Vẫn mái tóc đen dài chấm vai ấy, vẫn khuôn mặt trái xoan hiền hậu ấy mà sao hôm nay cô gầy đi và xanh xao trông thấy. Cảm giác xót xa dâng lên trong lòng tôi.
Cô ân cần hỏi tình hình học tập của lớp. Mà thú vị thật, chúng tôi đến nhà cô để hỏi thăm cô thì hiện tại chúng tôi lại đang ngoan ngoãn ngồi nghe và trả lời những câu hỏi han đầy quan tâm của cô. Cô tôi là thế, luôn ân cần, dịu dàng.
Chợt ánh mắt tôi chạm phải chiếc bàn làm việc đang bộn bề sách vở, máy vi tính vẫn đang mở. Tôi bất giác hỏi:
- Cô ơi, cô đang ốm, cô không nghỉ ngơi mà vẫn làm việc ạ?
- À, cô đang soạn đề để gửi cho các em ôn tập. Sắp thi rồi nên các em chăm chỉ nhé!
Lời nói của cô vui vẻ, lạc quan mà sao bọn tôi nghẹn lòng. Nhỏ Hân bùi ngùi:
- Cô ơi, cô đang bị ốm mà, cô phải nghỉ ngơi chứ.
- Các em đừng lo, sức khỏe cô ổn rồi, ngày mai là cô đi dạy.
- Nhưng… chắc thằng Lân định nói trông cô yếu lắm, song cô đã ngắt lời nó bằng điệu cười hiền lành xen chút xanh xao của người vừa ốm dậy: “Đừng lo cho cô, việc của các em là giúp cô đẩy mạnh phong trào học tập của lớp mình chăm chỉ hơn nữa”.
Buổi ghé thăm hôm ấy diễn ra thật ân cần, ấm áp sao tôi vẫn thấy buồn trong lòng. Trên đường về, chúng tôi lặng lẽ đạp xe, có lẽ hai đứa kia cũng chung cảm xúc như tôi. Những hàng cây bên đường tư lự, lặng lẽ trong tiết Thu man mác.
Trong tôi lúc này là hình ảnh cô Nhiên yếu ớt, xanh xao mà vẫn cố gắng cần mẫn ngồi chuẩn bị bài vở cho chúng tôi học tập. Cô luôn hết lòng với học sinh. Còn chúng tôi thì sao? Chúng tôi đã thờ ơ, khó chịu ra mặt khi đón nhận những bài tập cô chuẩn bị kĩ càng, ngay cả khi cô ốm đau như vậy. Một cảm giác ân hận dâng lên trong lòng tôi, khiến tôi muốn khóc. Tôi tự nhủ lòng sẽ nói suy nghĩ này với lớp để các bạn của tôi hiểu sự hi sinh, tận tình của cô Nhiên và thay đổi thái độ học tập.
Lòng tôi nhẹ nhàng hơn khi có suy nghĩ như vậy. Chợt câu nhận định “Nghề giáo là nghề cao quý nhất trong những nghề cao quý” mà tôi đọc trong cuốn lịch treo tường hôm qua lại hiện lên trong đầu. Quả đúng vậy, thầy cô không chỉ dạy kiến thức mà còn cho chúng tôi những bài học làm người. Thầy cô luôn tận tụy và hết lòng vì học sinh thân yêu. Hình ảnh của cô Nhiên và những việc làm của cô đã khiến tôi trưởng thành hơn, biết suy nghĩ và thấu hiểu cho thầy cô của mình.
Nguyễn Thị Hà Vân (Lớp 7A2 Trường THCS Nguyễn Đăng Đạo, TP Bắc Ninh)