Với những vấn đề trong cuộc sống, nếu muốn an nhiên vượt qua thực ra chỉ cần điều chỉnh cảm giác. Ví dụ đầu tiên mà ai cũng thấy, theo thiền sư: mong muốn lớn nhất của con người chính là sự tồn tại của chính mình khớp với bản thân mà người khác gán cho, nói cách khác là mong muốn được công nhận từ người khác. Vậy phép màu đơn giản của chuyển hóa cảm xúc tích cực mà ai cũng cần nên thử, đó là không cần quá gồng mình để cưỡng cầu, để chấp niệm. Bởi ngẫm đến cùng, cuộc đời là vô thường. Thiền sư người Nhật cho rằng: không nhất thiết phải bị trói buộc bởi những thứ gọi là ý nghĩa cuộc đời.
Có đúng là phiền não của chúng sinh thường chỉ nảy sinh trong mối quan hệ giữa người với người. Là người lắng nghe nhiều sự giãi bày của nhiều người, thiền sư người Nhật cho rằng điều mà ông cảm thấy có thể thông cảm với họ, chính là: không đặt nặng trọng điểm ở mức độ đau khổ mà tìm hiểu cấu trúc thực sự mối quan hệ giữa người với người ẩn chứa đằng sau.
Thông thường, con người có cảm giác vừa là nạn nhân, vừa lại là thủ phạm trong mọi cảm xúc của chính mình. Lời khuyên cho tình trạng lùng nhùng này chính là, hãy tách bạch cảm xúc và tình trạng thực tế. Chân tướng của vấn đề không phải ở nội tại bản thân mà luôn nằm trong không gian giữa người với người. Chả thế mà tác giả đã gọi tên chính xác: vấn đề của tôi là mảnh vải được đan dệt bằng nhiều sợi chỉ có tên là “kẻ khác”.
Trong cuốn sách, tác giả nêu ra một khoảnh khắc mà có lẽ đời người ai cũng phải đi đến đoạn ấy, cảnh ấy dù muốn hay không. Thời khắc mà ai cũng phải lìa chốn nhân gian thì tất nhiên nhìn lại một kiếp người, nếu có mãn nguyện ắt là hạnh phúc, còn giả có vài điều vương vấn, luyến lưu thì cũng không sao. Vậy nên cứ an nhiên tự tại mỗi ngày đi, chúng ta xứng đáng có được điều đó mà.
Trong dòng chảy miên man định vị chủ đề cho cuộc đời chính mình, theo lời khuyên của tác giả hãy loại bỏ cảm xúc được mất của chính mình. Đặt những ham muốn hư vinh, cầu an hưởng lạc qua một bên rồi tìm ra và tự hỏi những điều gì mình nên làm. Nếu được vậy mỗi người sẽ tự thấy những việc an lạc tự thân kia là những điều vô cùng phiến diện. Cái cảm giác nâng chén rượu tự chúc mừng mình sau một ngày hoàn thành các công việc trọn vẹn ý nghĩa cũng đầy thi vị, xứng đáng được thử nếu ai chưa từng một lần trải qua.
Tôi chợt nhớ đến những nội dung mà các chuyên gia tâm lý phương Tây từng nhắn nhủ: nếu bạn biết trong cuộc đời có hai việc: như ý và không như ý, gặp hai kiểu người: hiểu và không hiểu, nhận hai loại tình cảm: thấu hiểu và vô cảm mà lòng bạn vẫn không ngừng yêu thiết tha cuộc sống này, biết thứ tha, bao dung tất thảy mà không so bì, thì đúng là một món quà của cảnh giới hạnh phúc trong tâm hồn.
Đúng là theo thời gian, con người ta càng trở nên không bao giờ tự tin thái quá, cũng không quá coi trọng một việc gì đó, ngoài hai vấn đề cốt yếu: sinh, tử một đời người. Khi mỗi người hiểu được điều này, họ mới hiểu vì sao hàm ý nhan đề của cuốn sách lại trở nên thi vị đến vậy. “Hoa không nở ở nơi đã gieo hạt”. Để biết rằng, một vòng nhân sinh, không phải cái gì cũng nằm trong sự lý trí. Những quyết định trong một hoàn cảnh đầy bất định, thì tất nhiên cũng cần tâm thế bình tĩnh sẵn sàng đón nhận mọi thứ. Nơi gieo hạt, hoa có thể không nở. Song một khi đã gieo, ắt có nhân duyên, nếu không nở, ắt có lý do. Bạn hiểu được điều này, cũng tốt, chưa hiểu, cũng không sao. Đời người mà, một vài luyến tiếc, phi lý cũng là lẽ thường.
Sách của thiền sư Jikisai Minami không dạy con người ta buông bỏ hay phó mặc. Có lẽ đúc kết từ chính cuộc đời và những trải nghiệm ngộ đạo của ông, thiền sư dường như muốn nói với chúng ta: sự thấu hiểu một cách bình tĩnh chính là phép lạ tạo nên sự an nhiên từ tâm trong mỗi tâm hồn. Năm này, bạn hiểu, đương nhiên là tốt; năm sau bạn vẫn chưa hiểu cũng không sao.
Bạn có duyên chạm đến những trang sách này, tôi chúc mừng bạn, như tôi đã từng chạm đến. Nếu chưa thì cũng không sao. Bởi hoa có thể không nở ở nơi gieo hạt, nhưng chọn giữa trồng hay không trồng, tôi kiên quyết vẫn muốn trồng hơn! Đó được gọi là dũng khí muốn thử thách và trải nghiệm trong cuộc đời.
Nguyễn Hường