Hôm nay (ngày 6/5), cùng với cả nước, người dân trên địa bàn tỉnh Hưng Yên bắt đầu đóng góp ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (Dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp) và sẽ kéo dài trong 30 ngày. Ngay trong ngày đầu tiên, toàn văn dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp năm 2013 và các tài liệu kèm theo được công bố đã nhận được sự quan tâm của đông đảo Nhân dân trong tỉnh.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh họp xây dựng, triển khai kế hoạch lấy ý kiến Nhân dân về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp
Với trách nhiệm công dân, nhà khoa học, ngay khi các kênh thông tin chính thống đăng tải toàn văn Dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp và các tài liệu kèm theo, Tiến sĩ Ngô Hùng Mạnh, Nguyên Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn kinh tế của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã nghiên cứu và có những nhận định với góc độ của một nhà khoa học. Ông bộc bạch: Việc sửa đổi Hiến pháp lần này là cần thiết, thể hiện nỗ lực và quyết tâm của Đảng, Nhà nước và cả hệ thống chính trị nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển đất nước trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, đặc biệt là việc liên quan đến vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, để thể chế hóa rõ hơn vị trí, vai trò và cơ chế giám sát, phản biện xã hội; tổ chức chính quyền địa phương theo hướng mô hình hai cấp: cấp tỉnh và cấp xã, để tinh gọn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và giảm phiền hà cho người dân, doanh nghiệp.
Đầu giờ chiều ngày 6/5, các cán bộ, người dân thành phố Hưng Yên, khi được hỏi về việc lấy ý kiến Nhân dân đối với Dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp đều thể hiện tinh thần phấn khởi, đồng thuận cao.
Bà Nguyễn Thị Quế, Chủ tịch UBND phường Hiến Nam (thành phố Hưng Yên) cho biết: Qua trao đổi nhanh với cán bộ, đảng viên của UBND phường và cá nhân tôi rất đồng tình với Dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp từ bố cục, nội dung và kỹ thuật trình bày. Trọng tâm là những nội dung liên quan đến tổ chức bộ máy của MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và thực hiện mô hình tổ chức chính quyền địa phương hai cấp. Các công việc này bước đầu sẽ khó khăn bởi cán bộ, công chức, viên chức đã quen với nếp nghĩ, cách làm cũ. Nhưng tôi tin, trong quá trình thực hiện sẽ có điều chỉnh cho phù hợp. Điều cốt yếu là mọi thay đổi đều vì lợi ích của Nhân dân, lợi ích quốc gia, dân tộc thì Nhân dân sẽ đồng thuận cao.
Cán bộ, viên chức Sở Khoa học và Công nghệ nghiên cứu Dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp
Cũng như nhiều người dân, ông Nguyễn Trường Long, Phó Giám đốc Trung tâm Thông tin, thống kê, ứng dụng khoa học và công nghệ (Sở Khoa học và Công nghệ) luôn quan tâm theo dõi các thông tin liên quan đến việc sắp xếp tinh gọn bộ máy. Ông Long chia sẻ: Thời gian gần đây, nước ta có nhiều chủ trương, chính sách mới mang tính đột phá, được người dân ủng hộ. Ngay khi biết thông tin sẽ tổ chức lấy ý kiến Nhân dân về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp, tranh thủ thời gian nghỉ trưa, tôi và một số đồng nghiệp đã nghiên cứu nội dung của dự thảo. Các nội dung sửa đổi nhằm giúp bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn hơn, giảm cấp trung gian...
Người dân thôn Triều Dương, xã Hải Thắng (Tiên Lữ) nghiên cứu Dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp
Việc lấy ý kiến Nhân dân về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp đang được tổ chức với nhiều hình thức như: Trên ứng dụng VneID, Cổng thông tin điện tử Quốc hội, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, gửi ý kiến bằng văn bản đến các cơ quan có trách nhiệm tổng hợp ý kiến. Điều này giúp Nhân dân dễ dàng bày tỏ quan điểm, đóng góp ý kiến.
Ngay trong ngày đầu triển khai lấy ý kiến, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tổ chức họp xây dựng kế hoạch, triển khai các nhiệm vụ được giao.
Ông Nguyễn Bật Khánh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh cho biết: Việc sửa đổi Hiến pháp là sự kiện chính trị, pháp lý đặc biệt quan trọng gắn với vận mệnh của đất nước, quyền lợi chính đáng của Nhân dân. Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã đăng tải Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp; Bản thuyết minh về Dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp; Bản so sánh các nội dung sửa đổi Hiến pháp… Để việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp bảo đảm đồng thuận cao trong hệ thống chính trị và toàn xã hội, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh sẽ cùng các tổ chức thành viên đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến đến đoàn viên, hội viên, Nhân dân về mục đích, ý nghĩa, nội dung của Dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp, qua đó nâng cao nhận thức, khơi dậy tinh thần trách nhiệm công dân, thúc đẩy sự tham gia chủ động và tích cực của Nhân dân. Đồng thời, tham mưu với Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức lấy ý kiến bảo đảm công khai, dân chủ, nghiêm túc, thực chất, phù hợp với từng nhóm đối tượng; dự kiến sẽ tổ chức các cuộc tọa đàm lấy ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học để có những ý kiến sắc bén, khoa học.
Bà Trần Thị Chúm, người cao tuổi ở thôn An Tào, xã Cương Chính (Tiên Lữ): Mong muốn đất nước ngày càng phồn vinh, thịnh vượng
Bà Trần Thị Chúm, thôn An Tào, xã Cương Chính (Tiên Lữ)
Tôi nay đã hơn 80 tuổi và từng chứng kiến nhiều lần nước ta sửa đổi Hiến pháp. Mỗi lần sửa đổi đều đánh dấu sự đổi mới, phù hợp với điều kiện, tình hình phát triển của đất nước. Dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp với nhiều nội dung mang tính đột phá, cách mạng được Nhân dân chúng tôi mong chờ, kỳ vọng. Hi vọng, sau khi Hiến pháp sửa đổi được hoàn thiện ban hành sẽ tạo ra luồng gió mới, động lực mới để đất nước ta ngày càng phồn vinh, thịnh vượng, sánh vai cùng các cường quốc trên thế giới.
Chị Trương Thị Thúy, đoàn viên thanh niên xã Việt Hưng (Văn Lâm): Đồng thuận với Dự thảo sửa đổi Hiến pháp, kỳ vọng tinh gọn bộ máy nhà nước
Chị Trương Thị Thúy, đoàn viên thanh niên xã Việt Hưng(Văn Lâm)
Việc sửa đổi Hiến pháp lần này là đúng hướng, giúp bộ máy vận hành linh hoạt hơn, rõ thẩm quyền, giảm gánh nặng chi thường xuyên và nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước. Tôi kỳ vọng rằng sau khi được thông qua, các nội dung sửa đổi sẽ sớm được cụ thể hóa, góp phần cải thiện chất lượng phục vụ Nhân dân và nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, chính quyền các cấp.
Ông Nguyễn Văn Thuần, đảng viên ở xã Yên Phú (Yên Mỹ): Kỳ vọng với sự thay đổi đột phá này sẽ đưa đất nước ta ngày càng phát triển
Đảng viên Nguyễn Văn Thuần, xã Yên Phú(Yên Mỹ)
Một số nội dung trong Hiến pháp năm 2013 cần được sửa đổi để tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị trong giai đoạn mới. Nội dung tôi quan tâm nhiều nhất là việc sửa đổi các điều 110, 111, 112, 114, 115 về chính quyền địa phương. Việc không tổ chức chính quyền cấp huyện về lâu dài sẽ giúp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả hơn. Tôi nhất trí với các nội dung trong Dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp và kỳ vọng với sự thay đổi này sẽ góp phần đưa đất nước ta ngày càng phát triển.
Ông Nguyễn Văn Mát, người dân xã Phạm Hồng Thái (Khoái Châu): Sửa đổi Hiến pháp là yêu cầu tất yếu để xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả
Ông Nguyễn Văn Mát, người dân xã Phạm Hồng Thái (Khoái Châu)
Tôi nhận thấy việc sửa đổi Hiến pháp lần này thể hiện rõ tinh thần đổi mới, dân chủ và trách nhiệm. Tôi hoàn toàn đồng thuận và đánh giá cao Dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp, nhất là ở tính kế thừa có chọn lọc và đổi mới mang tính đột phá, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp phát triển đất nước. Việc lấy ý kiến qua ứng dụng công nghệ thông tin giúp người dân đóng góp ý kiến thuận tiện hơn, đặc biệt là lớp trẻ. Bên cạnh đó, các buổi họp thôn, tổ dân phố, sinh hoạt chi bộ cũng là diễn đàn hiệu quả để người dân thảo luận, tìm hiểu và góp ý...
Ông Vũ Ngọc Hoàn, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Triều Dương, xã Hải Thắng (Tiên Lữ): Sửa đổi Hiến pháp phù hợp với xu thế phát triển và yêu cầu đổi mới của đất nước
Ông Vũ Ngọc Hoàn, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Triều Dương, xã Hải Thắng (Tiên Lữ)
Dự thảo Nghị quyết sửa đổi Hiến pháp lần này có trọng tâm, trọng điểm, nhất là những quy định liên quan đến MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội để thể chế hóa rõ hơn vị trí, vai trò và cơ chế giám sát, phản biện xã hội; tổ chức chính quyền địa phương theo mô hình hai cấp: cấp tỉnh và cấp xã, không tổ chức cấp huyện, phù hợp với chủ trương tinh gọn tổ chức bộ máy, phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của nhà nước. Việc sửa đổi Hiến pháp lần này là yêu cầu tất yếu, phù hợp với xu thế đổi mới và phát triển đất nước, tạo điều kiện thuận lợi để nước ta bước vào giai đoạn phát triển mới - phát triển nhanh, bền vững, phục vụ Nhân dân ngày một tốt hơn.
Nhóm PV