Nhằm tạo bước đột phá mới trên đồng ruộng, Hội đồng quản trị HTXDVNN Đồn Xá đã mạnh dạn xây dựng các mô hình lúa sản xuất theo hướng hàng hóa liên kết với doanh nghiệp. Từ năm 2019, HTX đã quy hoạch vùng, ký hợp đồng với Công ty An Đình (Hà Nội) sản xuất 25 ha giống lúa Nhật chất lượng DS1 và DS3 thu mua toàn bộ thóc tươi ngay sau khi thu hoạch cho nông dân.
Từ mô hình đầu tiên này, những năm tiếp theo HTXDVNN Đồn Xá chuyển sang sản xuất giống lúa thuần nguyên chủng liên kết với Công ty TNHH Nam Dương (Khu công nghiệp Đồng Văn – thị xã Duy Tiên). Các giống lúa được tổ chức sản xuất khá đa dạng, gồm: Bắc thơm số 7, Nam Dương 502, PM2. Diện tích liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm được tăng lên 30 ha/vụ (60 ha/năm). Quá trình sản xuất, người dân được cung ứng thóc giống nguyên chủng, hướng dẫn kỹ thuật trong quá trình gieo mạ, cấy lúa, chăm sóc, phòng trừ sâu, bệnh. Doanh nghiệp chịu trách nhiệm thu mua toàn bộ thóc giống sản xuất ra (thóc tươi), giá thu mua cao hơn từ 7 – 10% so với thị trường bên ngoài tại thời điểm thu hoạch. Đồng thời, HTXDVNN Đồn Xá cũng ký hợp đồng sản xuất và tiêu thụ thóc thương phẩm có diện tích 20 ha với Công ty cổ phần lương thực Long Vũ (Thị trấn Bình Mỹ - Bình Lục), giá bán ổn định cho người dân.
Bà Nguyễn Thị Thi, thôn Nhân Hòa có 1,8 mẫu trong vùng sản xuất lúa PM2 tâm sự: Việc HTXDVNN tổ chức liên kết với doanh nghiệp giúp thay đổi sản xuất trên đồng ruộng. Nông dân hiện nay không phải lo khâu bảo quản, tiêu thụ vì đã được thu mua thóc tươi và giá công khai ngay từ đầu vụ. Giống lúa được đưa vào sản xuất cho năng suất cao, tăng 15 – 20% so với những giống cũ trước đây, hiệu quả đem lại tốt hơn.
Diện tích sản xuất giống lúa thuần chất lượng cao liên kết với doanh nghiệp tại HTX Đồn Xá.
Cùng với liên kết sản xuất lúa giống, HTXDVNN Đồn Xá cũng đang khai thác hiệu quả vùng sản xuất lúa nếp cái hoa vàng. Tại các thôn, toàn bộ diện tích đất chân mạ được quy hoạch gọn vùng có tổng diện tích 10 ha được dành sản xuất giống lúa đặc sản này. Để nâng cao chất lượng sản phẩm nếp cái hoa vàng, HTXDVNN Đồn Xá đã xây dựng vùng sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP. Gạo nếp cái hoa vàng Viet GAP được đóng gói có đầy đủ tem, nhãn xuất xứ nguồn gốc cung cấp cho các cửa hàng bán nông sản đặc sản, đặc trưng trên địa bàn huyện Bình Lục và thành phố Phủ Lý. Hiện nay, sản phẩm từ lúa đặc sản nếp cái hoa vàng tại địa phương không đáp ứng đủ nhu cầu của các đại lý thu mua. Giá bán sản phẩm thóc nếp cái hoa vàng cao hơn 1,5 – 1,7 lần (tùy từng thời điểm) so với thóc nếp N97 trên thị trường.
Để thúc đẩy phát triển liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm HTXDVNN Đồn Xá thực hiện tốt các khâu dịch vụ thiết yếu. Với dịch vụ thủy nông, được xác định là khâu then chốt phục vụ sản xuất. Hàng năm HTX đều tiến hành đào đắp, nạo vét khơi thông dòng chảy trên hệ thống kênh mương; đồng thời, hệ thống trạm bơm, cầu máng, cống đầu mối… được bảo dưỡng, sửa chữa đảm bảo năng lực phục vụ.
Dịch vụ khuyến nông được quan tâm nâng cao hiệu quả phục vụ. 5 năm gần đây, bình quân mỗi năm HTXDVNN Đồn Xá tổ chức được 7 lớp tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật cho hàng nghìn lượt người dân tham gia. Qua đó, giúp nông dân nắm bắt được đầy đủ kỹ thuật, quy trình sản xuất, nhất là với các giống lúa mới, sản xuất lúa giống, áp dụng cơ giới hóa vào đồng ruộng… Cùng với đó, dịch vụ thỏa thuận cung ứng vật tư phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thóc giống cũng được thực hiện giúp ổn định thị trường, người dân tiếp cận với sản phẩm chất lượng.
Đáng chú ý HTXDVNN Đồn Xá đã mạnh dạn thực hiện dịch vụ sấy thóc qua việc tiếp nhận hỗ trợ máy sấy của ngành Nông nghiệp phục vụ nhu cầu của các hộ có diện tích sản xuất lớn trên địa bàn. Bình quân mỗi vụ, Tổ dịch vụ máy sấy của HTX đảm nhận sấy hơn 100 tấn thóc cho người dân, giúp nâng cao chất lượng sản phẩm sau thu hoạch. Theo ông Nguyễn Văn Trường, Giám đốc HTXDVNN Đồn Xá: Liên kết trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm tạo bước thay đổi căn bản trong quá trình chuyển đổi trên đồng ruộng. Nông dân trong HTX đã thay đổi cách làm theo hướng tập trung, tạo ra sản phẩm hàng hóa, chất lượng. Tính chung cả về năng suất và giá trị đã tăng 15 – 20% so với trước đây. Nghề trồng lúa hiện đã đem lại lợi nhuận…
Được biết, thời gian tới, HTXDVNN Đồn Xá tiếp tục nâng cao chất lượng các khâu dịch vụ thiết yếu, đẩy mạnh thực hiện liên kết sản xuất và tiêu thụ nông sản. HTX hướng đến tăng diện tích lúa được ký hợp đồng với các doanh nghiệp lên khoảng 100 ha/năm, gồm cả sản xuất lúa giống và lúa chất lượng hàng hóa. Đồng thời, mở rộng khâu chế biến sau sản xuất, tập trung vào các giống lúa chất lượng phục vụ nhu cầu thị trường nhằm nâng cao giá trị sản xuất và thu nhập cho xã viên.
Manh Hùng