Ngay sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, tỷ giá USD/VND đã có những biến động đáng chú ý, đặc biệt là trên thị trường ngân hàng. Những phiên gần đây, giá USD tại thị trường chính có thời điểm vượt ngưỡng 25.750 VND/USD ở chiều bán và 25.350 VND/USD ở chiều mua vào.
So với mức đóng cửa trước kỳ nghỉ Tết, giá bán USD tại các ngân hàng đã tăng khoảng 400 đồng, trong khi giá mua tăng mạnh hơn, lên tới 600 đồng. Như vậy, chỉ trong vòng nửa tháng, tỷ giá USD niêm yết tại các ngân hàng đã tăng từ 1,6% - 2,4%.
Trái ngược với diễn biến sôi động trong hệ thống ngân hàng, giá USD trên thị trường tự do có xu hướng tăng chậm hơn. Hiện đồng bạc xanh đang được giao dịch quanh mức 25.620 - 25.720 VND/USD, với mức tăng khoảng 170 đồng so với trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
Theo giới phân tích đánh giá, sự leo thang của tỷ giá USD trong hệ thống ngân hàng diễn ra trong bối cảnh Ngân hàng Nhà nước liên tục điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm, khiến trần tỷ giá cũng được nới rộng. Tính từ sau Tết đến nay, tỷ giá trung tâm đã tăng tổng cộng 277 đồng, tương đương gần 1,2% – một mức điều chỉnh đáng kể nếu so với mức tăng 469 đồng của cả năm 2024.
Không chỉ điều chỉnh tỷ giá trung tâm, từ ngày 11/2/2025, Ngân hàng Nhà nước cũng đã nâng giá bán USD lên 25.698 VND/USD, chấm dứt chuỗi thời gian dài duy trì ở mức 25.450 VND/USD. Sau đó, nhà điều hành tiếp tục “thả nổi” giá bán USD theo sát tỷ giá trung tâm, giữ mức thấp hơn 50 đồng so với trần giao dịch mà các ngân hàng được phép áp dụng.
Tại một tọa đàm được tổ chức mới đây, ông Trần Ngọc Báu, CEO Wigroup cho biết biến động USD/VND giai đoạn vừa qua tương đối mạnh. Trong dịp nghỉ Tết, đồng USD tăng mạnh và gây áp lực lên tỷ giá. Và khi Ngân hàng Nhà nước nới không gian, ngay lập tức tỷ giá ngân hàng thương mại tăng vọt, nhưng tỷ giá trên thị trường tự do lại trầm lắng.
“Một thời gian dài Ngân hàng Nhà nước ghim tỷ giá ở mức tỷ giá trần, cũng không nâng tỷ giá trung tâm, không nâng biên độ nên khi nâng tỷ giá trung tâm thì các ngân hàng thương mại ngay lập tức tăng giá bán lên”, ông Báu nhận định đây là điều rất bình thường theo quy luật cung cầu thị trường, sau khi ở trạng thái bị kìm nén trong một thời gian dài. Vì vậy, tỷ giá tăng ngay từ đầu năm cũng là điều hoàn toàn bình thường, không đáng lo ngại.
Vị chuyên gia này cũng cho rằng, nếu tiếp tục ghìm giữ tỷ giá thì Ngân hàng Nhà nước sẽ phải bán dự trữ ngoại hối, hút VND về, khiến ngân hàng tiếp tục chịu áp lực về thanh khoản. Do đó, diễn biến như hiện nay là đang vận hành khá đúng quy luật.
Ông Báu cho biết thêm, từ cuối năm 2024 đến đầu năm 2025, áp lực thanh khoản của hệ thống ngân hàng đã xuất hiện. Trong vòng 6 tháng vừa qua, lãi suất từ thị trường 1, thị trường 2 đã tăng trở lại, lợi suất trái phiếu cũng tăng trở lại, liên ngân hàng cũng tăng trở lại. Và thậm chí giai đoạn Tết vừa rồi, trong trạng thái tỷ giá căng thẳng nhưng Ngân hàng Nhà nước vẫn phải bơm ra khoảng 170.000 tỷ đồng để hỗ trợ thanh khoản của thống ngân hàng.
Áp lực thanh khoản khiến ngân hàng phải huy động những nguồn vốn từ khu vực khác để cho vay. Năm 2024, tăng trưởng tín dụng cao hơn so với tăng trường huy động. Giá trị tuyệt đối vênh và tốc độ tăng trưởng tín dụng còn nhanh hơn tốc độ tăng trưởng huy động thì áp lực về nguồn vốn của hệ thống ngân hàng là hiện hữu.
"Vì vậy, lãi suất huy động ngân hàng sẽ chịu áp lực tăng. Không phải vì chính sách tiền tệ của Việt Nam thắt chặt hay nới lỏng mà vì bản thân nguồn vốn cho hệ thống ngân hàng không còn dồi dào như trước", ông Báu phân tích.
Nhận định về xu hướng tỷ giá trong thời gian tới, Chứng khoán MBS cho rằng thách thức vẫn còn khi cuộc chiến thương mại được dự báo sẽ là yếu tố hỗ trợ cho đồng USD trong thời gian tới. Gần đây, Trung Quốc đã tuyên bố áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ Mỹ nhằm đáp trả các mức thuế mới mà Mỹ áp đặt lên hàng hóa Trung Quốc, làm bùng phát trở lại căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.
Ngoài ra, Mỹ sẽ có thể áp thuế 25% đối với hàng nhập khẩu từ Mexico và Canada kể từ tháng 3 nếu các cuộc đàm phán không đạt được kết quả như mong đợi. Những rủi ro liên quan đến chính sách thuế quan của Trump sẽ tiếp tục củng cố vị thế của đồng USD. Do đó, rủi ro tỷ giá vẫn sẽ cần được chú ý trong thời gian tới.
MBS kỳ vọng tỷ giá sẽ dao động trong khoảng 25.500 – 25.800 VND/USD trong quý 1/2025 khi các kế hoạch nới lỏng tài khóa của chính quyền mới, kết hợp với các chính sách nhập cư chặt chẽ hơn, cùng với lãi suất cao của Mỹ so với các nước khác và chủ nghĩa bảo hộ tương đối cao của Mỹ, dự kiến sẽ hỗ trợ cho việc gia tăng giá trị của đồng USD trong năm 2025.
Tuy nhiên, vẫn có những yếu tố tích cực hỗ trợ cho đồng VND như: Thặng dư thương mại tích cực (khoảng 3,03 tỷ USD trong tháng 1/2025), lượng vốn FDI giải ngân dồi dào (1,51 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ) và du lịch phục hồi mạnh mẽ (tăng 36,9% so với cùng kỳ trong tháng 1/2025).
Sự ổn định của môi trường vĩ mô nhiều khả năng sẽ được duy trì và cải thiện hơn nữa sẽ là cơ sở để ổn định tỷ giá trong năm 2025.
Theo Chứng khoán KBSV, trái ngược với diễn biến tăng mạnh trong giai đoạn cuối năm 2024 và đầu năm 2025, tỷ giá USD/VND ổn định hơn trong suốt tháng 1, với biên độ dao động quanh mức 25.100 – 25.400 VND/USD. Xu hướng này đồng pha với chỉ số DXY khi có nhịp tăng mạnh lên vùng 108-110 trước thềm công bố các chính sách của Tổng thống Donald Trump, sau đó điều chỉnh nhẹ khi chính sách thuế mới cho một số quốc gia được ban hành.
Tuy nhiên, DXY vẫn duy trì ở mức cao kể từ đầu năm, dao động quanh vùng 107.5, tạo áp lực nhất định lên tỷ giá USD/VND.
KBSV cho rằng tỷ giá USD/VND sẽ tiếp tục biến động trong năm 2025 trước các quyết sách mà chính quyền Trump 2.0 dự kiến sẽ công bố có khả năng ảnh hưởng đáng kể đến sức mạnh của đồng USD. Dù vậy, KBSV giữ nguyên dự báo tỷ giá cuối năm 2025 sẽ ở mức khoảng 26.000 VND/USD tăng 2% so với năm 2024.
Lý do là DXY đã có nhịp phản ánh sớm kỳ vọng của thị trường; kỳ vọng Fed có 2 lần cắt giảm lãi suất trong năm nay; ở trong nước, Ngân hàng Nhà nước vẫn tiếp tục điều hành và sử dụng các công cụ linh hoạt để kiểm soát và bình ổn tỷ giá; và 1 số yếu tố khác có thể xảy ra như xung đột địa chính trị toàn cầu hạ nhiệt, các nền kinh tế lớn khác tăng trưởng tốt hơn kỳ vọng, tình trạng thâm hụt kép tại Mỹ thêm trầm trọng.
Mai Lan